Nếu đếm số lần mua thuốc trong một năm của gia đình, đảm bảo nhiều người sẽ giật mình vì số lần dùng thuốc do bác sĩ kê đơn ít hơn nhiều so với việc “tự khám chữa và dùng thuốc” hoặc nhờ “bác sĩ” hàng xóm, đồng nghiệp. Mà có lẽ không có ở đâu như ở Việt Nam, khách hàng chỉ cần nói sơ qua về triệu chứng là các dược sĩ (thậm chí người nhà dược sĩ) đều tự tin cấp thuốc.
Hội chứng ngại bác sĩ, sợ bệnh viện, tự chẩn bệnh, tự mua thuốc điều trị không chỉ khiến bệnh tình không thuyên giảm mà còn chuốc lấy sự nguy hiển cho bạn và người thân.
Bệnh nào thuốc nấy
Thuốc tiêu chảy
Một trong những thuốc cầm tiêu chảy rất phổ biến là Loperamide 2mg (Biệt dược là Immodium 2mg) hay có trong tủ thuốc gia đình. Loperamide cầm tiêu chảy theo cơ chế làm giảm nhu động ruột, vì vậy nó được ví giống như cái van dùng để khóa vòi nước, chặn đứng tiêu chảy. Tuy nhiên, thuốc này chỉ dùng để điều trị triệu chứng của tiêu chảy cấp không có biến chứng ở người lớn, không do nhiễm trùng nhiễm độc, tiêu chảy mạn tính ở người lớn.
Immodium khuyến cáo không nên dùng cho trẻ em và tuyệt đối không dùng cho trẻ dưới 6 tuôèi vì những tác dụng không mong muốn thường gặp là táo bón, đau bụng, buồn nôn, nôn, ức chế thần kinh trung ương và nặng hơn là tắc ruột, liệt ruột.
>> Trong trường hợp tiêu chảy do nguyên nhân nhiễm trùng nhiễm độc (thường kèm theo sốt) mà dùng Immodium thì vô hình chung sẽ giữ lại toàn bộ vi khuẩn gây bệnh và độc tố trong ruột, khiến bệnh càng trở nên trầm trọng. Vì vậy, trong trường hợp này tuyệt đối không dùng Immodium mà phải dùng các chế phẩm chứa vi sinh vật có lợi (trên thị trường là Antibio, Lacteol Fort) kết hợp với bù nước bù điện giải Oresol.
Thuốc cảm cúm
Nhóm thuốc thông dụng trong chữa cảm cúm như thuốc xịt mũi, thuốc hạ sốt chống dị ứng… đang được quảng cáo hàng ngày trên các phương tiện truyền thông cũng không hẳn là an toàn tuyệt đối. Thời tiết đang lúc giao mùa là điều kiện thuận lợi để bệnh cảm cúm xuất hiện và lây lan. Đây là bệnh của đường hô hấp do vi – rút gây ra, tác động tới niêm mạc miệng, mũi, họng và phổi. Các triệu chứng chủ yếu là hắt hơi, ngạt mũi, nhức đầu, sốt.
>> Cảm giác bị nghẹt mũi khi bị cúm, khiến người bệnh rất khó thở. Một số người thường có thói quen nhờ đến sự hỗ trợ của thuốc xịt giúp thông mũi nhờ cảm giác dễ chịu tức thì của nó. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng loại thuốc này, sẽ gây tác dụng ngược vì sẽ có nguy cơ bị tắc nghẹt mũi trở lại, có thể còn kéo dài và nguy hiểm hơn trước. Không sử dụng thuốc xịt thông mũi quá 2 lần/ngày và không dùng quá 3 – 4 ngày.
>> Không dùng thuốc kháng sinh khi bị cảm cúm vì kháng sinh không có khả năng tiêu diệt những loại vi-rút gây bệnh này. Kháng sinh chỉ đem lại hiệu quả khi cơ thể bị mắc một chứng viêm nhiễm nào đó mà thủ phạm là do vi khuẩn gây ra. Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng thuốc kháng sinh không đúng bệnh có thể sẽ tạo ra viêm nhiễm mới trong cơ thể, rất khó điều trị.
>> Một thói quen hay gặp khi bị cảm cúm là uống thuốc này chưa thấy đỡ lại tiếp tục mua thuốc khác theo sự mách bảo của người khác kiểu “tớ biết mà!”. “Làm sao mà cậu biết?”. “Tớ biết chứ, tuần trước tớ bị cảm cúm, cậu nên uống thuốc XYZ đi!”. Điều này khá nguy hiểm vì có rất nhiều loại thuốc có chứa acetaminophen (paracetamol), nếu dùng cùng một lúc sẽ gây hại đối với gan vì quá liều acetaminophen.
Thuốc điều trị nhiễm khuẩn hô hấp
Nhiều người trong chúng ta không chịu đi khám bệnh mà thường có thói quen kể bệnh cho nhau nghe, nhất là các bệnh về đường hô hấp sau đó mua thuốc theo sự "chẩn đoán" của người bán. Những triệu chứng thường được kể như: sốt, đau họng, ho nhiều, rát cổ, có đờm, ngạt mũi, mệt… rồi mua các loại kháng sinh, kháng viêm, long đờm… về uống.
Nhiễm khuẩn hô hấp là tình trạng một hoặc một số bộ phận thuộc bộ máy hô hấp bị viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc siêu vi gây ra. Bệnh thường phát triển mạnh nếu gặp những yếu tố thuận lợi: môi trường thiếu vệ sinh, sự thay đổi thời tiết và tuổi tác (trẻ em, người cao tuổi dễ mắc). Bệnh cũng rất dễ xảy ra ở những người có sức đề kháng yếu (trẻ em, người già suy kiệt).
Về phương diện lâm sàng, nhiễm khuẩn hô hấp gồm hai loại:
– Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên thường do siêu vi (nhưng cũng có thể do vi khuẩn) gồm: viêm mũi, viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm xoang.
– Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới thường do vi khuẩn (nhưng cũng có trường hợp do siêu vi) gồm: viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm phổi.
Tùy theo bệnh xảy ra ở vùng nào của đường hô hấp mà có thuốc điều trị phù hợp. Các thuốc thường dùng trong các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp (cấp), ngoài các thuốc điều trị triệu chứng như thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho hoặc long đờm… có thể còn cần dùng tới kháng sinh. Tuy nhiên, không nên tự ý mua và sử dụng kháng sinh như đã phân tích ở trên.
Bác sĩ sẽ hướng dẫn nên dùng loại thuốc nào, cách sử dụng ra sao để mau hết bệnh và tránh nguy cơ bị nhờn thuốc. Ví dụ cả hai loại thuốc Erythromycin và Amoxicillin đều tác dụng tốt trên viêm đường hô hấp trên, nhưng Erythromycin thì hay kích ứng đường ruột nên dễ xảy ra buồn nôn và nôn ở trẻ. Trong khi đó, Amoxicillin thì khả năng kháng thuốc rất cao vì vậy liều dùng ban đầu hơi cao, sau đó sẽ giảm dần.
>>Thông thường kháng sinh đều cần uống mỗi ngày 2 – 4 lần, trong 5 – 10 ngày. Rất nhiều người chủ quan, thấy triệu chứng giảm đi sau một vài lần uống là ngừng. Điều này dẫn tới vi khuẩn kháng thuốc, nhờn thuốc.
Trợ giúp thông tin:Dược sĩ Đào Nguyễn (Tổ chức quản lý Khoa học về Sức khỏe)
Các tin liên quan khác:
Tác dụng phụ biết đề phòng
Chọn đúng thuốc cao huyết áp
Dùng thuốc đúng
Thuốc nhỏ & thuốc tiêm dùng sao cho đúng?