“Con chỉ cần học cho giỏi, mọi việc khác bố mẹ sẽ lo cho!” Nhiều bậc cha mẹ không biết rằng chính câu nói cửa miệng này có nguy cơ làm hỏng cả một con người.
Cách đây không lâu, tôi tới trường quay xem ghi hình chương trình Văn hóa – Sự kiện – Nhân vật của chị Mỹ Linh với 3 khách mời: nhà báo Chu Minh Vũ, nhà báo Trương Uyên Ly, ca sĩ Lan Hương nhóm 5 Dòng Kẻ.
Câu chuyện bắt đầu với chủ đề “văn hóa showbiz”, nhưng cuối cùng đã trở thành một cuộc thảo luận xoay quanh câu hỏi “Điều gì đang xảy ra với giới trẻ hiện nay? Ai phải chịu trách nhiệm về điều này? Và hậu quả sẽ ra sao?”
Tôi nghĩ mãi về câu nói này của nhà báo Chu Minh Vũ: “Tôi liên tưởng tới hình ảnh những cánh đồng. Người nông dân gieo mạ, lẫn cả hạt kê, rồi cứ thế kê cùng mạ lớn lên. Tới khi thành hình, người ta mới biết đâu là lúa, đâu là kê để nhổ đi.
Nhưng tôi để ý có một ruộng lúa mà kê mọc xanh um, tôi hỏi người nông dân đang cặm cụi nhổ kê gần đó, rằng tại sao ông không nhổ kê ở ruộng bên này. Ông bảo: Ruộng đó nhiều kê quá, coi như bỏ đi rồi, thôi đành đợi mùa sau”.
Nhiều người lứa tuổi trung niên thường trực trong đầu một thắc mắc: “Sao tụi trẻ bây giờ… Mình ngày xưa thì…” Tôi tạm lấy thời điểm năm 1986 – khi công cuộc Đổi mới được thực hiện, xã hội thay đổi về cơ bản – làm mốc cho sự chuyển biến “bây giờ” và “ngày xưa” này.
Đời sống vật chất cải thiện vượt bậc, gia đình ít con, những đứa trẻ “bây giờ” đóng vai trò người thực hiện giấc mơ mà cha mẹ chúng chưa thực hiện được ở “ngày xưa”… tất cả dẫn tới một số không ít những người trẻ tuổi sống hưởng thụ, đương nhiên tận hưởng sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, và thấy mình không cần gánh bất cứ thứ trách nhiệm nào. Và họ luôn là “đứa trẻ”, dù nhiều người đã bắt đầu bước vào tuổi 30.
Việt Nam cũng không phải trường hợp “độc nhất vô nhị”, bởi hầu hết các nước phát triển đều đã phải đối mặt với hiện tượng này. Ở các các nước như Mỹ, Pháp, Ý, giai đoạn 1986-1994, và Nhật Bản, Hàn Quốc giai đoạn 1990-1995, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu nhận thấy sự bùng nổ của xu hướng chậm trưởng thành của giới trẻ.
Chuyện ở Nhật Bản
Tôi đã từng tham gia một bữa tiệc kỳ lạ, ở đó toàn các vị trung niên 50 – 60 tuổi, đi gặp gỡ tìm mối nhân duyên, nhưng không phải cho mình mà cho… con cái – những người tiến gần tuổi 30 và ngày càng có xu hướng ngại ngần chuyện kết hôn.
Được biết những bữa tiệc “mai mối thông gia” như vậy phổ biến khắp các thành phố lớn ở Nhật Bản, và kỳ lạ hơn nữa là số cặp kết hôn thông qua sự sắp đặt của bố mẹ như vậy khá nhiều.
Với đất nước có dân số già này, những đứa con trong gia đình thật sự trở thành báu vật. Đó cũng chính là lý do xuất hiện những bữa tiệc mà tôi đã kể. Không chỉ thế, ngay từ khi chúng còn đi học, họ đã lo lắng, suy nghĩ hộ chúng tất cả mọi việc. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như những “đứa trẻ” này không phải đã bước sang lứa tuổi 20.
Khắp nơi trên đất nước Nhật Bản, ở các trường đại học, ngày ngày nhân viên đào tạo phải nhận những cuộc điện thoại của các ông bố bà mẹ, hỏi han về việc con mình có đi học hay không, xin lời khuyên giúp con về việc học hành, thậm chí là phàn nàn về các mối quan hệ bạn bè của con ở trường…
Họ chọn trường cho con, nộp hồ sơ xin việc hộ con, thì chẳng lấy làm ngạc nhiên khi thay con quyết định một trong những việc quan trọng nhất trong chính cuộc đời chúng.
Chuyện ở Hàn Quốc
Lee, một cô gái 29 tuổi, sống cùng bố mẹ ở Daegu, Hàn Quốc, hiện vẫn chưa tìm được việc làm vì tình hình khó khăn của thời khủng hoảng, và cũng bởi độ tuổi đã “cứng” của cô. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2000, Lee đã mấy lần thi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư nhưng đều trượt.
Hiện nay, cô hoàn toàn sống dựa vào bố mẹ, tất cả mọi sinh hoạt phí hàng ngày đều do bố mẹ chu cấp, chưa kể đến khoản tiền không nhỏ mỗi tháng dành cho việc ôn thi. Và mãi tới bây giờ, khi đã gần 30, Lee mới bắt đầu nghĩ rằng mình nên tìm một công việc gì đó thay vì suốt ngày cắm đầu vào ôn thi.
Nhưng đây không phải một trường hợp hiếm hoi ở Hàn Quốc. Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc không tách ra ở riêng mà sống cùng bố mẹ với lý do không thể tìm được việc làm, hoặc bởi bố mẹ họ sẵn sàng chu cấp hoàn toàn.
Trong một cuộc điều tra tổ chức năm 2006 do Viện nghiên cứu y tế xã hội Hàn Quốc (KIHASA) tiến hành, khi được hỏi cha mẹ nên có trách nhiệm nuôi nấng con cái đến khi nào, số trả lời “cho đến khi chúng tốt nghiệp đại học” chiếm tỉ lệ nhiều nhất là 46,3%; tỉ lệ trả lời “đến khi con cái kết hôn” nhiều thứ hai là 27% với và 11,9% trả lời “đến khi chúng kiếm được việc làm”.
Vấn đề nằm ở đâu?
Rõ ràng, xu hướng gia đình ít con đã dẫn tới tình trạng những đứa trẻ được coi là cái rốn của vũ trụ, không chỉ của bố mẹ chúng mà của tất cả mọi người xung quanh.
Nhiều người không tự nhận thấy điều này, nhưng thật sự từ khi đứa trẻ ra đời, dường như mọi mục tiêu sống của họ đều chỉ xoay quanh đứa trẻ đó. Theo học giả Masahiro Yamada, giáo sư trường Đại học Tokyo Gakugei, hiện tượng này có một số nguyên nhân chính:
– Động cơ “vì người khác”. Họ đặt rất nhiều kỳ vọng vào con cái. Có nhiều người thay vì phục vụ cho chính cuộc đời mình, họ sẽ dùng nguồn tài chính của mình để đáp ứng tất cả nhu cầu của con cái. Nhiều bà mẹ mong đợi con đi theo nghề nghiệp mà bà đã từng mơ ước. Vì thế họ làm hết việc nhà cho con cái để chúng có thể tập trung vào học tập, làm sao để chúng đỗ đúng trường đại học đó, đi làm đúng ngành nghề đó.
– Sự trao đổi. Nhiều cha mẹ không biết cách nào khác ngoài việc dùng tiền để chứng tỏ sự quan tâm chăm sóc của mình với con. Họ coi việc đáp ứng mọi nhu cầu tài chính của con như một cách củng cố mối quan hệ cha mẹ con cái.
– Sự đầu tư. Có người lại cho rằng đây là một cuộc đầu tư có lãi cho tương lai. Họ trông chờ việc đầu tư để con có sự nghiệp tốt, sau này sẽ có thể chu cấp cho họ khi họ về già, ốm đau. Khoản tiền đầu tư lớn nhất là vào việc học hành.
Chuyện gì đã, đang và sẽ xảy ra?
Các nhà xã hội học Nhật Bản cho rằng, trào lưu dành hết cho con cái của “thế hệ già” đã tạo nên một thế hệ trẻ chỉ biết dựa dẫm vào bố mẹ, không tự chủ, không có mục đích sống. Thậm chí họ vẫn có thể có kết quả học tập tốt, tìm được việc làm đáng mơ ước, nhưng sẽ không bao giờ đủ trưởng thành để trở thành một người quản lý, dù là chỉ với một nhúm nhân viên.
Những người trẻ tuổi này cũng nhanh chóng tự thưởng cho mình lối sống hưởng thụ. Một cô gái Nhật 26 tuổi điển hình sẽ: “Đẹp, lái xe BMW, xách chiếc túi Chanel 2.800USD, khi cô không thích dùng chiếc túi Gucci, Prada hay Vuitton của mình. Cô đi nghỉ mát ở Thụy Sĩ, Thái Lan, Los Angeles, New York và Hawaii”, theo mô tả của báo Washington Post.
Xu hướng thích làm việc part-time thể hiện sự năng động và giải phóng của giới trẻ, nhưng đồng thời nó cũng cho thấy họ không có nhu cầu xây dựng sự nghiệp và công việc vững chắc cũng như không nghĩ tới chuyện lập kế hoạch lâu dài.
Hôm nay họ làm ở nơi này, để dành được một khoản tiền, tiêu hết vào một chuyến đi, và tháng sau họ lại bắt đầu cày cuốc ở một nơi khác, đồng thời lên mạng tìm kiếm thông tin về một điểm đến mới. Và khi đủ tiền là a lê hấp!
Tôi biết, trào lưu này đang được các bạn trẻ ưa chuộng như một lối sống cá tính và hiện đại. Bản thân tôi cũng là người thích dịch chuyển, thích các chuyến đi. Và thậm chí một quãng thời gian nào đó trong cuộc đời, tôi cũng có thể sống như vậy. Nhưng tới mức ai đó trở nên sợ hãi khi nghĩ tới việc dừng chân thì lại là vấn đề khác.
Một hệ quả khác là sự giảm thiểu số lượng gia đình trẻ cũng như tỷ lệ sinh con ở các gia đình này. Trong nhiều lý do không kết hôn, có nguyên nhân nằm ở việc họ không biết phải có trách nhiệm với gia đình thế nào, cũng như sợ rằng mình sẽ không có được cuộc sống tốt như trước kia.
Trang Nhung, 22 tuổi, nhân viên đối ngoại công ty Viettel nói: “Tôi là con một trong gia đình. Bố mẹ tôi không quá nuông chiều tôi, nhưng mẹ tôi thật sự là một người đảm đang. Tôi sợ việc kết hôn, tôi sợ tôi sẽ phải làm tất cả mọi việc như mẹ. Tôi chắc chắn sẽ không làm tốt được như vậy.
Hơn thế nữa, kết hôn đồng nghĩa với việc tôi không còn được nhận sự chăm sóc của bố mẹ, ngược lại phải chăm sóc cho chồng, gia đình chồng. Tôi chưa thấy có lý do gì để phải đánh đổi như vậy”.
Đó cũng là một trong các lý do khiến các cặp vợ chồng sợ nghĩ đến chuyện con cái. Nếu bản thân họ còn chưa biết tự lo cho mình, thì họ càng sợ hãi khi nghĩ đến chuyện chăm sóc một đứa trẻ. Bên cạnh đó, xu hướng sống hưởng thụ cũng ảnh hưởng đến điều này.
Một đứa trẻ sẽ khiến họ không mua được hàng hiệu, không thường xuyên đi nghỉ ở resort và không du lịch nước ngoài năm một bận.
Để giải thích cho việc không kết hôn, cũng không sinh con, Nguyễn Phương Minh, 32 tuổi, hiện đang định cư ở nước ngoài, lý luận: “Hãy nghĩ xem, thật bất công bởi đứa trẻ không có sự lựa chọn cho sự ra đời của mình. Sự ra đời của nó là do cha mẹ lựa chọn, cha mẹ quyết định đấy chứ, thế mà sau đó chúng ta lại bắt chúng phải biết ơn cha mẹ suốt đời vì điều này. Tôi thấy thật vô lý!”
Cô dự định trong 5 năm tới sẽ di chuyển khắp nơi trên thế giới, làm việc dự án, vẫn chưa nghĩ tới chuyện kết hôn hay có con. Mẹ cô một mình nuôi con, hiện đang ở trong căn nhà nhỏ trong ngõ phố Phạm Đình Hổ.
1-2 năm, Phương Minh về thăm mẹ một lần, cô nói rằng mỗi lần về nước là một lần xả stress bởi không phải làm gì cả, mẹ cô lại chăm sóc cô như ngày cô còn bé. Bà tự hào vì cô con gái duy nhất đã có bằng tiến sĩ.
Các tin liên quan khác:
Trực thăng, Peter Pan và Chuột túi
Vì mình là đàn ông
Bích Phương: Một lần đánh con, ngàn ngày day dứt
Hồng Hạnh: Muốn thời gian này cứ kéo dài mãi
Vượt qua nỗi buồn, con sẽ tự lớn lên
Bạn đã trưởng thành chưa?