Chuyện đàn bà 'hớ hênh' - Tạp chí Đẹp

Chuyện đàn bà ‘hớ hênh’

Sống

Hớ hênh hoàn toàn không phải là lẳng lơ trắc nết, nó chỉ là sự lỏng và tuột của một khoảng khắc thời gian khi thời trang của các nàng trót vô ý xộc xệch. Bản chất của nó là trong sáng, sinh thực khí rất lành mạnh “xếch xi”, nên thật gần gũi với những truyền thống văn hóa phồn thực dân dã của người Việt. Hầu hết các bậc túc nho đức hạnh đều mủm mỉm thú vị khi độ lượng nhìn về cái khoảng khắc siêu thực này.

Cụ xứ Trừu, người làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây lúc đang đi dạy học có làm một bài phú khét tiếng theo vần “để ra mãnh ơi” mô tả một thôn nữ vô tư lộ hàng khi mải xem bọn học trò chơi cờ: “Ai ngờ cô ta. Ngồi lê ngồi la. Mải mê việc nước. Hớ hênh của nhà. Nhi bành bạnh ra. Nhi chành chạnh ra. Sức ông mãnh ra. Sức ông kễnh ra. Rung nhật nguyệt chi ma. Chuyển càn khôn chi mãnh”. (Thơ văn trào phúng Việt Nam – NXB Văn Hóa Thông Tin, trang 285).

Bài phú được những đàn ông có chữ trân trọng lưu truyền qua không biết bao nhiêu thế hệ. Hình như tất cả những đàn ông hoành tráng ghét sự giả dối đều thích đoạn kết của bài khi ông thầy được nghe tay học trò lễ phép thuật lại. “Tiên sinh nghe rồi. Bèn mỉm đôi môi. Bèn vỗ đôi đùi. Bèn quẳng cây roi. Bùi ngùi cảm thán. Ối trời ôi, thế mà hôm qua không có tôi”. (Sách đã dẫn – Xin mạn phép tác giả lạm sửa đôi chữ phương ngữ, bởi rất nhiều người mẫu trẻ ngày nay quen sơ xuất “để ra” thường chưa thông lắm cách hành văn của phú cổ).

Thế nhưng đỉnh cao mô tả đàn bà hớ hênh chắc chắn thuộc về đại thi hào dân tộc Tam nguyên Yên Đổ, cụ Nguyễn Khuyến. Từ bài thơ chữ Hán của chính mình “Vũ Phu đôi”, cụ Nguyễn đầy cảm hứng khi tự dịch ra nôm như thế này. “Ở đầu đường ngang có vũng lội. Có miếu ông Cuội cao vòi vọi. Đàn bà đến đó vén quần lên. Chỗ thời đến háng chỗ đến gối. Ông Cuội ngồi trên mỉm miệng cười. Cái gì trông trắng như con cúi. Vội vàng khép nép đứng lên thưa. Con trót hớ hênh ông xá tội. Thôi thôi con có tội chi con. Chỉ tội làm ông cứng con…”. (Thơ văn Nguyễn Khuyến – NXB TP. Hồ Chí Minh, trang 168).

Ở câu cuối, nguyên văn chữ Hán là “Nộ nhĩ hà cang ngã dương cụ”. Theo quan điểm của văn bản thì đây chính là tội lớn nhất của đám đàn bà hớ hênh đã gây ra cho bọn đàn ông.Qua những dẫn liệu kể trên, có thể thấy thói quen vô ý hở hang của phụ nữ Việt thật “xưa như Diễm”. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà đến tận hôm nay chuyện đàn bà hớ hênh vẫn luôn được sự quan tâm sâu sắc từ giới văn thi sĩ, đạo diễn lẫn cả giới trí thức uyên bác học thuật.

Trong một bài nghiên cứu sâu sắc đăng chính thống trên tờ Văn Nghệ “già” số 13 của năm nay, một giáo sư đã nồng nhiệt coi trường đoạn bố chồng nhìn trộm con dâu tắm ở kiệt tác “Không có vua” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một trường đoạn nhân văn kinh điển. Còn bài thất ngôn bát cú “Thiếu nữ ngủ ngày” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương tả một em teen lúc mơ màng bỗng sơ ý “nuy” làm “quân tử dùng dằng đi chẳng dứt” thì từ thế kỷ trước ở bậc đại học đã chính thức giảng dạy.

Thậm chí với điện ảnh, vô số đạo diễn tài năng ở ta luôn coi việc các nữ diễn viên thể hiện cảnh bị nhìn trộm những lúc “hơn cả tắm” chính là một chi tiết nghệ thuật không thể bỏ. Nó hồi hộp, quyến rũ y hệt như việc ghi được bàn thắng ở những trận chung kết bóng đá đỉnh cao. Tuy nhiên, tất cả chẳng là cái đinh gì nếu phải so với truyền thông báo chí. Sự “hớ hênh hóa” được quảng bá một cách đậm đà vĩ mô trên nhan nhản các trang báo mạng lẫn báo viết. Kiến thức của người đọc bây giờ hầu như không còn chỗ hở bởi liên tục được “ắp đết” nồng nỗng những chuyện “ca sĩ lộ quần xịp” rồi “người mẫu trót hở ti” rồi “em xi nhỡ tụt váy”.

Quá nhiều độc giả có cơ địa bẽn lẽn đã thất thanh gọi đó là thảm họa. Có điều, ngoại trừ những người thực sự có vẻ đạo đức vô tư, thì thỉnh thoảng trong sâu xa tiếng thét của vài nam độc giả nào đấy, vẫn phảng phất một niềm nuối tiếc “ối giời ơi, thế mà lúc ấy không có tôi”. Xin chân thành vái cụ xứ Trừu một vái. Trên một phông văn hóa đáng kể như vậy, thì văn chương đương đại của 8X, 9X có những thành công nhất định theo khuynh hướng sexy phồn thực khỏe khoắn sẽ là một tất yếu đương nhiên. Những Đỗ Hoàng Diệu, những Lynh Bacardi thật sự là những hiện tượng văn học lành mạnh. Và nếu bọn họ trót có một hớ hênh lỗi gì đấy thì phải chăng chúng ta cũng nên học sự độ lượng của cụ nghè Nguyễn Khuyến?

Bởi nói cho cùng thì “Thôi thôi con có tội chi con. Nỗ nhĩ hà cang ngã dương cụ”.

Theo Đẹp, số 150

Thực hiện: depweb

06/07/2011, 18:10