Chuyện đám ma Sài Gòn - Tạp chí Đẹp

Chuyện đám ma Sài Gòn

Giải Trí

Bán anh em xa mua láng giềng gần, mẹ tôi tập cho tôi đi phúng viếng đám ma hàng xóm trước cả khi tôi phải đưa tang người thân thuộc. Đám tang ông nội diễn ra khi tôi học lớp bảy, bà nội thì khi đã đậu tú tài, bà ngoại mãi tận sau này lúc tôi khôn lớn đi làm, trong khi đó đám tang hàng xóm tôi phải đến chia buồn đầu đời là năm tôi chưa tròn mười tuổi. Bé hơn con trai tôi lúc này.

Các tang lễ xảy ra ngày tôi thơ bé rất yên ả. Xóm đạo, hễ nghe thấy tiếng đọc kinh không nhằm giờ thường lệ là biết ngay nhà nào đó có tang. Chưa bao giờ nghe tiếng khóc. Tang gia không khóc lớn thì làm gì có chuyện thuê người khóc mướn. Yên tĩnh lắm, thiêng liêng lắm. Đèn nến, giọng cầu kinh, những vành khăn sô, tôi đi phúng viếng về thể nào đêm đó cũng nằm mơ thấy lại. Hình ảnh buồn nhưng không làm ta sợ. Nhất là không làm ta khó chịu. Hình ảnh u sầu dịu nhẹ như bài Requiem của Mozart…

Sài Gòn ngày xưa cái gì cũng yên. Đám cưới chỉ ồn chút lúc pháo nổ rước dâu. Không bao giờ ăn uống nhậu nhẹt ầm ĩ. Cơn vui cũng chỉ dịu nhẹ, cười bằng mắt nhiều hơn cười thành tiếng. Thì cũng thế, cơn buồn cũng ẩn vào tim, vào não, vào những nếp áo tang, vào lời kinh cầu cho người quá cố được yên nghỉ. Thế nên càng lớn tôi càng thấy lạ: sao người ta làm ồn cả trong tang lễ?

Bạn bè tôi ngoài Bắc dọn vào ở Sài Gòn thể nào cũng than vụ đám ma hàng xóm gây mất ngủ. Họ tưởng vụ này vốn thế, ở thành phố này, người phương xa mới bị sốc. Họ đâu biết chính tôi, kẻ có mặt ở Sài Gòn suốt từ khi sinh ra đến giờ, mà còn bàng hoàng không hiểu từ lúc nào, cơn cớ ở đâu, mà có tệ nạn ấy. Tệ làm ồn trong đám ma.

Hình như bắt đầu từ quãng mười năm trước đây.

Lúc tôi dọn nhà từ Phú Thọ sang Quận Tư, quận này còn vắng vẻ vì các khu dân cư cũ xuống cấp đã được di dời hết. Chung cư tôi ở còn vắng hơn, các căn hộ chưa kín chủ, đi làm về nhiều khi thấy cả khu lặng như tờ không một hơi hướng người. Thế rồi có một đám ma diễn ra. Nơi mới chưa quen, chưa ai là hàng xóm của ai, đi phúng điếu là làm nghĩa vụ tổ dân phố.

Đêm hôm ấy, cả chung cư được thưởng thức một show văn nghệ hoành tráng lẫy lừng. Dàn loa xoay mặt ra đường inh ỏi, vì nhà còn thưa vắng và các dãy chung cư đối diện song song nhau nên tiếng vọng va đập qua lại thành ra lớn đến mức điếc tai, các ca sĩ nghiệp dư chen vai thích cánh như cả đội âm binh từ dưới đất chui lên. Họ hát, hát đàng hoàng còn đỡ, đằng này hát bậy, chế lời, hát nhăng nhít chọc ghẹo nhau. Lại còn trò giới thiệu nhảm “bây giờ là màn trình diễn của ca sĩ Lam Trường”, “đến lượt ca sĩ Phương Thanh”, họ gán cho nhau các nghệ danh nhái lại các ca sĩ nổi tiếng, họ nhảy loi choi, họ tấu hài, họ ca tân cổ giao duyên, họ kích động mọi người vỗ tay. Nguyên một đêm. Đêm trắng. Tận đến rạng sáng, là giờ đưa ma.

Đó là “trải nghiệm” đầu tiên của tôi. Nối tiếp sau đó, không dưới hai chục vụ ở quanh khu tôi ở.

Tôi hỏi mẹ tôi về cái tệ nạn trên, bà lắc đầu không giải thích được vì sao nó có, vì sao người ta chấp nhận nó, vì sao càng ngày thì tang lễ càng trở nên nhí nhố thiếu văn hóa và phản trang nghiêm như vậy. Mẹ tôi bảo, thời mạt pháp con ạ, cái xấu trỗi dậy. Ơ, thời gì thì thời chứ, sao ủy ban phường, công an phường không lên tiếng, không khuyên nhủ, không can ngăn?

Đám ma mà nhăng nhít thì có lỗi với người vừa mất. Ồn ào thì có lỗi với hàng xóm láng giềng. Lại còn để cả Sài Gòn bị mang tiếng đấy là “đặc trưng vùng miền” nữa thì thật tai hại!

Tôi được người quen cho biết có những đội văn nghệ nghiệp dư sống nhờ vào đám ma. Họ đánh hơi ở đâu có tang, là đến. Họ xin gia chủ, không được thì xin đội mai táng, hoặc nói nhỏ với dàn kèn nhà đám. Họ mong có chỗ để hát, dĩ nhiên thù lao chẳng bõ bèn gì, chỉ để thỏa “ao ước” được lên sân khấu, bất kể sân khấu gì, không khí nào. Dạng hát đám ma này là biến tướng của thú hò hét trong karaoke.

Lần nào hàng xóm có đám, tôi cũng trốn đi khách sạn ngủ. Mẹ tôi bảo, con sợ chưa, sợ rồi thì nhớ giùm cho sau này mẹ mất, dứt khoát không được làm ồn đấy nhé. Ma chê cưới trách, người ta khó chịu cũng đâu nỡ lên tiếng góp ý, mà đâu phải nhà ai cũng chết hoài để rút kinh nghiệm. Thế nên phải để ý, tang cốt ở tĩnh ở nghiêm, con nhé.

Mẹ tôi còn khỏe mạnh lắm, cụ dặn thế thì cứ vâng dạ. Vấn đề đáng lo là ở chỗ làm sao cho mọi người cùng ý thức được nếp sống văn minh. Còn nếu chính quyền địa phương thúc thủ, hay là cảm thấy chuyện làm ồn mới là… văn hóa, thì tôi đặt phòng khách sạn quen để thỉnh thoảng đi trốn cũng không sao.

Chỉ buồn chút thôi. Thế kỷ hăm mốt rồi, mà còn ấu trĩ như vậy.

Quốc Bảo

Thực hiện: depweb

03/11/2011, 17:19