và ánh đèn sân khấu từ lâu đã trở thành cảm hứng cho rất nhiều cô gái
trẻ muốn dấn thân vào con đường đầy chông gai này. Tuy nhiên, để đạt đến đỉnh cao, người mẫu phải trải qua cả một hành trình. Đầu tiên phải được xuất hiện tại các tuần lễ thời trang lớn trên thế giới, sau đó phải được xuất hiện trên những bộ hình thời trang trên các tạp chí thời trang danh tiếng (cơ may này có được phần lớn là do được đỡ đầu). Tiếp đến, nếu may mắn, người mẫu sẽ được chọn xuất hiện trong những bộ hình quảng cáo của những nhãn hiệu thời trang danh tiếng, trở thành gương mặt đại diện cho những nhãn hiệu này. Siêu mẫu Christy Turlington từng nói rằng: “Tôi ghét sàn diễn thời trang”. Nhưng cho tới thời điểm này, mặc dù đã ngoài 40 tuổi, cô vẫn xuất hiện trong hàng loạt các chiến dịch quảng cáo của Bally, Escada,… và mới đây là Louis Vuitton. Như thế, đủ để thấy ma lực của nghề người mẫu lớn như thế nào. Hơn nữa, sự cạnh tranh trong thế giới người mẫu khắc nghiệt và không khoan nhượng, để tồn tại không chỉ cần có tài năng mà còn cần phải có cả bản lĩnh. Chính vì vậy, câu chuyện về người mẫu là cả một câu chuyện dài. Carla Bruni – Vẫn tiếp tục ồn ào?
Carla Bruni (thời trẻ) trong một buổi biểu tình
“Người đàn bà sưu tập đàn ông”, “Don Juan mặc váy” – cuốn sách tiểu sử mới nhất (xuất bản tháng 9 vừa qua) về Carla Bruni–Sarkozy dành cho đệ nhất phu nhân nước Pháp nhiều cái tên không mỹ miều một chút nào. Lẽ dĩ nhiên là cuốn tiểu sử “Carla, a secret life” (Cuộc sống đầy bí ẩn của Carla) đã không được dinh tổng thống Pháp chấp thuận. Tác giả Besma Lahouri, trước đây từng là nhà báo đã phỏng vấn đến hơn 100 người với hy vọng sẽ phanh phui được nhiều tai tiếng trong cuộc đời của cựu siêu mẫu 45 tuổi hiện là đương kim đệ nhất phu nhân nước Pháp.
Từ lúc bà còn là một cô học sinh người Ý tại trường tư cho con cái nhà giàu ở Pháp, được thừa kế một gia tài kếch xù, đến lúc trở thành siêu mẫu của thập kỷ 20 với cuộc sống tình ái phóng khoáng, đã từng mê hoặc trái tim của nhiều tên tuổi lớn nhất của làng nhạc rock thế giới như Eric Clapton hay Mick Jagger của ban nhạc The Rolling Stones (người thậm chí đã bỏ tiền mua vé máy bay Concorde vượt đại dương để có thể ở bên bà vài tiếng đồng hồ), cho đến khi trở thành ca sỹ nhạc pop có đĩa nhạc khá thành công trên thị trường tiếng Pháp.
“Bông hoa biến sắc” này đã gia nhập thế giới thời trang không lâu trước khi kết hôn với tân tổng thống Pháp, cho đến lúc đó, bà vẫn còn thú nhận với tờ Madame Figaro rằng: “Tôi là người chinh phục đàn ông, là mèo cái, có dòng máu Ý, cuộc sống chỉ với một người đàn ông duy nhất làm tôi phát chán”. Để rồi sau cuộc hôn nhân với tổng thống Pháp, bà lại ngay lập tức xuất hiện trong vai một người đàn bà quý phái, lịch thiệp, khiêm tốn, rất hợp với cương vị là gương mặt sang trọng đại diện cho nước Pháp.
Tác giả của cuốn tiểu sử cho rằng cô siêu mẫu của thập kỷ 90 này không những đã bỏ tiền làm phẫu thuật thẩm mỹ (mặc dù phu nhân của tổng thống Pháp luôn phủ nhận điều đó), mà còn có chuyên gia cố vấn chính trị riêng để xây dựng cho mình hình tượng mới trong vai trò là bà chủ của cung điện Élysées. Tuy chỉ để ý đến bản thân, nhưng bà thật sự là một con người tình cảm – tác giả của cuốn tiểu sử khẳng định. Bà ta trung thành trong tình bạn hơn là trong tình yêu.
Cuốn tiểu sử tuy có hứa hẹn với bạn đọc sẽ phanh phui nhiều bí mật trong cuộc đời của Carla Bruni, nhưng cuối cùng cũng không làm hé mở được điều gì mới mẻ hay đủ tai tiếng để thỏa mãn sự tò mò của dư luận ngoài việc nhắc đến cuộc “chiến tranh lạnh” giữa hai đệ nhất phu nhân Pháp và Mỹ mà người khởi xướng không phải ai khác chính là Carla Bruni.
Carla Bruni trong vai trò người mẫu
Cựu siêu mẫu cho rằng Michelle Obama, vợ Tổng thống Mỹ là người duy nhất có thể cạnh tranh với mình để giành danh hiệu “người đàn bà đẹp nhất hành tinh”. Cả hai người đàn bà đều thường xuyên xuất hiện trước công chúng trong những trang phục hợp thời trang của các thương hiệu có tiếng trên thế giới, nhưng chính bà Michelle Obama mới là người thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới thời trang và cũng là người được báo chí và dư luận Mỹ gọi là người có công quảng bá cho ngành thời trang của nước mình.
Sẽ quá ngây thơ khi nói rằng đây là một trong những nguyên nhân gây ra mối quan hệ không lấy gì làm mặn mà giữa hai cường quốc. Hơn nữa, theo những cuộc trưng cầu ý dân gần nhất, người Pháp vẫn cho rằng Carla Bruni là người đại diện xứng đáng cho đất nước họ.
Khiếm khuyết của người mẫu
Gần đây, các người mẫu đã gây ra khá nhiều sự chú ý khi để lộ những khiếm khuyết của mình. Có thể là các tờ tạp chí thời trang, hay những trang quảng cáo mỹ miều của các thương hiệu đắt tiền đã làm người ta quen với ý nghĩ rằng người mẫu phải là người hoàn hảo.
Naomi Campbell trong một lần hầu tòa
Naomi Campbell – cô người mẫu da đen nổi tiếng với tính tình nóng nảy (cũng là bạn diễn cùng thời với Carla Bruni) đã lên trang nhất của báo chí thế giới khi xuất hiện trước tòa với tư cách là nhân chứng (chứ không phải do dùng điện thoại di động trái chức năng). Mặc trang phục rất lịch sự của Azzedine Alaia, màu beige (màu chủ đạo của Thu Đông năm nay), Naomi kể về món quà bất thường của mình vào một buổi tối năm 1997, sau khi bữa tiệc do Nelson Mandela tổ chức tại Nam Phi kết thúc.
Ba người đàn ông lạ mặt gõ cửa phòng khách sạn và trao cho cô một chiếc túi mềm, trong túi có một vài viên đá quý nhỏ, xấu, bẩn. “Tôi quen được nhận quà, thậm chí là vào cả buổi tối” – Naomi nói với tòa án quốc tế đang xét xử Charles Taylor về tội ác đối với nhân loại. “Nhưng tôi chỉ quen nhìn thấy kim cương đặt trong hộp thôi”. Cựu tổng thống Liberia hiện đang bị buộc tội ngấm ngầm gây chiến tranh tại nước láng giềng Sierra Leone, đã cướp đi sinh mệnh của hơn một trăm ngàn người. Việc Taylor cung cấp vũ khí cho quân đội chính là nhằm mục đích đổi lấy kim cương, chính vì vậy, những viên kim cương này được gọi là “kim cương vấy máu”.
Cô người mẫu da đen đầu tiên xuất hiện trên trang bìa tạp chí Times này phủ nhận việc đã từng có những quan hệ cá nhân với Taylor. Những viên đá quý “bẩn” của buổi tối hôm đó được cô tặng lại cho quỹ từ thiện của Nelson Mandela.
So với những chuyện tày đình của Naomi thì những tai tiếng do các siêu mẫu – supermodel – cùng thời với cô đã từng gây ra thật chẳng thấm vào đâu. Cindy Crawford tuyên bố rằng sẽ trở thành tổng thống nữ đầu tiên của nước Mỹ (tất nhiên điều này mang tính chất PR hơn là ý định thật sự). Tuy vậy, trang bìa số đầu tiên của tạp chí chính trị George đã đăng hình Cindy Crawford hóa trang giống với tổng thống đầu tiên của Mỹ George Washington và năm 2005, nó được đánh giá là một trong những trang bìa tạp chí thành công nhất trong vòng 40 năm trở lại.
Cindy Crawford (thứ 2 từ phải sang)
Linda Evangelista – siêu mẫu người Canada, từng được ví là “bông hoa biến sắc” của thời trang do việc thay đổi thường xuyên các kiểu tóc và là người góp phần tạo nên các xu hướng thời trang mới, cũng đã từng gây sốc với tuyên bố “sẽ không ra khỏi giường nếu cát xê cao không đến 10.000 đô la Mỹ một ngày”.
Bức ảnh đen trắng chụp Linda ngồi giữa các công dân “bình thường” của New York do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Peter Lindbergh thực hiện đã nhận được phản ứng từ phía dư luận cho rằng thời trang đã quá mạnh tay sử dụng hình tượng của “người đẹp và quỷ dữ”. Cô siêu mẫu này còn bị lên án vì sự nghiệp cô có được chẳng qua là do cặp bồ với John Casablancas, giám đốc của hãng người mẫu Elite.
Nửa sau thập kỷ 80 của thế kỷ 20, thập kỷ của sự ngông cuồng và thói quen tiêu pha phung phí là một trong những giai đoạn vẻ vang nhất của thời trang, thời kỳ hoàng kim của haute couture cung cấp các trang phục đắt tiền và tinh xảo cho cho giới thượng lưu. Đây là lúc phụ nữ Tây Âu bắt đầu chiếm lĩnh những cấp bậc cao trong kinh doanh, thu nhập của họ tăng nhanh một cách đáng kể.
Trong thời trang, đây là thập kỷ của “những trang phục quyền lực” cho “những phụ nữ quyền lực”. Và trong thời kỳ này cũng là lần đầu tiên xuất hiện khái niệm supermodel – những người mẫu nổi tiếng nhất, có thu nhập cao nhất, ở mức vài triệu đô la hàng năm.
Họ thường là những cô gái trẻ xuất thân từ những gia đình lao động rất bình thường, thậm chí là nghèo. Sau khi được phát hiện tại các cuộc thi người mẫu từ khi 17, 18 tuổi, họ nhanh chóng thành công trong con đường công danh. Khuôn mặt của các siêu mẫu xuất hiện ở khắp nơi, đặc biệt là trên trang bìa những tạp chí thời trang hàng đầu thế giới như Vogue, Elle, Harper’s Bazaar, Cosmopolitan, cũng như trong trong các bộ ảnh quảng cáo cho Chanel, Dior, Yves Saint Laurent, Versace, Giorgio Armani hay Ralph Lauren, những thương hiệu thống trị thời trang thời bấy giờ.
Siêu mẫu Mỹ Christy Turlington (bên phải) tại Paris
Linda Evangelista, Christy Turlington, Naomi Campbell được cho là “bộ ba” (“the big three”) không thể thiếu được trong buổi trình diễn thời trang của một thương hiệu đẳng cấp. Trong “bộ năm” các siêu mẫu chính thức còn có Cindy Crawford – “cô gái Mỹ” với khoảng 400 bìa tạp chí thời trang và là người mẫu đầu tiên ký hợp đồng đặc quyền lớn trong nhiều năm liền với một hãng mỹ phẩm (Revlon), mở con đường mới đến tài sản sáu số 0 cho các người mẫu về sau.
Nhân tiện đây cũng cần phải nhấn mạnh rằng số tiền một người mẫu nhận được nhờ những hợp đồng mỹ phẩm lớn hơn tiền cát xê cho việc tham gia trình diễn thời trang rất nhiều, nhất là khi họ ký hợp đồng đặc quyền với một thương hiệu lớn. Còn việc được chọn thực hiện một chùm ảnh thời trang, thậm chí là cho những tạp chí có tiếng tăm như Vogue, chỉ mang tính chất làm nổi danh tiếng của họ, nhằm gây sự chú ý để hướng đến một hợp đồng được giá.
Tuy vậy, số trang bìa của Vogue, hay số lượng show thời trang người mẫu mở màn vẫn là một trong những thước đo mức độ thành công trong nghề làm mẫu. Người mẫu cuối cùng trong nhóm “big five” là Claudia Schiffer – người mẫu tóc vàng gốc Đức, “cục cưng” của Karl Lagerfeld, nhờ đó mà nhiều năm liền là khuôn mặt của Chanel.
Thập kỷ 80 cũng là lúc người mẫu được xem như “nàng thơ” của các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng, hay của các nhà thiết kế mốt. Trong số những khuôn mặt hàng đầu của thập kỷ phải kể đến Tatjana Patiz, người mẫu yêu thích của Peter Lindbergh; Helena Christensen, cô người mẫu Đan Mạch (đã xuất hiện trên video clip “Wicked game” của Chris Isaak chỉ trong một chiếc quần lót vải bông trắng) sau này trở thành nhiếp ảnh gia, Stephanie Seymour là người mẫu yêu thích của Avedon.
Veronica Webb và Naomi Campbell được Azzedine Alaia coi như con gái. Nadja Auerman, cô gái tóc vàng người Đức được coi là chủ nhân của cặp chân dài nhất mọi thời đại, là khuôn mặt của Versace và cũng là người mẫu được Karl Lagerfeld chiều chuộng, có lẽ một phần do xuất thân gốc Đức của cô. Kristen McMenamy với khuôn mặt xương xẩu và vẻ đẹp androgyny, là người mẫu yêu thích của Helmut Newton. Tuy 47 tuổi nhưng cô đã có sự trở lại tuyệt vời trên trang bìa của Dazed and Confused và Vogue Italia, quảng cáo cho Lanvin hay các chùm ảnh thời trang cho các tạp chí thời trang nổi tiếng.
Tất nhiên, mỗi thập kỷ lại có những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho thời trang thế giới, đặc biệt là những năm 60, khi “cuộc cách mạnh trẻ” làm đảo lộn cuộc sống, văn hóa và xã hội của Mỹ và châu Âu. Trước tiên phải kể đến Twiggy, người mẫu tuổi teen nổi tiếng đầu tiên trên thế giới (năm 18 tuổi cô đã nhận danh hiệu “khuôn mặt của năm 1966”) đồng thời cũng là người khởi xướng trường phái người dây “không giới tính”.
Cùng thời với người mẫu người Anh còn có Peggy Moffitt, người Mỹ, tên tuổi gắn liền với nhà thiết kế mốt nổi tiếng từ California Rudi Gernreich, nhất là với bộ đồ tắm “monokini” không có áo che ngực. Ngoài ra, còn phải kể đến Veruschka von Lehndorff với xuất thân từ một gia đình quý tộc giàu và là một trong những người mẫu có mức cát xê 10.000 đô la Mỹ cho một ngày làm việc.
Rất sexy, vẻ đẹp của Veruschka ngược hẳn lại với vẻ đẹp “chưa dậy thì” của Twiggy. Năm phút và câu thoại duy nhất “Vâng, em ở đây” (Here I am) trong phim “Blow-up” của đạo diễn Michelangelo Antonioni đã đem lại cho cô người mẫu này một chỗ đứng nổi bật trong thế giới thời trang và văn hóa pop. Trong phim, Veruschka đóng vai chính mình, bên cạnh đó, còn có sự tham gia của Peggy Moffitt, Jane Birkin, Vanessa Redgrave. Tạp chí Premiere thậm chí đã gọi màn diễn của cô là “khoảnh khắc sexy nhất của điện ảnh”.
Siêu mẫu
Kate Moss và Claudia Schiffer trong LHP Cannes lần thứ 51
Nhắc đến thế hệ siêu mẫu của thập kỷ 80 tức là nói đến vẻ đẹp siêu phàm, không tưởng, nhưng rất đa dạng và đầy cá tính đặc sắc của các người mẫu. Họ là những khuôn mặt được đám đông nhận ra ngay lập tức, là những ngôi sao mới của thời trang, là một hiện tượng trong văn hóa pop. Đây là lần đầu tiên những người mẫu giành được vị trí, tiền bạc và tiếng tăm, những thứ vốn vẫn dành cho các minh tinh màn bạc hay các tài tử điện ảnh và ca sỹ nhạc rock (những người thường là bạn trai của họ).
Đã có lúc thời trang tin rằng đây là những người có khả năng tạo nên những hình mẫu cho phụ nữ hiện đại. Phải đến đầu những năm 90, khủng hoảng kinh tế của Mỹ và châu Âu mới làm cho tất cả những gì gắn với khái niệm “siêu” trở nên kệch cỡm. Thời trang làm quen với “grunge” và “heroine chic”. “Waif” – những cô gái gầy gò, đôi mắt buồn bã thâm quầng bắt đầu được để ý đến.
Trong số những “waifs” nổi tiếng nhất phải kể đến Shalom Harlem, Amber Valleta, Erin O’Connor và tất nhiên là người khởi xướng cho trường phái mới Kate Moss. Để tiện cho các thế hệ mai sau khi nhắc đến thời trang, người ta thống nhất rằng Kate Moss, với khuôn mặt “trẻ mồ côi”, thái cực đối lập với vẻ đẹp lộng lẫy của các siêu mẫu thời trang đàn chị, là người đã chính thức kết thúc giai đoạn “siêu” trong thời trang.
Nhiều người vẫn gọi cô gái người Anh mặt đầy tàn nhang và nhiều tai tiếng này là “siêu mẫu cuối cùng”. Sau hiện tượng Kate Moss, từ “siêu mẫu” thường chỉ được báo chí địa phương dùng để gọi những người mẫu nổi tiếng “cục bộ”, những cuộc thi tài năng châu lục hay quốc tế mà ngoài tính giải trí ra thì không mang ý nghĩa gì lớn lao cho thời trang thế giới.
Ngoài Kate Moss, danh hiệu “siêu mẫu” còn được gắn với Gisele Bundchen, người mẫu quốc tịch Brasil có công đem lại danh tiếng cho tổ quốc mình trên bản đồ thời trang thế giới. Đồng thời, theo tạp chí Forbes, cô cũng là người mẫu được trả tiền thù lao cao nhất thế giới. John Casablancas, từng là người điều hành công ty người mẫu Elite đã gọi cô là “một vỏ người trống rỗng, một con người hư vô, không đem lại cho loài người bất cứ giá trị nào cả. Nhưng cô ấy là một người mẫu rất tuyệt” – ông ta thừa nhận.
Gisele Bundchen (ngoài cùng bên phải)
Khó có thể kể hết những kỷ lục mà Gisele đã lập được trong thời trang. Hơn 500 lần xuất hiện trên trang bìa của các tạp chí thời trang, văn hóa, xã hội, quảng cáo cho các hãng thời trang tầm cỡ, từ Christian Dior, Balenciaga, Givenchy đến các nhãn hiệu bình dân như ZARA, C&A hay hãng mỹ phẩm Nivea.
Ngoài danh hiệu Người mẫu số một mọi thời đại (do Models.com bình chọn), Ngôi sao lớn nhất của thời trang (do tờ Independent tặng) hay một trong những người mẫu giàu nhất thế giới (chỉ riêng trong năm 2007, tài sản của cô đã tăng hơn trước đến 33 triệu đô la), Gisele còn trở thành khuôn mẫu cho cả một thế hệ các cô gái Brasil mơ ước đạt được tiền tài và danh vọng trên trường thời trang thế giới.
“Siêu cơ thể” thế hệ mới
Bắt đầu từ thập kỷ 90, việc tìm kiếm những khuôn mặt mới hoàn toàn nằm trong tay một vài công ty người mẫu có tiếng. Ngoài những công ty lâu đời như Elite và Ford Models, phải kể đến Wilhelmina, Woman, IMG hay Next Models. Đây là lúc khái niệm “toàn cầu hóa” bắt đầu gặm nhấm thời trang và xâm chiếm thế giới người mẫu nói riêng.
Thời trang cần những khuôn mặt mới, những vẻ đẹp lạ. “Đội quân” các cô gái da trắng rất trẻ từ Đông Âu, những “siêu cơ thể” đến từ Brasil đã làm thay đổi cơ chế guồng máy tìm kiếm và lăng xê người mẫu. Người mẫu ngày càng trẻ hơn, ngày càng gầy hơn và để có thể gầy một cách “tự nhiên”, thời trang đòi hỏi tuổi của người mẫu lại càng phải thấp hơn. Cũng vì thế mà tuổi nghề trung bình của người mẫu càng ngày càng ngắn lại. Gầy trở thành một trong những vấn đề nóng bỏng nhất của công nghiệp sắc đẹp.
Kasia Struss – người mẫu 23 tuổi, cao 179 cm và nặng 52 kg của Ba Lan từng bị từ chối tham gia show diễn của Tommy Hilfiger tại New York vì lý do quá gầy. Nhưng ba năm gần đây, người ta lại bắt đầu nhắc đến tên của Kasia (Struss là gọi tắt họ của cô – Strusinska, quá dài và khó phát âm), sau khi cô được Marc Jacobs casting để tham dự show của Louis Vuitton.
Kasia Struss siêu gầy
Cùng với tuần lễ thời trang Paris, Kasia còn xuất hiện trên sàn diễn của Miu Miu. Sau mùa diễn Xuân Hè năm đó, Kasia trở thành một trong những người mẫu bận rộn nhất trong các tuần lễ thời trang thế giới. Điều đáng chú ý là người ta đồng ý để cô người mẫu này thi đỗ tốt nghiệp phổ thông trước khi lên đường chinh phục Paris. Kasia gầy một cách tự nhiên, cơ thể cô ấy như thế – người đại diện của cô nói với báo chí Ba Lan (và đây cũng là lời giải thích của Twiggy – người mẫu “người dây” đầu tiên của thế giới từ những năm 60 khi cô nói về cơ thể của mình).
Những người mẫu Đông Âu – trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến Natalia Vodianova, Natasha Poly, Sasha Pivovarova (Nga), Anja Rubik (gốc Ba Lan) và Carmen Kass (gốc Estonia) được ví như những “người máy tóc vàng vô hồn”, những “mắc áo tuyệt hảo” không thể hiện bất cứ một tình cảm nào là những người thống lĩnh sàn diễn thời trang trong thời gian dài.
Một trường hợp đặc biệt khác phải kể đến nữa là Malgosia Bela, khuôn mặt của Chloé trong nhiều năm gần đây và đồng thời là người mẫu yêu thích của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ Richard Avedon. Thành công lớn đến với Malgosia khá bất ngờ, năm cô đã 29 tuổi, khi Malgosia đã không còn hy vọng sẽ tiếp tục được “sự nghiệp” người mẫu thời trang. Đó là sau khi cô tham gia diễn vai chính của một bộ phim nghệ thuật Ba Lan. Malgosia “diễn viên” không dành được sự chú ý đặc biệt của giới điện ảnh, nhưng Malgosia “người mẫu” ngay lập tức đã xuất hiện trở lại trên các trang báo của Vogue và nhận được các hợp đồng quảng cáo mới, tuy vẫn vắng mặt trên sàn diễn của các show thời trang.
Số báo tháng bảy năm kia của Vogue phiên bản Ý được gọi là “đen tuyền” vì tất cả các người mẫu xuất hiện trên trang báo đều là người mẫu da đen. Tyra Banks, Naomi Campbell, Veronica Webb, Alek Wek, Iman – những tên tuổi nổi tiếng trong lịch sử thời trang cùng hiện diện với Liya Kebede, Chanel Iman, Sessilee Lopez, Jourdan Dunn – những người mẫu da màu trẻ đã có những thành công đáng kể trên sàn diễn, hoặc Hollis, Sonja, Lily Taylor, những khuôn mặt đang chờ được phát hiện.
Carla Sozzani, bà tổng biên tập người Ý của Vogue là người đầu tiên có những phản ứng tích cực với vấn đề nhạy cảm mà từ trước đến nay thời trang vẫn né tránh. Sau sự kiện này, làn da một màu đã chế ngự trên hầu hết các sàn diễn từ New York, Paris, Tokyo và Milan, trên các tạp chí thời trang và nhất là các trang quảng cáo cho các thương hiệu từ lớn đến nhỏ. Điều trớ trêu là bên cạnh những bức ảnh của các người mẫu da đen là những trang quảng cáo với những khuôn mặt hoàn toàn trắng.
Sẽ còn phải đến một vài thập kỷ nữa để “toàn cầu hóa” mang theo nghĩa “nhiều màu”, không chỉ trên sàn diễn hay trang bìa báo chí mà nhất là trong các bức ảnh quảng cáo – mảnh đất đắt giá nhất của nghề người mẫu thời trang.
Ảnh: APF