Chuyện cổ tích về đàn ông, đàn bà và cái bếp - Tạp chí Đẹp

Chuyện cổ tích về đàn ông, đàn bà và cái bếp

Sống

“Đàn ông coi nhà, đàn bà coi bếp” – quan niệm này ngày nay vẫn gây ra vô số những tranh cãi. Liệu phụ nữ hiện đại có cần được giải phóng khỏi căn bếp không? Những góc nhìn thú vị của các tác giả sẽ cho chúng ta cái nhìn đa chiều về vấn đề này. Mời độc giả cùng đón đọc những bài viết sau trên Đẹp Online: 

“Ngày xửa ngày xưa, phụ nữ đã từng đại náo thiên đình đòi quyền bình đẳng giới. Họ kêu rằng: ‘Phụ nữ chúng con chín tháng mười ngày mang thai, vất vả trăm đường, thế mà sau đó lại còn phải chịu cảnh đẻ đau. Trong khi đàn ông chỉ việc sản xuất và hưởng thụ thành quả. Vì thế chúng con xin Ngọc Hoàng chia đều bổn phận, chúng con xin mang nặng chín tháng, nhưng đẻ đau thì để cho bố đứa trẻ chịu’. Ngọc Hoàng nghe cũng hợp lý nên gật đầu phê chuẩn. Thế là chị em phụ nữ hồ hởi ra về.

Ngày đầu tiên, một phụ nữ sinh con. Ông bố đã được ‘lên dây cót tinh thần’, nằm sẵn trên giường chờ đợi. Nhưng đợi mãi, đợi mãi cho đến khi vợ đẻ xong, ông bố vẫn nhởn nhơ. Trong khi nhà hàng xóm có ông kêu gào thảm thiết. Cứ như thế, không biết bao nhiêu tấn kịch đã xảy ra. 

Một lần nữa, hội phụ nữ lại họp nhau lên gặp Ngọc Hoàng. Vừa thấy hội phụ nữ hôm trước, Ngọc Hoàng ngạc nhiên hỏi: 

– Các ngươi còn đòi quyền bình đẳng gì nữa thế?

– Chúng con xin Ngọc Hoàng rút lại quyết định bữa trước. Xin Ngọc Hoàng lại để cho chúng con đau đẻ. Hãy để chúng con tự làm, tự chịu. Như thế xã hội mới yên bình, gia đình mới hạnh phúc. Và chúng con hứa mang theo những bí mật xuống mồ”.

Tôi bỗng nhớ lại câu chuyện cười khuyết danh này khi đọc bài chị em tranh cãi xoay quanh chuyện vào bếp. Tôi cũng là phụ nữ, và tôi không ủng hộ việc phụ nữ phải cắm cúi nấu nướng trong bếp sau một ngày làm việc mệt nhoài. Tôi lại càng phản đối việc đa số đàn ông Việt Nam ung dung ngồi xem ti vi, để mặc kệ vợ với những nồi niêu xoong chảo. Nhưng câu chuyện cười kể trên khiến tôi giật mình nghĩ đến những tình huống dở khóc dở cười nếu đàn ông thay phụ nữ quản lý căn bếp. 

Hãy tưởng tượng một ngày Ngọc Hoàng quyết định người chồng sẽ là người vào bếp chuẩn bị đồ ăn cho cả gia đình. Đi làm về, chị em nằm dài trên sofa xem phim bộ Hàn Quốc trong lúc đợi món ăn được đưa ra. Thực sự là thiên đường với bạn. Nhưng có thể ở ngay nhà bên, thiên đường ấy không tồn tại, thay vào đó là dưới bếp loảng xoảng tiếng nồi bát va nhau, mùi thức ăn khét, và con thì khóc mếu vì đói. Đơn giản vì người đàn ông ở nhà bên không biết nấu ăn. 

đàn ông coi nhà đàn bà coi bếp, chuyện đàn ông, đàn bà, bổn phận đàn bà, làm việc nhà, nữ quyền

Dễ dàng nhìn thấy ở xung quanh chúng ta, các bé gái được mẹ hướng dẫn nấu ăn từ nhỏ. Người lớn nói với các bé gái: nếu con vụng về, không biết nấu ăn, con sẽ bị chê cười. Trong khi đó các bé trai hầu hết đều không được hướng dẫn làm việc nhà, và dĩ nhiên càng không được dạy nấu nướng. Nấu nướng là việc của phụ nữ.  

Chính cách tư duy và phương pháp giáo dục đó đã chi phối thói quen hành động của hai phái khi lớn lên. Phụ nữ theo lời mẹ dạy, tiếp tục hoàn thiện kỹ năng nấu nướng. Và đàn ông càng ngày càng tự cho mình cái đặc quyền không-biết-nấu-ăn. Vậy nên, nếu một ngày phụ nữ quyết định giao cho người đàn ông chưa từng nấu ăn nhiệm vụ chuẩn bị bữa tối cho gia đình, đó có thể là cả một sự mạo hiểm. 

Thậm chí, nếu giả dụ chồng bạn là một đầu bếp của khách sạn, thì ai sẽ là người nấu ăn cho gia đình? Tôi đoán rằng cái ông đầu bếp đó hẳn là đang bận nấu ăn trưa hay chuẩn bị đồ ăn tối, nhưng không phải ở nhà mà ở cái khách sạn nơi ông ấy làm việc, với các thực khách đang nôn nóng đợi món ăn được mang ra. Còn ở nhà, vợ ông ấy vào bếp để nấu ăn cho cả gia đình.

đàn ông coi nhà đàn bà coi bếp, chuyện đàn ông, đàn bà, bổn phận đàn bà, làm việc nhà, nữ quyền

Giống như việc cả đàn ông và phụ nữ cùng đi làm để kiếm tiền, nấu ăn cũng là một đầu việc tất yếu phải có để đảm bảo cuộc sống của một gia đình. Tôi nghĩ việc phân chia ai là người vào bếp nấu nướng nên được nhìn đơn giản như thế. Trong lúc đợi sự thay đổi tư duy và phương pháp giáo dục nhằm tạo ra một thế hệ những người đàn ông biết nấu nướng và làm việc nhà như một kỹ năng bắt buộc phải có, phụ nữ chúng ta đành phải gồng mình lên thêm một chút vậy. Phụ nữ khéo léo và nấu nướng giỏi hơn, vậy hãy vào bếp với niềm tự hào. Nhưng đừng quên tạo cho người đàn ông của gia đình thói quen vào bếp bằng cách yêu cầu chồng giúp đỡ, san sẻ bớt công việc, đề nghị chồng cùng làm các việc chuẩn bị cho bữa ăn gia đình. Hãy cho cánh đàn ông thêm thời gian và cơ hội, để họ có thể thay đổi và thích nghi. Tôi tin cùng với thời gian, tiếng cười và sự khéo léo, nhất định phụ nữ sẽ khiến đàn ông vào bếp một cách tự nguyện. 

Nhưng có điều này phải nói nhỏ với các anh, có vẻ như sự kiên nhẫn của hội phụ nữ đang dần vơi cạn vì các bài báo hay các chủ đề đòi hỏi bình đẳng giới đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Vì vậy, để không xảy ra cảnh hội phụ nữ lên tận thiên đình đòi công bằng, các anh hãy tắt ti vi, vào bếp giúp đỡ vợ ngay từ hôm nay nhé. 

Bài: Tuệ Nhàn

logo

Thực hiện: depweb

23/03/2015, 15:06