Chuyện chưa kể về người cha tài hoa của nhạc sĩ Quốc Trung

Nhiều năm cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, là ca sĩ nổi tiếng một thời, là người thầy của nhiều ca sĩ có tên tuổi, NSND Trung Kiên có một sức làm việc và tình yêu với âm nhạc bền bỉ, mãnh liệt đến mức hiếm ai có thể lý giải được.

Từ nghệ sĩ đến chính khách

NSND Trung Kiên – Nguyên Thứ trưởng Bộ VH từng khẳng định với tất cả niềm tự hào của một người nghệ sĩ: suốt hơn 70 năm sống trên đời và cũng chẳng ít hơn đó là bao số năm cầm mic, chưa bao giờ kể cả khi đã bước qua tuổi thất thập, ông hát nhép trước những khán giả của mình. Một người nghệ sĩ chân chính sẽ biết xấu hổ với những hành động lừa dối khán giả như thế. Câu chuyện của NSND Trung Kiên không biết có khiến nhiều ca sĩ hiện nay suy nghĩ?

Nhắc đến NSND Trung Kiên, người ta sẽ nhớ đến “Chào sông Mã” (Xuân Giao), “Quảng Bình quê ta ơi” (Hoàng Vân), “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” (Trần Kiết Tường), “Bài ca Trường Sơn” (Trần Chung), “Người chiến sĩ ấy” (Hoàng Vân), “Tình ca” (Hoàng Việt), trong đó bài hát mà nhiều người yêu thích nhạc Đỏ và chính bản thân NSND Trung Kiên công nhận, “Tình ca” của Hoàng Việt – một trong những bản tình ca đẹp nhất thời chiến trận là bài hát mà ông thể hiện thành công nhất, được khán giả nhớ đến nhiều nhất.

NSND Trung Kiên

NSND Trung Kiên nổi danh cùng lớp NSND đầu tiên như Qúy Dương, Trần Hiếu, Thanh Huyền, Kiều Hưng. Là một nghệ sĩ hát, với chất giọng ténor sang trọng, khỏe, sáng, kịch tích, trữ tình, một chất giọng chuẩn để thể hiện các vai trong opera, cũng như romance cổ điển, tên tuổi của NSND Trung Kiên gắn liền với những bài ca cách mạng nức tiếng một thời. Thế hệ ca sĩ bây giờ hát trên sân khấu, trong những không gian sang trọng và sống giữa những bữa tiệc xa hoa của giới nghệ sĩ, còn thời của những người nghệ sĩ như NSND Trung Kiên, “sân khấu” là chiến trường ác liệt, nơi “tiếng hát át tiếng bom”, nhưng có điều kỳ lạ là, dường như cả thế hệ những người nghệ sĩ sinh ra và trưởng thành trong thời chiến đã luôn lấy làm vui, hạnh phúc vì được đi hát phục vụ bà con, bộ đội mà không ai lo sợ đến những hiểm nguy, ác liệt của chiến trường.

Những năm tháng chiến tranh đã giúp thế hệ nghệ sĩ không chỉ được trưởng thành trọng giọng hát, mà còn trưởng thành cả về mặt con người. Họ hát bằng cả nghị lực, ý chí vươn lên của cả một dân tộc bị áp bức. NSND Trung Kiên vẫn nhớ rằng, hồi đó được đi hát cho bộ đội là một niềm tự hào, chẳng phải để nổi danh, chẳng để so bì lẫn nhau, chỉ bởi đơn giản nghệ sĩ nào cũng nghĩ mình đang đóng góp một phần cho cuộc chiến vĩ đãi của dân tộc, đang góp một phần nhỏ sức mình để động viên những người lính đã chiến đấu anh dũng vì đất nước. Càng đi đến nhiều chiến trường, càng hát cho nhiều người lính, họ chàng hiểu hơn giá trị của sự hy sinh, sự sống còn, hòa bình và độc lập.

Là người nghệ sĩ, là người thầy của nhiều ca sĩ nổi tiếng hiện nay như NSND Lê Dung, Phương Nga, Bích Thủy, Đăng Dương, NSND Trung Kiên đã cống hiến cả cuộc đời cho nền âm nhạc nước nhà. Những cống hiến đó của ông đã được ghi nhận và đã đưa ông đến với một nhiệm vụ mà ông chưa từng nghĩ tới trong cuộc đời mình khi dấn thân vào con đường của người nghệ sĩ: trở thành một chính khách. Năm 1992, ông được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, phụ trách văn hóa nghệ thuật trong thời gian 10 năm liên tục cho đến khi ông về hưu năm 2011.

Đôi khi cũng phải nín thở vì con

NSND Trung Kiên chỉ có duy nhất một người con trai là nhạc sĩ nổi tiếng Quốc Trung – một cái tên không hề xa lạ với công chúng Việt. Ngoài âm nhạc, cậu con trai duy nhất từng là “trung tâm” trong mọi suy nghĩ của NSND Trung Kiên. Chỉ sau này, Quốc Trung kết hôn với Thanh Lam và sinh cho ông 2 người cháu nội, mối bận tâm của NSND Trung Kiên mới có dịp đổi hướng.

Quốc Trung là kết quả tình yêu giữa NSND Trung Kiên và nghệ sĩ Thanh Nga. Trong mắt của NSND Trung Kiên, bà Thanh Nga là một người phụ nữ lạ lùng và hấp dẫn bởi cá tính phóng khoáng, sôi động và nghị lực phi thường. NSND Trung Kiên vốn sinh trưởng trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Ngày nhỏ, ông tham gia vào dàn đồng ca của Đài Phát thanh thuộc Sở Văn hóa Hà Nội, Đài Tiếng nói Hà Nội. Học hết lớp 10 thì ông thi vào nhạc viện.

Chính trong môi trường âm nhạc đó, NSND Trung Kiên đã quen với người vợ đầu mà ông vô cùng yêu dấu – nghệ sĩ Thanh Nga. Khi đó, ông là thành viên của ban nhạc đồng ca Rạng Đông. Còn nghệ sĩ Thanh Nga ở trong ban nhạc Tuổi Xanh. Sau khi cả hai bên sáp nhập thành ban đồng ca của Thành Đoàn Thanh niên Hà Nội, cả hai ông bà làm việc cùng nhau. Sau những lần sinh hoạt cùng nhóm, dần dần tình cảm nảy sinh và họ đã đến với nhau.

NSND Trung Kiên rất yêu vợ. Sự phóng khoáng, quảng giao và nghị lực phi thường của bà là một điểm đặc biệt mà ông vô cùng nhớ. Khi còn sống, mẹ của Quốc Trung là người rất rộng rãi, rất nhiều bạn bè và được nhiều người yêu quý. Là hai người nghệ sĩ đều có cái tôi cá nhân cao, nên NSND Trung Kiên và bà Thanh Nga đều cố gắng dành cho nhau những khoảng tự do nhất định, tôn trọng bản năng sống của nhau, có lẽ đó là lý do không nhỏ khiến cuộc hôn nhân của ông bà hạnh phúc và bền vững cho đến ngày bà mất.

7 năm cuối đời, bà Thanh Nga bị bệnh ung thư. Người bình thường có lẽ đã suy sụp, nhưng 7 năm đó, bà vẫn sống vui vẻ, vẫn cười cười, nói nói, vẫn gặp gỡ bạn bè, vẫn tìm cho mình những niềm vui sống trong những điều nhỏ nhặt. Bà Thanh Nga chưa bao giờ kêu ca, bi quan về bệnh tình của mình, trong khi chính 2 cha con NSND Trung Kiên mới là người thường phải cố giấu đi những giọt nước mắt mỗi khi lo lắng về bệnh tình của bà.

Quốc Trung – người con trai duy nhất của vợ chồng NSND Trung Kiên là người con mà NSND Trung Kiên dồn hết tình yêu thương và kỳ vọng. Tính cách 2 cha con trái ngược nhau: NSND Trung Kiên tình cảm, nhưng nghiêm khắc và cứng rắn, còn Quốc Trung thì rất dễ mềm lòng. Tuy 2 cha con ít khi có thể ngồi nói chuyện lâu với nhau, nhưng cả hai đều có cách riêng để thể hiện tình cảm của mình.

NSND dù đã ngoài 70, nhưng ông vẫn luôn nhớ những hồi ức về cậu con trai duy nhất của mình. Quốc Trung sinh ra giữa thời bao cấp khó khăn, nhưng may mắn là hồi đó đời sống và chế độ chính sách của văn nghệ sĩ rất được ưu ái. Có 3 mức bồi dưỡng: 36 đồng cho mức thứ nhất của những diễn viên hợp xướng hay hát đồng ca, nghệ sĩ Thanh Nga được hưởng ở mức thứ hai là 48 đồng và NSND Trung Kiên được hưởng ở mức thứ ba là 72 đồng. Số tiền đó quy ra đường sữa là rất nhiều. Nên vợ chồng NSND Trung Kiên chẳng vất vả gì để nuôi được cậu con duy nhất. Chỉ có một điều vất vả là hai vợ chồng ông đều đi quá nhiều, phải đi biểu diễn, đi công tác hết nơi này đến nơi khác.

Là “cậu ấm” trong nhà, nhưng không phải lúc nào, mọi đòi hỏi của Quốc Trung cũng được chấp nhận. Khi Quốc Trung còn nhỏ, NSND Trung Kiên đã hướng cho Quốc Trung theo con đường âm nhạc như cha mẹ. Thời bao cấp, gia cảnh ai cũng khó khăn, NSND Trung Kiên đã dám đầu tư mua cho Quốc Trung một cái đàn piano để tập đàn.

Hồi bé, Quốc Trung nghịch ngầm nhưng được cái không hư. NSND Trung Kiên đi làm, thường bắt Trung ở nhà tập đàn và không cho ra đường chơi. Nhưng không phải lúc nào, Quốc Trung cũng nghe lời bố. Có một lần, NSND Trung Kiên đi làm về bắt gặp Trung đang đánh nhau ngoài đường. Thế là Quốc Trung nhận ngay một trận đòn với 2 tội: thứ nhất là tội đánh nhau, thứ hai là tội đã đánh nhau lại để một đứa khác lớn hơn đè lên người. Không phải NSND Trung Kiên muốn con đánh thắng bạn, mà là ông lo, nếu con để bạn đè lên người, chẳng may bàn tay có chuyện gì, thì ước mơ nghệ sĩ mãi mãi bị hủy hoại.

Vì lý do đó mà khi Quốc Trung lớn hơn một chút, nhà có chiếc honda cũ, mấy lần Quốc Trung đòi mượn xe bố để đi chơi nhưng NSND Trung Kiên dứt khoát không đồng ý. Ông nói với con: “Bố có thể cho con đi xe máy nhưng đi nhỡ ngã gãy tay thì không thể đánh đàn”. Và anh chàng phải chịu đi xe đạp mà không đòi hỏi thêm. Ngày nhỏ, Quốc Trung rất lười tập đàn, thường khi bố nhắc nhở mới tập. Nhưng sau này, năng khiếu âm nhạc của Quốc Trung bắt đầu bộc lộ, đam mê âm nhạc cũng lớn dần lên, bố không phải nhắc nữa. Con trai của Quốc Trung bây giờ cũng giống hệt Quốc Trung ngày xưa, sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc nhưng cũng thỉnh thoảng chểnh mảng chuyện luyện đàn, Quốc Trung cũng lại nhắc con tập y hệt xưa kia đã từng được được bố nhắc nhở.

Nhạc sĩ Quốc Trung

NSND Trung Kiên vừa là một người nghệ sĩ, vừa là một người thầy, nên ông không nuôi con theo kiểu lãng mạn thường thấy của các nghệ sĩ mà rất nghiêm khắc. Quốc Trung là con một, lại theo đuổi âm nhạc, nhưng từ bé, Quốc Trung đã được bố mẹ huấn luyện việc nấu cơm, rửa bát, quét nhà, rồi chuyện thêu thùa, may vá, Quốc Trung cũng đều biết sơ sơ. Nhiều người có thể không tin, ra ngoài là nhạc sĩ nổi tiếng, nhưng về nhà, việc gì vốn thuộc về phụ nữ, Quốc Trung cũng có thể làm được.

NSND Trung Kiên và Quốc Trung cùng có chung quan điểm trong chuyện dạy con: không bao giờ ép buộc con cái. Nói chính xác hơn, Quốc Trung đã học cách cha anh dạy anh để áp dụng với 2 con mình. NSND Trung Kiên từng hướng Quốc Trung theo con đường âm nhạc cổ điển, nhưng anh lại thích nhạc nhẹ, nhạc hiện đại. Hiểu nguyện vọng của con trai, ông và vợ – bà Thanh Nga cho con được thoải mái lựa chọn con đường của mình.

Không phải sự lựa chọn nào của Quốc Trung, từ chuyện sự nghiệp đến chuyện tình cảm cũng làm bố mẹ hài lòng, nhưng NSND Trung Kiên và vợ không bao giờ ngăn cản con. Ông bà chọn cách đứng từ xa nhìn con hành động và “nín thở” chờ đợi kết quả. Chuyện kết hôn với Thanh Lam là một ví dụ như thế.

Khi Quốc Trung và Thanh Lam đến với nhau, Thanh Lam đã có một con riêng và trải qua một cuộc hôn nhân ngắn ngủi. Ngày Quốc Trung đưa Thanh Lam về ra mắt bố mẹ, vợ chồng NSND Trung Kiên đã dự cảm được những trắc trở sẽ đến: “Chúng rất yêu nhau và không có lý do gì để chúng tôi ngăn cản chúng. Tôi và bà Nga chỉ cảm giác rằng, Lam không phù hợp với Trung, 2 đứa sinh ra không phải để làm thành một đôi. Và điều đó rốt cuộc đã đúng. Chúng nó chia tay nhau vì không thể tiếp tục cuộc hôn nhân ấy nữa. Nhưng tôi không thể quyết định được cuộc sống riêng tư của con trai tôi mà chỉ có thể đối xử với nó như 2 người đàn ông”. Sau này, khi Thanh Lam và Quốc Trung không thể tiếp tục chung sống với nhau, ông vẫn không bao giờ trách móc con trai, chỉ thỉnh thoảng nhắc nhở con chuyện xây dựng gia đình lần sau, sẽ phải suy nghĩ kỹ hơn trước khi quyết định.

Tìm lại hạnh phúc sau mất mát

Sau khi bà Thanh Nga – người vợ đầu tiên của NSND Trung Kiên qua đời, cả hai cha con NSND Trung Kiên đều phải trải qua một sự chông chênh lớn. Suốt những năm bà Thanh Nga bị bệnh, NSND Trung Kiên vừa lo đảm trách công tác ở Bộ Văn hóa, vừa chăm sóc vợ, vừa chăm sóc cháu nội mà không hề kêu ca. Kể từ khi bà Thanh Nga qua đời, vắng bà, ngôi nhà của 2 cha con ông mất hẳn đi những tiếng cười, dù rằng ngôi nhà đó đã có thêm sự hiện diện của 2 đứa trẻ – 2 người con của nhạc sĩ Quốc Trung. Sau khi vợ mất, con trai ly hôn, NSND Trung Kiên đã lặng lẽ giúp đỡ Quốc Trung chăm sóc 2 con nhỏ. Làm cha đã khó, làm một ông bố nuôi con một mình khó gấp đôi, một ông bố nuôi 2 đứa con thì khó khăn đó là gấp 4. Quốc Trung có lẽ không xoay sở nổi nếu như không có cha và sau này có thêm người mẹ hai – NSND Thu Hà (nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội).

Có thể nói, sự xuất hiện của NSND Thu Hà trong ngôi nhà của cha con NSND Trung Kiên và Quốc Trung là một nốt nhạc trọn vẹn trong bản nhạc của gia đình chính khách – nghệ sĩ đó. NSND Thu Hà cũng sinh trưởng trong một gia đình gia thế. Bà là con gái của ông Trần Văn Danh (em ruột của Tổng bí thư Trần Phú) và là chị cùng mẹ khác cha với NSND Đặng Thái Sơn.

Cả bà và NSND Đặng Thái Sơn đều thừa hưởng tài năng âm nhạc của mẹ – nghệ sĩ Thái Liên. Bà Trần Thu Hà từng là Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia. Vừa qua, bà được chọn là một trong 3 người phụ nữ Việt Nam tham gia ứng cử vào vị trí “Người phụ nữ ấn tượng châu Á” sẽ được công bố vào cuối tháng 11 này.

Trước khi đến với NSND Trung Kiên, NSND Trần Thu Hà từng có một cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Sau nhiều năm với không ít thăng trầm của cuộc hôn nhân đầu tiên, đến lúc tuổi già, bà về làm bạn với NSND Trung Kiên. NSND Trung Kiên tâm sự, đến với nhau khi cả hai đều đã già, NSND Trung Kiên và NSND Thu Hà không đơn thuần là tìm một người chồng, một người vợ cho đủ thành phần gia đình, mà còn hơn thế, cả hai đều muốn tìm một người tri kỷ trong cả cuộc sống lẫn trong âm nhạc.

Khác với người vợ đầu của NSND Trung Kiên, nếu bà Nga là con người hướng ngoại, sống phóng khoáng, ưa tụ họp bạn bè thì bà Hà lại là người phụ nữ ngoài công việc ở cơ quan ra chỉ có gia đình. Bà thích những giây phút riêng tư của vợ chồng, con cái, của gia đình. Ngoài những lúc cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc, bà dồn hết tình yêu thương cho gia đình, con cháu.

NSND Trung Kiên bên gia đình

NSND Thu Hà dành rất nhiều tình cảm đặc biệt cho những người thân của NSND Trung Kiên, đó là điều khiến NSND Trung Kiên luôn cảm động và ghi nhận. Quả thật, hiếm thấy người đàn bà nào không phải máu mủ ruột rà, mà thương con, thương cháu của chồng đến như thế. Khi còn đương chức, dù rất bận rộn với cương vị quản lý Nhạc viện, đại biểu Quốc hội và thành viên của rất nhiều hội đồng khoa học, nhưng buổi tối là khoảng thời gian bất di bất dịch bà dành cho chồng và các cháu nội. Bà dạy chúng đàn, chăm chút cho chúng việc học hành, hệt như một người mẹ chăm con. Bà yêu chúng bằng thứ tình yêu dịu ngọt của một người mẹ… đi công tác vắng thì thôi, còn ở nhà, xa chúng một ngày là bà cũng làm ông phát hoảng vì cứ đi ra đi vào, mong ngóng, nhung nhớ các cháu. Nhờ có ông bà, mà nhạc sĩ Quốc Trung có thể yên tâm hoàn toàn mỗi khi phải xa các con đi công tác. Anh biết ở nhà, con cái luôn nhận được sự yêu thương đủ đầy của ông bà nội. Cả Thanh Lam, dù không cùng chung sống với NSND Thu Hà cũng rất cảm kích, ngưỡng mộ tình cảm của bà dành cho 2 con mình.

Một điểm chung của 2 vợ chồng NSND Trung Kiên là sự đồng cảm và sự đam mê âm nhạc của 2 người đồng nghiệp. NSND Trung Kiên từng tự trào chính mình: “Tôi với vợ tôi nhiều lúc cứ bảo nhau “2 thằng mình như 2 thằng hâm, sao cứ phải khổ mãi như thế, sáng dậy từ 5 rưỡi và làm đến tận 6 rưỡi tối mới về. Đêm lại thức đến 2 giờ sáng. Về hưu rồi mà chẳng được rảnh rỗi như những đôi vợ chồng già khác. Thế nhưng, công việc dạy học sinh vất vả đến thế nào thì tôi với bà Hà cũng không nghỉ được. Bởi công việc này mang lại cho chúng tôi niềm vui. Nếu không có vất vả ấy, chúng tôi không sống được. Quả thật, với chúng tôi, nếu không được làm việc nữa thì đó là một điều bất hạnh. Chúng tôi không thể sống mà thiếu công việc, không chịu nổi sự nhàn hạ, khi mà đời sống cấp tập hối hả đã là một phần máu thịt của chúng tôi rồi. Các học trò là niềm hạnh phúc lớn lao của chúng tôi, là nguồn vui vô tận của chúng tôi. Nếu tách khỏi chúng, chúng tôi sẽ gục chết trong khô héo mất”.

Tuy bận rộn, thế nhưng ông bà vẫn có cách để dành cho mình những khoảng thời gian riêng. Những ngày nghỉ, hầu như ông bà không tiếp khách, bà không cho ông đi xa, 2 ông bà tách hết công việc rồi trốn lên ô tô đến một nơi yên tĩnh nào đó để sống những giây phút riêng tư cho nhau…

Sen Hồng

Theo Đang yêu


From the same category