MẤT ĐIỆN:
Để đối phó với trường hợp này, nhất là khi chúng ta dễ bị mất điện luân phiên, bạn hãy để sẵn thật nhiều túi nilon đá (loại nilon không độc). Khi mất điện, bạn lấy những túi đá trải khắp tủ lạnh. Lượng đá này có thể duy trì độ lạnh từ 0-8 độ trong khoảng 3, 4h. Và cũng chính vì vậy, bạn cần buộc chặt miệng túi, để tránh khi mất lạnh dần, nước đá tan sẽ chảy ra tủ. Cách này vừa giúp giữ được độ lạnh, không làm hỏng đồ ăn, vừa tăng được độ bền cho tủ.
KHỬ MÙI:
1. Cho vào tủ một lọ giấm ăn mở nắp, mùi khó chịu sẽ nhanh chóng biến mất.
2. Cho một ít than củi đã nghiền, hoặc chè hoa nhài, bỏ vào túi vải và đặt trong tủ lạnh.
3. Đặt những lát chanh lên các ngăn tủ, hoặc vỏ quýt tươi đã rửa sạch.
TỦ LẠNH BỊ HỞ:
Tủ dùng lâu, gioăng cao su ở cửa thường có khe hở làm khí lạnh thoát ra ngoài, giảm hiệu quả làm lạnh, lại tốn điện. Để kiểm tra khe hở, bạn cho vào tủ một chiếc đèn pin đã bật sáng, hướng về phía cửa tủ. Đóng tủ lại, bạn sẽ thấy chỗ nào có tia sáng lọt ra ngoài, chỗ đó có khe hở. Bạn lấy khăn lau sạch vòng cao su, rồi bóc chỗ bị hở, nhét bông vào cho kín.
DỌN ĐÁ TUYẾT VỚI TỦ LẠNH MỘT CHIỀU, LOẠI KHÔNG TỰ TAN TUYẾT:
Sau lần làm sạch này, để dễ dàng cho lần tiếp theo, bạn hãy dùng túi nilon không độc, loại dày và dai, lót vào ngăn tủ đá (cả đáy và thành – hơi nước trong tủ sẽ tự dính nilon vào). Mỗi lần dọn, bạn chỉ cần bóc nilon ra là được.
PHÒNG NẤM MỐC TRONG TỦ LẠNH:
Tủ luôn được giữ sạch sẽ; Đồ ăn nguội rồi mới để vào tủ lạnh để tránh tăng độ ẩm, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển; Không nên để canh rau, dầu tương, nước mắm và rượu trong tủ lạnh; Đồ ăn thừa để trong tủ nên được bao bằng giấy nilon chuyên dụng; Mỗi tháng mở cửa tủ từ 1-2 ngày sau khi đã ngắt điện, làm vệ sinh tủ để phòng nấm mốc sinh sôi và ăn mòn linh kiện.
VẾT RẠN:
Nếu bề mặt tủ có vết rạn nhỏ và nông, bạn có thể lấy lọ sơn móng tay trong sơn lên đó phòng vết rạn lan rộng.
Đào Lưu (Theo Kitchen)