Chuyện “cá rô đực”…


Đó là cụm từ đầy cay nghiệt mà người xưa dùng để nói về những người phụ nữ không thể có con. Cặp vợ chồng nào chẳng mong muốn có những đứa con kháu khỉnh, ngoan ngoãn, vừa là để có người nối dõi tông đường, vừa để gắn kết tình cảm của hai vợ chồng, lại tăng lên gấp bội những niềm vui trong dòng họ… Tuy nhiên, cũng có không ít cặp vợ chồng không có cơ hội đạt được mong ước ấy.

Qua lời giới thiệu của một bác sĩ BV Phụ sản TƯ, tôi tìm đến thăm gia đình chị N.K.T và anh V. T. C ở Thanh Xuân, Hà Nội. Vợ chồng chị nhận được kết quả vô sinh II đã gần 3 năm nay, bác sĩ cũng cho biết nguyên nhân vô sinh là từ phía chị…

 
Tất nhiên, thông tin chỉ được trao đổi trong nội bộ nhưng anh chị cùng gia đình đã trải qua những ngày tháng nặng nề nhất trong cuộc đời. “Mình cảm giác đó là cái tin sốc nhất trong đời và cũng là những ngày tháng tồi tệ nhất đối với mình, khó khăn nào trong cuộc sống thì mình cũng có thể lường trước, gắng gượng để vượt qua nhưng cú sốc này thật nặng nề… Cứ nghĩ đến việc không còn thiên chức làm mẹ là mình đã không còn tâm trí làm bất cứ việc gì…” – chị N.K.T tâm sự.

 
Anh V.T.C cũng phải chịu khá nhiều áp lực từ gia tộc, hàng xóm láng giềng hay đồng nghiệp. Bỗng đâu những câu hỏi rất đỗi bình thường như “Sao vợ lại không sinh con cho ông bà bồng bế?” lại trở thành sự soi mói quá đáng. Cũng không thiếu người dị nghị, đàm tiếu: “Vợ chồng nhà anh đúng là có vấn đề về “máy móc”?. Người không biết chuyện thì hồn nhiên phát biểu: “Không có con thì đúng là bất hạnh”… Anh nói,“Càng nghĩ càng thấy thương vợ, mình khổ một thì vợ khổ mười. Cũng phải nói thật là sức ép từ gia đình cũng đã đủ khiến tôi mất ăn, mất ngủ. Một bên là vợ ủ rũ ngày đêm vì việc con cái, bố mẹ vợ thì còn cảm thông chứ bố mẹ tôi vốn đã mê tín giờ càng thêm nặng nề khiến tôi cũng khổ tâm.”

 
Thế nhưng, vẫn phải sống và tiếp tục đấu tranh. Trong khi người chồng luôn phải tỏ ra cứng rắn trước bạn bè, dư luận, thì cú sốc khiến chị N.K.T khủng hoảng tâm lý nặng nề trong thời gian dài. Chị vừa phải làm sao tránh được sự dao động mạnh làm ảnh hưởng đến cuộc sống vợ chồng; vừa cứng rắn vượt qua nỗi tủi nhục trước bao nhiêu đàm tiếu; vừa tự cảm thấy có lỗi, xấu hổ với gia đình nhà chồng… Đôi khi, những lời động viên, chia sẻ của các thành viên
trong gia đình bị suy diễn thành sự oán hận, trách móc khéo léo của cả chồng và gia đình. "Chúng nó tự tìm hiểu và yêu nhau cũng cả thời gian dài… Việc hôm nay thế cũng chẳng đổ lỗi cho đứa nào, cũng chẳng muốn tìm hiểu nguyên nhân, gốc rễ làm gì. Nói là ông bà không mong cháu thì cũng không đúng, giờ thì đành để hai con tự quyết định giải pháp thôi vì gia đình có muốn giúp cũng khó…", bà N.T.P, mẹ chồng chị nói.
 
Sau khoảng thời gian dài anh chị đã tận dụng triệt để các biện pháp để sinh con nhưng đều không thành công, họ đi đến quyết định nhận con nuôi. Tuy nhiên, đây cũng không phải là việc nói là làm, bởi trước nay, việc tìm một đứa con thay thế con đẻ cũng đã để lại không ít điều thị phi. Nào là “Con nuôi thì làm sao như con mình đẻ ra, nuôi nó khôn lớn trưởng thành rồi liệu nó có phụng dưỡng lại mình không?” hay “Tự nhiên lại phải nuôi không công con người khác, rồi lớn lên nó hiểu ra lại tìm về với bố mẹ đẻ thì đúng là mất công nuôi dưỡng”…

 
Chính những người thân ngay trong gia đình anh chị đã cùng thảo luận như thế, càng làm cho anh chị thêm bối rối. Thế nhưng, hơn ai hết, có lẽ chính anh và chị phải là hai nhân vật thật bình tĩnh giúp nhau đối diện và vượt qua mọi trở ngại, cùng bàn bạc về việc nhận con nuôi sao cho thỏa mãn được chính nguyện vọng được bù đắp của bản thân mình. Thực tế cho thấy đây là giải pháp phổ biến nhất nhằm giải quyết vấn đề cho những cặp vợ chồng vô sinh.

 
"Nếu không muốn nhận con nuôi từ các trung tâm, mình cũng có thể đứng ra nhận các cháu ngay trong dòng họ, cùng huyết thống vì nguồn gốc, nền giáo dục, tính cách cũng như sức khỏe của đứa trẻ đó mình đã biết rất rõ”, anh C. chia sẻ thêm về quyết định cuối cùng của hai vợ chồng anh. Chúng tôi luôn tự động viên nhau rằng, dù không phải con do chính mình sinh ra nhưng sẽ cùng nhau góp công dưỡng dục, nhất là với những cháu sơ sinh thì mình sẽ có rất nhiều cơ hội và cách thức để giáo dục con, yêu thương chăm sóc hết lòng."

 
Vượt qua được cú sốc đầu, anh C. và chị T. lại cùng nhau bước vào quá trình đấu tranh tâm lý mới xung quanh việc nhận con nuôi. Không có động lực nào giúp anh chị cùng nhau vượt qua sóng gió cuộc đời chung nếu đó không phải là tình yêu, vốn là tình cảm không gì thay thế và bù đắp được. Thế nhưng, có một thực tế là có bao nhiêu người ở trong hoàn cảnh của anh chị vẫn còn giữ được tình cảm để cảm thông nhau? Để không dẫn đến cảnh chia ly, đổ vỡ chỉ vì cái tôi quá lớn, vì không vượt qua được áp lực thị phi của xã hội hay chính trong gia đình? Đặc biệt không ít gia đình còn quá nặng nề, cổ hủ trong việc sinh con trai hay con gái thì việc người vợ không thể có con phải chăng đã “mang tội” nặng hơn gấp bội lần? Có phải ai cũng có thể bằng tình yêu đôi lứa mà chiến đấu và chiến thắng với những quan niệm cũ vẫn đang còn khá nặng nề trong mỗi gia đình nhỏ Việt Nam?

 
Lời khuyên của các chuyên gia tâm lý là trước tiên, những cặp vợ chồng như anh chị cần biết cách chấp nhận thực tế. Về mặt tâm lý, trước một cú sốc, người ta có khuynh hướng chối bỏ nó như một cách phòng vệ tự nhiên. Nhưng càng chối bỏ, lại càng có khả năng khoét sâu thêm sự tổn thương, dồn nén và đưa vấn đề vào bế tắc. Không phải cặp vợ chồng nào cũng hiểu được rằng tình cảm mà họ dày công gây dựng qua năm tháng là tài sản vô cùng quý giá để có thể sống với nhau hạnh phúc, dựa trên nhiều niềm vui khác từ gia đình, xã hội, công việc… mà không nhất thiết phải có con. Nhiều khi, cuộc sống bộn bề làm người ta lãng quên những giây phút hạnh phúc trong tình yêu thuở nào, những cử chỉ yêu thương, âu yếm. Vì thế, những cặp vợ chồng thiếu may mắn này càng cần hâm nóng tình cảm, có sự cảm thông, chia sẻ, tìm niềm vui chung. Họ cũng có thể cùng tham gia các hoạt động từ thiện xã hội: thăm các trại trẻ mồ côi, nhận nuôi dưỡng, chu cấp những trẻ em mồ côi, thiệt thòi… như những giải pháp củng cố về tinh thần cho mình.

 
Vô sinh không phải là tai họa. Hiểu được điều ấy, các cặp vợ chồng sẽ có nhiều cách lựa chọn cho tương lai, cùng trao đổi trên tinh thần lắng nghe, tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau. Hướng giải quyết mà cả hai thống nhất như anh C. và chị T. là việc nhận con nuôi cũng cần phải dựa trên cơ sở ý nguyện của đôi bên, không phải là sự ép buộc, lệ thuộc hay thương hại. Mục đích của hôn nhân là tìm kiếm hạnh phúc cho hai chủ thể chính là người vợ và người chồng. Vì thế, họ hoàn toàn có quyền lựa chọn cách sống sao cho hạnh phúc theo cảm nhận của riêng mình, không cần quá lệ thuộc vào việc bắt buộc phải có con cái, con do chính mình sinh ra.

 

Hoàng Yến

From the same category