Chút lộc đầu năm

Cho dù xã hội có phát triển đến đâu, tục lệ mừng tuổi trẻ em dịp Tết tại Việt Nam và các nước Á Đông vẫn được duy trì đến ngày nay. Lì xì (phương ngữ miền Nam của việc mừng tuổi) đem lại niềm vui cho trẻ em nhưng có khi lại là điều khó xử, nỗi niềm khó nói của người lớn khi túi tiền không đủ rủng rỉnh.

Không thể thiếu trong ngày xuân

Cùng với việc đón giao thừa, trồng cây nêu, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, lì xì là một phong tục không thể thiếu trong những ngày xuân. Chẳng ai biết rõ tục lì xì du nhập vào nước ta từ khi nào, nhưng rõ ràng phong tục này góp phần làm cho ngày xuân thêm đậm đà và thắt chặt tình cảm giữa các thế hệ.

Theo tác giả Hạo Nhiên Nghiêm Toản, “lì xì” xuất phát từ chữ “lợi thị” trong tiếng Hoa và có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Do vậy, lì xì là món tiền đem lại cái hên, điều tốt lành cho trẻ em dịp đầu xuân.

Lì xì không chỉ mang lại chút lộc đầu năm cho người nhận, mà còn mang theo cả những thông điệp tốt đẹp từ phía người trao. Lì xì trẻ trong dịp đầu năm thể hiện sự quan tâm, động viên, nhắc trẻ chăm chú học tập, rèn luyện. Người già thì được con cháu lì xì mừng tuổi cùng lời chúc sức khỏe thượng thọ. Vì thế, phong tục lì xì làm cho ngày Tết cổ truyền đầm ấm và có ý nghĩa hơn.

Miễn cưỡng mất vui

Trải qua nhiều thế hệ, các phong tục ngày Tết ngày càng được thực hiện đơn giản hơn, nhất là tại các thành phố lớn.

Với một số người, việc lì xì bớt ý nghĩa nhân văn và chỉ đơn thuần là chuyện cho tiền lấy lệ. Trên một forum dành cho phụ nữ, một đề tài đang được tranh luận sôi nổi trong những ngày giáp Tết là nên phân định mức lì xì thế nào cho phải. Có người phân định mức tiền theo đối tượng ưu tiên (con, cháu ruột, cháu họ, con của đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm…). Có người còn hiến kế lì xì dạng bốc thăm, bỏ nhiều mức tiền vào phong bao và cho trẻ lựa chọn.

Quả thật, với những nhà đông con cháu ở quê, ước tính ngân sách dành cho việc này có khi tốn hàng triệu đồng. Nhất là với tâm lý mỗi năm chỉ có một cái Tết, số tiền mừng tuổi phải làm sao cho đáng mặt người cho và hể hả người nhận. Mặt khác, người lớn còn phải bận tâm đến chuyện người ta lì xì con mình bao nhiêu thì phải trả lễ lại cho con họ bấy nhiêu để không ai mắc nợ ai. Đó là chưa kể việc mừng tuổi những người lớn tuổi trong gia đình nội, ngoại cũng phải cân nhắc sao cho phải phép.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp nợ lương, cắt thưởng Tết, không ít những bạn trẻ toát mồ hôi khi nghĩ đến chuyện lì xì. Họ không thể phớt lờ tục lệ này trong những ngày đầu năm, nhưng nếu thực hiện một cách miễn cưỡng thì cũng rất đau đầu và mất vui.

Thực ra, chuyện lì xì nên tùy thuộc vào kinh tế của người đi chúc Tết. Dựa vào thu nhập của mình, bạn định ra khoản dự chi cho việc lì xì rồi thực hiện với tâm lý đem lại niềm vui. Giống như chuyện shopping và tiết kiệm tiền, mỗi người có một cách riêng trong việc mừng tuổi nên không thể có mẫu số chung cho tất cả mọi người.

Văn hóa đưa và nhận lì xì

Xung quanh chiếc phong bao lì xì đầu năm đã xảy ra nhiều chuyện hỷ nộ ái ố. Tết năm ngoái, đến thăm vợ chồng một người bạn, chúng tôi bối rối vì bé trai 6 tuổi, con nhà chủ, sau khi nhận lì xì của khác đã lập tức mở ra xem bao nhiêu và hồn nhiên so sánh với những phong bao mà nó nhận trước đó. Vợ chồng người bạn ngượng ngùng và giải thích do họ quên dạy con cách nhận lì xì đúng phép.

Tình huống đọ giá trị phong bao mừng tuổi khá phổ biến vì không phải đứa trẻ nào cũng được dạy về ý nghĩa thật sự của lì xì là tiền cho lấy hên, lấy lộc. Lại có những trường hợp phụ huynh vô tình tiếp tay cho lối sống thực dụng khi để mặc trẻ con nhăm nhăm đòi khách đến nhà lì xì mà quên chúc Tết. Vô hình trung việc này đã làm mất đi nét đẹp ngày xuân và ý nghĩa nhân văn của tục lệ lì xì.

Từ góc độ người nghiên cứu về phong tục tập quán người Việt, Tiến sĩ Phạm Văn Tình cho biết: “Tiền mừng tuổi dựa trên tín ngưỡng dân gian cho rằng đầu năm mới mình sẽ gặp may cả năm nếu được người khác trao tặng một chút lộc. Người lớn thì sẽ làm ăn phát đạt, trẻ em học hành cũng sẽ tiến bộ hơn. Phong tục văn hóa đó rất đẹp về mặt nhân văn, thể hiện sự quan tâm và tấm lòng của người đi trước. Nếu hiểu được điều này, việc lì xì ngày nay sẽ không phải câu nệ số tiền bao nhiêu và mình thiệt hại bao nhiêu sau mấy ngày Tết”.

Phong bao thuần Việt

Những ngày giáp Tết Quý Tỵ, trên forum, chúng tôi thấy các bạn trẻ đã dặn dò nhau chuẩn bị những phong bao lì xì thuần Việt thay cho loại vay mượn chữ nước ngoài. Điểm khác biệt của loại phong bao này là các họa tiết tinh tế, trau chuốt, được lấy cảm hứng từ kho tàng văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt.

Trong số các phong bao này có mẫu hoa văn trích từ bức phù điêu tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, thể hiện hình ảnh rồng thịnh vượng tung bay cùng dân tộc Việt. Bên cạnh đó là phong bao có hình tượng rồng nhà Lý ngẩng cao đầu phun ra viên bảo ngọc may mắn, hàm ý mang lại thịnh vượng và an lành cho người sở hữu. Ngoài ra còn có các họa tiết mâm trái cây “Cầu vừa đủ xài”… Thông qua những mẫu phong bao lì xì thuần Việt, người lớn có thể giới thiệu nhẹ nhàng mà sâu sắc về vẻ đẹp văn hóa Việt đến trẻ nhỏ.

Sơn Bùi
Theo Thế giới Văn hóa

From the same category