Chụp ảnh đẹp bằng smartphone

1. Bố cục của bức ảnh

Bố cục của một bức ảnh là yếu tố vô cùng quan trọng, cho dù bạn dùng máy ảnh SLR cao cấp hay một chiếc smartphone bình dân. Một trong những sai lầm cơ bản trong chụp chân dung mà nhiều người hay mắc phải là đặt chủ thể vào chính giữa bức ảnh. Nhưng trong nhiếp ảnh, có một quy tắc gọi là quy tắc một phần ba, có nghĩa là chủ thể như người mẫu được chụp cần được đặt lệch về bên trái hay bên phải của khung hình, để đồng thời bạn có thể lấy được cả cảnh nền ở phía sau. Hạn chế chụp theo chiều dọc, bởi khi xoay ngang camera, bạn sẽ có được bức ảnh góc rộng hơn, nhờ đó làm nổi bật chủ thể trên nền hậu cảnh phía sau. Khi chụp phong cảnh, bạn cũng nên tạo bố cục sao cho có ngồi nhà, cái cây, hòn đá ở tiền cảnh, có phong cảnh phía xa làm hậu cảnh… có những con đường hay dòng sông uốn cong trong ảnh sẽ tạo ra cảm giác được dẫn dắt vào nội dung tấm ảnh.

 

2. Chụp cảnh hành động

Phần lớn smartphone đều có chế độ chụp liên tục (Burst mode). Tùy vào model, thông thường bạn có thể chụp được từ 10 đến 20 ảnh một giây, rất thích hợp khi cần chụp những đối tượng chuyển động ở tốc độ cao, ví dụ như trong một trận bóng. Bằng cách này, sau khi đã chụp xong bạn có thể ung dung chọn ra những bức ảnh đẹp nhất, thay vì phải chờ đợi một “khoảnh khắc vàng” chỉ diễn ra trong chớp mắt.

3. Ánh sáng tự nhiên

Cảm biến của camera trên smartphone thường nhỏ và kém nhạy sáng, do đó bạn sẽ cần một nguồn sáng tốt (nhất là khi không dùng được đèn flash). Khi thiếu sáng, bức ảnh của bạn sẽ bị nhiễu và mất chi tiết, đặc biệt là khi xem lại trên màn hình lớn hoặc khi in ra. Đồng thời, bạn cũng nên tránh ánh sáng quá gắt vào buổi trưa – nếu sử dụng hoàn toàn nguồn sáng tự nhiên, ánh nắng vào buổi sáng hoặc xế chiều sẽ tạo cảm giác “mềm” hơn cho bức ảnh của bạn. Nếu chủ thể là con người, đừng bao giờ chụp khi họ đang đứng dưới bóng râm, tối thiểu phải có ánh sáng hắt vào khuôn mặt họ thì khi lên ảnh trông mới rõ.

4. Điều chỉnh độ phơi sáng

Trong trường hợp hơi thiếu hoặc hơi thừa sáng, bạn vẫn có thể điều chỉnh độ phơi sáng (bù sáng) của camera. Tùy vào nhà sản xuất smartphone mà độ phơi sáng sẽ được gọi là Exposure hoặc Brightness (thường có biểu tượng hình mặt trời). Đặc biệt, đối với những nguồn sáng yếu như cảnh hoàng hôn hoặc phố phường về đêm, bạn có thể bật chế độ chụp HDR. Trong chế độ này smartphone sẽ tự động chụp 3 bức ảnh ở 3 độ phơi sáng khác nhau rồi ghép chúng lại thành một bức ảnh với độ tương phản cao, kết quả thường là rất tốt.

5. Phơi sáng dài

Khi bạn giữ điện thoại cố định và mở màn trập trong một thời gian dài, những nguồn sáng chuyển động như ánh đèn của các phương tiện giao thông sẽ tạo thành những vệt sáng dài trông rất bắt mắt. Để điều chỉnh thời gian phơi sáng, thông thường đòi hỏi bạn phải dùng một ứng dụng của các hãng thứ ba. Bạn chỉ cần lên chợ ứng dụng của smartphone của mình và tìm kiếm cụm từ “long exposure” hay “slow shutter”.

6. Lấy nét tự động

Khấu độ của camera trên smartphone thường rất nhỏ, nên việc lấy nét thực sự không dễ dàng chút nào, đặc biệt là khi bạn muốn chụp những bức ảnh với chủ thể sắc nét và hậu cảnh mờ. Bạn có thể lấy nét tự động bằng cách chạm vào chủ thể màn hình cảm ứng, nhưng phần lớn các smartphone sẽ tự động bù sáng cho bức ảnh dựa vào độ sáng chủ thể. Ví dụ, nếu bạn lấy nét vào một đối tượng có màu trắng, toàn bộ bức ảnh sẽ bị tối đi, ngược lại nếu lấy nét vào chủ thể màu đen, phần còn lại của bức ảnh sẽ bị sáng quá. May mắn là nhiều smartphone mới nhất (khoảng hơn 1 năm trở lại đây) có tính năng AE/AF Lock (cố định điểm lấy nét và độ bù sáng), cho phép bạn bố cục lại bức ảnh cho tới khi có được ánh sáng như ý.

7. Hạn chế zoom

Tính năng zoom trên smartphone là zoom digital, không phải zoom quang học, có nghĩa là bạn đang chỉ phóng to bức ảnh ra chứ không phải là chụp được xa hơn. Càng “zoom xa” bao nhiêu, ảnh của bạn sẽ càng bị vỡ bấy nhiêu. Thay vào đó, hãy chủ động tiến lại gần chủ thể, hoặc nếu không thể, hãy đưa khung cảnh xung quanh vào làm hậu cảnh để tôn lên chủ thể của bạn. Kỹ năng này chỉ đòi hỏi con mắt nghệ thuật của bạn chứ không phụ thuộc vào việc bạn chụp bằng smartphone hay máy ảnh.

8. Biên tập ảnh

Ngoài Photoshop trên máy tính, có rất nhiều ứng dụng biên tập ảnh (cả miễn phí và có phí) để bạn trực tiếp chỉnh sửa các bức ảnh của mình ngay trên điện thoại. Cho dù bạn không có nhiều kiến thức về biên tập ảnh, thì những tính năng tự động điều chỉnh tông màu, độ tương phản và khử mắt đỏ sẽ làm bức ảnh của bạn đẹp hơn nhiều chỉ với vài cái chạm tay.

Bạn có thể sử dụng từ khóa “Photo Editor” để tìm các app chỉnh sửa ảnh từ đơn giản đến phức tạp và load về dùng trong máy smartphone của mìnnh..

       Bài: Kim Thạch

                                                                                                                     Ảnh: Shuttestock, Kim Thạch

                                                                                                                                                  logo


From the same category