Chuột đen chuột trắng



Trong phạm vi Việt Nam, cho chúng ta chọn lựa sống ở thành phố hay quê, chắc không ai muốn sống quá xa Bờ Hồ hoặc đường Đồng Khởi. Trào lưu “đưa nhau lên tàu, về quê ta sống vui hơn” mãi mãi chỉ là một ám ảnh đồng nội phần nhiều là giải pháp cài số lùi của các tác giả văn chương nghệ thuật khi bí đề tài hoặc muốn vừa lòng những khán giả nhập cư ra thành phố hãy còn luyến tiếc ruộng vườn.

Cái nhánh hoàng lan rơi xuống tóc cô hàng xóm của anh chàng trong truyện Thạch Lam vừa khéo làm duyên cho hình ảnh nhà quê của cái thời những nhân vật sống nhẩn nha, vừa là đại diện rất đỗi hư ảo cho một giá trị tinh thần đã rệu rã.

Ngày nay, thời mà sống bằng tinh thần được mỉa là “đi bằng niềm tin”, những gì có thể cân đong đo đếm, “quy ra thóc, bóc ra đô”, thì người ta cũng đâu có ngại dùng cân. Vì thế, có miếng đất ở quê nghĩa là có một khoản đầu tư găm lại đó, mai kia đô thị hóa lan ra đến đấy là “thắng”.

Tất nhiên, vẫn có những người cất một căn nhà ở quê để thỏa mãn nhu cầu gần thiên nhiên, về với một đời sống đã bỏ quên từ lâu, để làm mềm con người lâu nay tưởng chừng bị máy móc, bêtông, xe cộ làm “tha hóa” đi.

Lắm khi mệt mỏi điên cuồng với đời văn phòng trong các hang bêtông tầng 10 hoặc mặt tiền ở ngõ 2m, với xe cộ bóp còi như gây sự và bả kim tiền giăng giăng trước mắt, theo lối truyền thống không thể truyền thống hơn, chúng ta thèm lắm những buổi chiều nắng xiên khoai qua vòm lá phe phẩy hương đồng. Chúng ta sinh ra nhớ quê, cái nỗi nhớ tưởng có thể khiến ta chẳng ngại tàu xe, bùn lầy nước đọng mà đánh đổi.

Nhưng dẫu vậy mặc lòng, chúng ta vẫn không tài nào quay về sống ở quê hẳn được. Cứ như thể chúng ta đã tiến hóa thành một giống người cơ giới hóa, suy nghĩ cũng máy móc đến mức chúng ta bị phụ thuộc vào các thiết chế công nghệ. Mà phủ nhận làm sao cho nổi khi chính ta đã thiên vị rõ ràng khi gọi chúng là “tiện nghi văn minh”.

Trong cuộc đấu thành thị – nông thôn, phần thắng thuộc về cái gì thì từ sách giáo khoa đến khẩu hiệu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” giăng khắp chợ cùng quê, ra rả trên đài báo, đã cho câu trả lời. Câu nói truyền đời “làm giàu nhà quê không bằng ngồi lê kẻ chợ” là minh họa chính xác cho căn bệnh “đầu to” của kinh tế ảnh hưởng tới tập quán sinh hoạt của người Việt mình.

Tất nhiên có cả dòng chảy ngược từ thành thị về làng quê trong tầng lớp trung lưu, nhưng như trên đã nói, là để có một cái “sinh phần” kiểu nhà ngói cây mít mang phong cách bảo tàng dân tộc học.

Cái khiến ta không chọn nhà quê chẳng phải vì kém thành phố ở khoản hố xí tự hoại hay thang máy, mà vì ta sợ cái cách suy nghĩ “tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà”, những quan hệ họ hàng chằng chịt, cứ tuần tự cả một đời. Khốn nỗi khi ta đổ xô ra thành phố, cho đến lúc mệt nhoài kiếm cơm chốn văn phòng, ta mới hay, những thứ có vẻ to tát ra tấm ra món thị thành của ta cũng nặn ra một cách suy nghĩ tuần tự những thủ tục và quan hệ còn chằng chịt gấp bội.

Ở nhà quê có khi trì trệ tư duy, nhưng ở thành phố mấy chục năm rồi, ta có chắc là đầu óc mình thông tuệ hơn người không? Chúng ta ngủ trong những cái hộp 3m x 4m chung cư và mơ lang thang triền sông quê, hít thở khí trời thanh sạch, để chúng ta tạm thôi là kiếp chuột thành phố như câu chuyện đồng thoại trứ danh kia.

Có điều ai cũng rõ, chuột nông thôn ăn lúa còn được gọi là chuột đồng, chứ chuột thành phố chẳng có cái tên nào ngoài chuột nhắt và… chuột cống. Mèo đen mèo trắng mèo nào cũng là mèo bắt chuột, chứ họa có lừa đảo thì chuột cống mới thành món đặc sản như chuột nhà quê!

Bài: Thị Thử

Minh họa: Mớ

From the same category