Giữa những trăn trở về thực trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, đạo diễn Ngô Việt đã lựa chọn một con đường đầy cảm hứng để đánh thức ý thức cộng đồng – bằng nghệ thuật. “Hoa và Rác” không chỉ là một chương trình biểu diễn, mà là một tác phẩm nghệ thuật mang theo thông điệp mạnh mẽ: Hãy yêu thương, trân trọng và hành động vì môi trường sống của chúng ta.

Ý tưởng về “Hoa và Rác” được ươm mầm từ hơn 15 năm ông Ngô Việt hoạt động trong lĩnh vực môi trường, điều hành một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại TP.HCM. Công việc giúp ông nhìn rõ bức tranh ô nhiễm đang từng ngày bào mòn chất lượng cuộc sống. Ông chia sẻ: “Tôi luôn trăn trở phải làm điều gì đó ý nghĩa hơn, góp phần lan tỏa nhận thức về bảo vệ môi trường đến cộng đồng. Đây là vấn đề cấp thiết không chỉ của Việt Nam mà còn của toàn thế giới. Tuy nhiên, môi trường lại là chủ đề thường bị coi là khô khan, khó thu hút sự quan tâm.” Và đó là lúc nghệ thuật trở thành chiếc cầu nối. “Hoa và Rác” ra đời như một sân khấu độc đáo, nơi âm nhạc, thơ ca và mỹ thuật hòa quyện, kể câu chuyện môi trường theo cách gần gũi, cảm xúc và sâu sắc hơn.

Một điểm đặc biệt của chương trình chính là việc toàn bộ đạo cụ sân khấu đều được làm từ vật liệu tái chế. Tận dụng từ những máy móc cũ hỏng trong nhà máy xử lý rác, ekip chương trình đã tự tay thiết kế, lắp ráp và phục dựng nên một không gian trình diễn mang dấu ấn riêng. Đáng chú ý nhất là tháp phế liệu cao 5 mét – được chế tác từ một máy phân loại rác cũ, từng “âm thầm” phục vụ thành phố trong suốt nhiều năm. Giờ đây, nó được “thổi hồn”, trở thành một biểu tượng sống động trên sân khấu – minh chứng cho sự hồi sinh, cho khả năng chuyển hóa của những gì từng bị xem là rác rưởi.

Trong “Hoa và Rác”, âm nhạc đóng vai trò linh hồn. Những ca khúc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Văn Cao… được chọn lựa không phải vì nội dung trực tiếp nói về môi trường, mà bởi chúng chất chứa tình yêu thiên nhiên, quê hương – những cảm hứng tinh tế và đẹp đẽ nhất. Đó chính là “hoa” – vẻ đẹp dẫn dắt khán giả bước vào những suy ngẫm về “rác” – những hệ quả của lối sống vô tâm với thiên nhiên. Các tác phẩm được xử lý sáng tạo, vừa tôn trọng nguyên tác, vừa mở ra góc nhìn mới, nhân văn hơn về mối quan hệ giữa con người và môi trường.

Điều đáng trân trọng là chương trình “Hoa và Rác” hoàn toàn không bán vé. Theo ông Ngô Việt, đó là cách để giữ nguyên sự trong trẻo và độc lập trong tư duy, không bị chi phối bởi thị hiếu hay những ràng buộc thương mại. Suốt ba năm miệt mài tập luyện, ekip thực hiện đã coi đây là một dự án nghệ thuật cộng đồng đúng nghĩa – không đơn thuần là biểu diễn, mà là trao đi những giá trị tử tế cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Sau buổi diễn tại Hà Nội, ông Ngô Việt bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục đưa chương trình đến nhiều địa phương khác, thậm chí vươn ra quốc tế. “Ô nhiễm là vấn đề không biên giới, của toàn nhân loại”, ông nói. Ông cũng hy vọng giới truyền thông, giáo dục và nghệ thuật sẽ đồng hành để lan tỏa chương trình. Bởi một khi cái đẹp và cảm xúc chạm được đến trái tim con người, thì sự thay đổi – dù là nhỏ – cũng có thể bắt đầu.
