Chung Thúy Linh là một người phụ nữ không ngại khó. Tổ chức Nơ Xanh do chị thành lập từ năm 2021 đã trở thành một trong những tổ chức tiên phong thực hiện các chiến dịch giáo dục, hỗ trợ cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe tử cung. Linh chính là đại diện cho hình ảnh của một nhà hoạt động xã hội thế hệ mới. Chị giúp chúng tôi phân biệt giữa làm từ thiện với tạo tác động xã hội và hiểu được rằng bất cứ ai đủ kiên trì cũng có thể chọn đây là một sự nghiệp để gắn bó cả đời.
Mỗi năm có tới 5.000 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung, 90% phụ nữ mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa vì thiếu kiến thức. Là một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mẹ bầu và mẹ sau sinh, Chung Thúy Linh nảy ra ý tưởng thành lập tổ chức Nơ Xanh. Từ năm 2021 đến nay, Nơ Xanh đã có nhiều hoạt động như cùng các bác sĩ sản phụ khoa tư vấn, thăm khám, chia sẻ kiến thức cho phụ nữ; tặng tủ thuốc Nơ Xanh cho các trạm y tế địa phương; tổ chức Unitour với mục đích tư vấn sức khỏe sinh sản và nhận thức hành vi xâm hại tình dục…
Làm một nhà hoạt động xã hội thế hệ mới, theo định nghĩa của Linh, chính là không xa rời yếu tố thương mại: “Phải có nguồn lực tài chính thì tổ chức mới hoạt động được”. Ngoài ra, Linh cũng tận dụng thế mạnh của truyền thông và hướng đến các hoạt động mang tính sáng tạo, vượt ra ngoài khuôn khổ y tế thường thức.
Một trong những dự án nổi bật của Nơ Xanh là chăm sóc tinh thần và phục hồi sức khỏe cho những bệnh nhân ung thư phải cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng. Sau phẫu thuật, họ thường gặp các vấn đề về gia đình, đời sống tình dục và cả mặt xã hội. Nơ Xanh đem đến cho các bệnh nhân này những liệu pháp như kết nối và yêu thương bản thân; chăm sóc cảm xúc qua hoạt động vẽ tranh, cắm hoa…
Hoạt động của Nơ Xanh được thay đổi linh hoạt theo mỗi năm để tối ưu tác động đến cộng đồng. Ví dụ, vào năm 2023, Nơ Xanh đến thăm phụ nữ ở Nam Trà My (Quảng Nam). Bước đầu, mục tiêu của tổ chức là chia sẻ kiến thức về các bệnh lý phụ khoa. Tuy nhiên, do đa số phụ nữ ở đây là người dân tộc, chương trình không thể cung cấp cho họ nhiều kiến thức. Năm nay, sau khi có số liệu thực tế, Nơ Xanh đã thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung cho 400 phụ nữ tại huyện miền núi này.
Kể về những khó khăn, Thúy Linh chia sẻ đó là rào cản về ngôn ngữ và văn hóa, ngoài ra là những vấn đề liên quan đến việc kiểm duyệt nội dung tuyên truyền và các thủ tục hành chính tại từng địa phương. Đối với phụ nữ thành thị, họ đã có sự hiểu biết nhất định về bệnh phụ khoa nên cần phải thiết kế những chương trình khác biệt và có độ hấp dẫn mới thu hút được họ. Còn với phụ nữ vùng sâu vùng xa, tất cả các kiến thức đều mới mẻ, phải làm sao để truyền tải cho họ một cách đơn giản và dễ hiểu nhất.
Những người phụ nữ vùng cao lắng nghe kiến thức một cách đặc biệt nghiêm túc. Linh kể rằng lần đầu đoàn đến Nam Trà My, anh chủ tịch xã rất ngạc nhiên: “Các mạnh thường quân thường mang gạo, mắm, muối, tiền, quần áo. Anh chưa bao giờ thấy đoàn nào tặng băng vệ sinh, quần lót, dung dịch vệ sinh. Lạ quá! Liệu phụ nữ ở đây có cần hay không?”. Sau khi thuyết phục được anh ấy, Nơ Xanh đã tổ chức một buổi chia sẻ kiến thức và tặng quà thành công ngoài mong đợi. 400 người phụ nữ có mặt từ 7 giờ sáng, ngồi nghe chăm chú cách sử dụng quần lót, băng vệ sinh đến 12 giờ trưa. Có những người đi bộ từ rất xa đến. Có người cầm chiếc quần lót trên tay và bảo rằng họ muốn để dành cho con cháu, vì họ nghèo đến nỗi thấy đó là một thứ vô cùng quý giá.
Cũng tại Nam Trà My, Linh có duyên gặp chị Hiếu – một nữ y tá người Xơ Đăng. Cách đây nhiều năm, chị từng cứu được một đứa bé thoát khỏi hủ tục bị chôn sống khi mẹ nó qua đời, sau đó chị nhận nó làm con nuôi. Hiện tại, chị Hiếu vẫn hết lòng với công việc. Ở đây, mỗi trạm y tế chỉ có một y tá. Có những thôn nằm rất xa trạm y tế nên tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà, tự cắt nhau rốn dẫn đến mất con xảy ra khá thường xuyên. Chị Hiếu phải đến từng nơi làm công tác tuyên truyền về sinh sản dù đường đi vô cùng khó khăn. Trong mắt Thúy Linh, chị Hiếu là đại diện cho những người phụ nữ dân tộc có tư duy tiến bộ, thực sự muốn thay đổi cuộc sống.
“Tôi biết rất nhiều người đang cống hiến cho các tổ chức và nhận lương rất thấp, dẫn đến chuyện phải làm nhiều nghề khác nhau để nuôi sống bản thân. Chị nghĩ sao về việc cải thiện đời sống cho các cá nhân tham gia vào công tác xã hội?”, tôi hỏi.
Thúy Linh không chần chừ đáp: “Chúng tôi có rất nhiều tình nguyện viên. Mọi người cũng như tôi, luôn cố gắng đóng góp cho tổ chức trong khả năng. Từ năm nay, tôi quyết định làm việc toàn thời gian tại Nơ Xanh. Tôi đưa ra cam kết này để các cộng sự có thể tin tưởng và đồng hành. Thay vì huy động vốn bên ngoài bằng các chương trình gây quỹ, tôi muốn xây dựng cho Nơ Xanh một số hoạt động thương mại để tạo ra dòng tiền ổn định, từ đó có thể nâng cao đời sống của mọi người”.
Chị còn chia sẻ về cách Nơ Xanh truyền năng lượng cho thế hệ trẻ: “Nếu các bạn trẻ tham gia công tác xã hội từ bây giờ, thế hệ của các bạn sẽ tiếp tục lớn lên, phát triển, làm việc trong các tổ chức xã hội. Trong tương lai, khi mọi người đều ý thức được rằng công việc của mình đang tác động đến ai, hoặc mình đã cải thiện điều gì cho xã hội, đó sẽ là quả ngọt của những hạt mầm mà chúng ta đang gieo”.
CHUYÊN ĐỀ: ĐIỀU TỬ TẾ
Tiểu thuyết gia Mark Twain từng nói: “Sự tử tế là ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người câm có thể nói”. Câu nói ấy mang ý nghĩa rằng lòng tốt và sự tử tế là những giá trị phổ quát, có thể vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ và thể chất. Bước vào không gian của một lớp học múa dành cho người điếc hay một lớp học về sức khỏe của phụ nữ vùng cao, trò chuyện cùng một nghệ sĩ hay một nhà hoạt động xã hội, bạn có thể dễ dàng hiểu được câu nói trên theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Điểm chung giữa những con người này là một trái tim nhân ái rộng mở và những dự án nối dài cho các thế hệ tương lai.
Đọc thêm
Lyon Nguyễn: Nghệ thuật múa dành cho tất cả mọi người
Chung Thúy Linh: Quả ngọt cho tương lai
Jun Phạm: Dáng hình của những ước mơ
Matt Jackson: Người đàn ông cất tiếng nói vì phụ nữ