Một sự trùng hợp đầy lí thú (chăng?) khi cả “Us” (tựa Việt: “Chúng ta”) của đạo diễn Jordan Peele và “Shadow” (tựa Việt: “Vô ảnh”) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu không những nối tiếp nhau ra mắt công chúng Việt Nam trong vẻn vẹn có hai tuần, mà còn khai thác chung một đề tài – mối quan hệ giữa bản thể và cái “bóng” mà anh/cô ta sở hữu.
Để bắt đầu bài viết này, hãy quay lại Đan Mạch của năm 1847. Đó là khoảng thời gian mà Andersen sáng tác truyện cổ tích “Cái bóng “(tên gốc: Skyggen). Trong “Cái bóng”, một người đàn ông đã đánh mất cái bóng của mình trong chuyến hành trình đến châu Phi, để rồi một năm sau đó, trong một đêm khuya vắng cái bóng đã quay lại tìm gặp và đề nghị ông ta trở thành cái bóng của nó. Câu chuyện cổ tích u tối của Andersen đã trở thành chất liệu, và nguồn cảm hứng để từ đó, rất nhiều tác phẩm kì ảo khác đã ra đời.
1. Không có bản gốc thì không có bản sao
Jordan Peele chia sẻ anh xây dựng “Chúng ta“ dựa trên cảm hứng từ một tập phim về các doppelgänger (kẻ song trùng) của series phim kì ảo kinh điển “The Twilight Zone”. Trong “Chúng ta“, khán giả sẽ được thấy gia đình bốn người nhà Wilson phải chống chọi lại cuộc tấn công đẫm máu của các doppelgänger trong bộ đồ màu đỏ, với cây kéo bằng kim loại sắc lạnh trên tay, và khuôn mặt u tối không tiếng nói hay cảm xúc. Các phiên bản tăm tối này được mô tả là mẫu vật bị bỏ lại bên dưới lòng đất từ một thí nghiệm đã đóng của chính phủ. Và giờ là lúc để họ trỗi dậy, để cả thế giới phải biết đến sự tồn tại của mình.
Thuộc về một nền văn hoá khác, lấy cảm hứng từ tác phẩm “Tam Quốc: Kinh Châu” (tác giả: Chu Tô Tiến), Trương Nghệ Mưu đã xây dựng nên một câu chuyện đầy kì bí về cái bóng ẩn mình dưới màn mưa của nước Bái. Trong “Vô ảnh” – tác phẩm điện ảnh mới nhất của mình, Trương Nghệ Mưu đưa khán giả đến với khái niệm “ảnh tử”. Ảnh tử là những người thế thân cho một người khác – được gọi bằng cái tên “chân thân”. Ảnh tử cả đời giấu mình trong bóng tối, sống không ai biết chết chẳng ai hay. Ngày mà ảnh tử bước ra ánh sáng, cũng là ngày anh ta bắt đầu cuộc đời làm thế thân cho chủ nhân của mình, và thậm chí, thay chủ nhân của mình nhận lấy cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Người ảnh tử tên Cảnh Châu ấy đã được tìm về, dạy dỗ và uốn nắn để trở nên giống hệt với chân thân của mình là Đô đốc Tử Ngu. Cảnh Châu ở bên Tử Ngu, tuy được gọi là kẻ thế thân, nhưng anh ta cũng chỉ giống như một cái bóng. Anh ta chỉ được nói những điều mà Tử Ngu sẽ nói, làm những việc mà Tử Ngu sẽ làm. Cảnh Châu chỉ khác với những cái bóng trong “Chúng ta” ở chỗ, anh ta là một cái bóng được phép đi dưới ánh mặt trời. Và cũng vì sự tự do trong khuôn khổ ấy, anh ta là một sản phẩm được nhào nặn, được tạo ra bởi chân thân của chính mình. Trong mắt Tử Ngu, ảnh tử Cảnh Châu là một công cụ chỉ khơi gợi câu hỏi sẽ sử dụng hắn ta vào việc gì cho hiệu quả.
Sinh ra từ thử nghiệm bí mật của chính phủ nhằm gia tăng sự kiểm soát lên con người, các doppelgänger trong “Chúng ta” chỉ là một xác thịt vô tri, bị giam cầm và quên lãng, nhận thức chỉ dừng lại ở việc mô phỏng một cách vô nghĩa sinh hoạt của bản gốc sống trên mặt đất. Đứng trước các doppelgänger này, bản gốc kia dường như “vô can”. Họ không trực tiếp nhào nặn ra bản sao của mình, không sử dụng họ để phục vụ cho mục đích nào cũng mình, thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của các bản sao. Họ (những bản gốc) đối diện với cơn cuồng nộ của các bản sao với thuần tuý sự ngạc nhiên và hoảng loạn – nỗi hoảng loạn bắt nguồn từ câu hỏi những kẻ kia là ai.
Cùng sử dụng cái bóng như một hình ảnh truyền thông điệp, nhưng trong “Chúng ta”, bản gốc không nhận ra bản sao tăm tối của chính mình, dù giữa hai bên là mối liên hệ sinh học mật thiết; còn trong Vô ảnh, dù bản sao là một con người độc lập về cả tư duy lẫn cấu trúc sinh học, nhưng “bản gốc” lại có toàn bộ quyền chi phối và sử dụng anh ta. Các doppelgänger mặc đồ đỏ hừng hực khí thế báo thù những nạn nhân, chẳng màng đến việc bản thân những bản gốc ấy còn chẳng phải kẻ thủ ác.
Trong khi đó, chàng ảnh tử trong “Vô ảnh” chỉ có những mong muốn hết sức đơn thuần – báo đáp ơn cứu mạng của ân nhân, và trở về bên người mẹ già anh ngỡ đã mãi lưu lạc. Tất cả sự hiếu chiến mà anh ta thể hiện trong suốt bộ phim đều phản chiếu từ đầu óc của chân thân Tử Ngu – vị đô đốc đã thân tàn ma dại nhưng vẫn còn quá nhiều tham vọng.
Lật ngược lại vấn đề, nếu những “người Mỹ” trong “Chúng ta” không ở trạng thái tự hài lòng với cuộc sống được vây quanh bởi những tiện nghi xa xỉ, thì công trình dưới lòng đất có còn là một dự án bị bỏ phế? Hay nếu trấn Cảnh Châu – một phần của nước Bái rơi vào tay ngoại bang ngay từ đầu đã không bị cướp khỏi tay Tử Ngu, thì ông ta có điên cuồng bắt ảnh tử của mình phải vào sinh ra tử? Nói vậy để thấy, cái bóng không tự dưng sinh ra. Chúng sẽ luôn bằng một cách nào đó được tạo ra, để phục vụ cho tham vọng của một kẻ nào đó. Kẻ nào đó là chủ nhân của chúng, hoặc là những kẻ đứng từ vị trí cao hơn, với mục đích kiểm soát những cá thể không hề cảnh giác ấy.
2. Không cần đến bản gốc, bản sao vẫn tồn tại
Giống như các câu chuyện dân gian Đức luôn kể, khi bạn nhìn thấy doppelgänger của chính mình, tức là khi ấy số bạn sắp tận, những cái bóng mặc đồ đỏ trong “Chúng ta“ và chàng Cảnh Châu trong “Vô ảnh” không hẹn mà gặp, đều có chung một sứ mệnh. Cuộc thảm sát trong đêm của những cái bóng, và trận huyết chiến giữa buổi tiệc mừng công của Cảnh Châu chính là bước cuối cùng để hoàn thành sứ mệnh đã ăn sâu vào máu tủy của những cái bóng ấy: xoá bỏ bản gốc. Tuy nhiên, đích đến chung này cũng là điểm mấu chốt để khán giả thấy được sự khác biệt rõ rệt trong sứ mệnh mà hai bộ phim đảm nhận.
Hàng trăm năm trước, những tổ tiên xa xưa nhất của người Mĩ từ những lục địa khác nhau đã tới châu Mĩ xua đuổi người da đỏ, cô lập, tiêu diệt họ, và trên đất đai của họ, xây dựng những nền móng đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kì. Thời hiện đại, một bức tường biên giới ngăn cách Mĩ với Mexico là điều mà vị tổng thống đương nhiệm khao khát. Đó là lí do mà các doppelgänger không chỉ giết hại những “người mặt đất bản xứ”, họ còn nắm tay nhau tạo thành một “biên giới người” màu đỏ tươi như máu chạy dọc nước Mĩ.
Họ không muốn thay thếbản gốc của mình, họ muốn xoá bỏ những con người ấy, và sau đó là thị uy với thế giới, buộc thế giới phải biết đến (hay kinh sợ?) sự tồn tại của họ – một “chúng tôi”, chứ không phải “chúng ta”, độc lập và bạo tàn. Rồi theo thời gian, “chúng tôi” ấy sẽ trở thành “chúng ta”, “us” hoặc U.S tùy theo cách hiểu của mỗi người. Jordan Peele muốn sử dụng bộ phim để lột trần thực trạng của nước Mĩ – nơi anh là một phần tạo nên nó. Vì thế, những doppelgänger là một sự tồn tại ngoại lai, vô lí và phi nghĩa được anh sử dụng như một công cụ để truyền tải ẩn dụ của mình.
Kết thúc truyện cổ tích của Andersen, khi người đàn ông cố gắng tố cáo cái bóng, ông ta đã bị cái bóng tự nhận là bản thân mình vu cho tội phản loạn chống lại bản gốc. Bản gốc cuối cùng bị xử tử, và cái bóng thế chỗ của anh ta, lấy nàng công chúa Đan Mạch và (có vẻ) họ sống bên nhau hạnh phúc mãi mãi. Chàng ảnh tử Cảnh Châu, với toàn bộ tham vọng và sự mưu mô học được từ chân thân, đã lựa chọn một cái kết mà Tử Ngu bấy lâu lo sợ.
Người xem có thể đã nhận ra từ rất lâu rằng Cảnh Châu là tất cả những gì mà Tử Ngu khao khát sở hữu, nhưng không bao giờ có được: cơ thể tráng kiện, tâm tính thiện lương, và quan trọng hơn hết thảy, là cả một cuộc đời phía trước. Tử Ngu càng điên cuồng ép Cảnh Châu vào kịch bản do mình dàn xếp bao nhiêu, thì anh ta lại càng đánh mất mình bấy nhiêu. Để rồi giống như anh chàng trong truyện của Andersen, sau khi hoàn thành đại nghiệp nhờ sự trợ giúp của Cảnh Châu, Tử Ngu rũ bỏ anh ta không thương tiếc để rồi nhận lấy kết cục bi kịch. Nối tiếp dòng chảy của những “Anh hùng”, “Thập diện mai phục” hay “Hoàng kim giáp“, “Vô ảnh” tiếp tục là một bi kịch diễm lệ của tham vọng quyền lực, của sự ghen tuông mù quáng mà Trương Nghệ Mưu đã dày công khái quát từ nhiều ngàn năm lịch sử Trung Hoa.
Con người tồn tại như một tổng thể thống nhất. Nhưng tổng thể ấy luôn có hai phần tồn tại khó hoà lẫn: phần con người xã hội được thể hiện ra bên ngoài, và phần tham vọng bên trong mà chỉ họ là người duy nhất hiểu rõ. Nếu coi gia đình Wilson và những bản gốc trên mặt đất của “Chúng ta“ là phần “con người xã hội”, thì những tồn tại bí ẩn như đoàn người áo đỏ, hay không danh phận như Cảnh Châu chính là phần tham vọng bị che giấu. Theo cách hiểu này, thì dù được làm ra bởi những nền văn hoá khác nhau, kể những câu chuyện khác nhau, thì cả hai bộ phim đều chung một sứ mệnh nhắc nhở những người đang thưởng thức nó từ hàng ghế khán giả, rằng luôn tồn tại một cuộc chiến trong mỗi con người. Và nếu thua trong trận chiến ấy, thì rốt cuộc ta sẽ chỉ còn là những cái bóng phục vụ cho tham vọng của chính mình.
Bài: Phan Anh