Mọi người thường hay nói câu “Phụ nữ yêu bằng tai”, và vừa cười vừa coi đó như là một điểm yếu cần khắc phục của chị em. Nhưng thử hỏi “yêu bằng tai” có gì là xấu?
Một bữa, người vợ đi làm về vui vẻ khoe với chồng: “Em hôm nay đã tranh thủ làm thêm được mấy việc nữa, tháng này có thêm thu nhập rồi”. Người chồng thờ ơ trả lời: “Mỗi việc đó họ trả cho em bao nhiêu? Có được năm mươi nghìn không?”. Vợ sững người, im lặng không nói. Niềm vui và sự tự hào như ngọn lửa vừa nhen lên đã bị lời nói như gáo nước lạnh dội tắt phũ phàng.
Sự vô tâm của người chồng khiến người vợ tổn thương như bị dao cứa vào tay. Sẽ cần thời gian để vết thương liền lại. Cũng như cần thời gian để cảm giác tổn thương có thể xóa mờ dần.
Lại có bữa, người chồng trở về nhà sau một ngày mệt mỏi. Công việc gặp nhiều trở ngại khiến mức năng lượng của cả thể xác lẫn tinh thần đều sắp chạm tới đáy cùng. Trong bữa ăn, vợ vừa gắp thức ăn cho chồng vừa nói: “Anh ăn nhiều một chút. Anh có khỏe thì mới có sức để làm việc được. Trước giờ việc khó mấy anh cũng giải quyết được mà”. Chồng mỉm cười, cảm thấy gánh nặng như được san sẻ bớt, vừa ăn vừa kể với vợ cho nhẹ nhõm.
Những lời nói như phù sa bồi đắp đôi bờ sông, từng tháng từng ngày khiến cho tình yêu của chồng với vợ càng đằm sâu, tình nghĩa.
Ai bảo đàn ông không yêu bằng tai?
Mấy ngày hôm nay có cả một làn sóng trên facebook chơi trò chơi nhắn tin thử chồng. Tin nhắn chỉ mấy chữ ngắn gọn “Em yêu anh” được vợ bất ngờ gửi vào một giờ ngẫu nhiên trong ngày, rồi đợi xem các ông chồng sẽ nhắn lại điều gì. Nếu có một công cụ đo đếm thống kê thì tôi đoán rằng có đến hơn 90% các tin nhắn của chồng gửi lại cho vợ đều là sự bất ngờ, sửng sốt kiểu như “Anh đưa lương cho em rồi mà”, “Nhắn nhầm cho đứa nào hả”, “Bị dở hơi à”… Chị em thấy hài hước như đọc truyện cười. Còn tôi, tôi thấy ít nhiều thất vọng về chính phụ nữ chúng ta.
Gửi đến nhau những lời dịu dàng, nói cho nhau nghe thật nhiều những câu “Em yêu anh, Anh yêu em”, dành cho nhau thường xuyên những cử chỉ quan tâm chăm sóc, đó là chuyện hết sức tự nhiên và cần thiết. Vậy tại sao một việc tự nhiên như thế lại trở thành sự sửng sốt với người chồng và chuyện cười với người vợ? Tại sao cả hai người đã từng vì yêu mà tiến tới hôn nhân, nay lại cảm thấy việc dành cho nhau những cử chỉ nồng nàn là chuyện dở hơi, chuyện đùa, chuyện thử cho vui?
Đó là vì chúng ta đã quá tiết kiệm cách thể hiện sự yêu thương. Tiết kiệm tới mức quên cả phương pháp sử dụng.
Một trong những nguyên tắc trong đời sống vợ chồng là “tương kính như tân” – dù có thành vợ thành chồng đến bao năm, trải qua bao thời gian và va vấp, mệt mỏi thì vẫn cần giữ lấy sự tôn trọng, nâng niu, chiều chuộng nhau như thuở mới ban đầu. Có như thế thì mỗi người mới không ngừng nỗ lực để mình luôn đẹp nhất trong mắt bạn đời, và tình yêu sẽ luôn được bồi đắp bền vững.
Mẹ tôi thường dạy rằng gia đình là nơi bình yên nhất để chúng ta nương náu dù có bất cứ phong ba bão táp nào ngoài xã hội. Vậy thì hẳn nhiên, theo lẽ công bằng, gia đình cũng là nơi quan trọng nhất cần chúng ta chăm sóc bằng tất cả sự yêu thương. Trò chơi nhắn tin thử chồng của chị em đã đánh thức tôi, đã nhắc cho tôi nhớ yêu thương là một khái niệm trừu tượng lắm, nó cần được thường xuyên thể hiện bằng hành động cụ thể, để tình yêu trở nên hữu hình với mỗi người.
Vậy nên, hôm nay tôi sẽ không nhắn một cái tin “Em yêu anh” để thử chồng. Tôi sẽ đợi đến tối, khi chồng đi làm về, để nói câu nói ấy. Mỗi ngày đều làm như thế, tôi tin mình sẽ bớt đi một dịp được cười sảng khoái khi nhận tin nhắn sửng sốt của chồng, bù lại sẽ nhận được nhiều hơn những hồi đáp hạnh phúc “Anh cũng yêu em”.
Bài: Tuệ Nhàn