Chứng khoán Việt Nam "bốc hơi" hơn 1 tỷ USD ngày 2/11 - Tạp chí Đẹp

Chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” hơn 1 tỷ USD ngày 2/11

Tin Tức

 

Thị trường chứng khoán “rúng động” trong ngày ông Đặng Văn Thành rời khỏi ghế Chủ tịch Sacombank nhường cho “người cũ” của Eximbank – ông Phạm Hữu Phú.

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 2/11 trở nên u ám đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi sàn TPHCM có đến 210 mã giảm so 32 mã tăng, 130 mã giảm sàn; sàn Hà Nội có 170 mã giảm so 35 mã tăng, 83 mã giảm sàn.

Thị trường liên tiếp nhận được những thông tin quan trọng về nhân sự liên quan đến gia đình quyền lực ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc. Ngay sau tin “nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc rút khỏi Hội đồng quản trị Bourbon Tây Ninh, nơi bà trước đây từng là Chủ tịch thì chồng bà, người sáng lập NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng rời ghế Chủ tịch HĐQT ngân hàng này sau gần 20 năm gắn bó với lý do cá nhân.

Những thông tin này đã tác động mạnh mẽ đến cổ phiếu STB, SBT, SCR, các cổ phiếu nhóm ngân hàng cũng như khiến hàng loạt mã trên sàn giảm điểm hàng loạt. Thanh khoản mặc dù tăng 13% lên 945 tỷ đồng nhưng giao dịch thỏa thuận chỉ chiếm 8% tổng giá trị giao dịch. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, tài sản trên thị trường bỗng chốc “không cánh mà bay” tới hơn 1 tỷ USD chỉ trong vỏn vẹn 1 ngày.

Hai chỉ số lao dốc trong suốt toàn phiên. VN-Index mất gần 13 điểm, đóng cửa tại 375,3 điểm, tương ứng giảm 3,3% trong khi HNX-Index cũng mất 3%, đóng cửa tại 51,1 điểm. Đây là mức đóng cửa thấp nhất của VN-Index kể từ cuối tháng 1/2012 và là mức thấp nhất của HNX-Index từ trước đến nay. Phiên này, nhóm cổ phiếu ngân hàng mất 3,6%, riêng STB của Sacombank mất 3,1% giá trị. SBT mất 4,5%; SCR mất 5,6%; NHS mất 5%.

Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp kéo tụt điểm thị trường lại đến từ các bluechips gồm VCB, VNM và MSN. Cả 3 mã này giảm sàn đã lấy đi của VN-Index tới 6 điểm. Cụ thể, riêng MSN làm VN-Index giảm 2,02 điểm tương ứng giảm 4,8% giá trị; VCB cũng góp phần kéo VN-Index giảm 1,66 điểm tương ứng giảm 4,8% giá trị. Và VNM làm chỉ số này mất 2,17 điểm, giảm 4,7% giá trị.

 

Khối tài sản thất thoát trên cả hai sàn giao dịch TPHCM, Hà Nội trong ngày 2/11 (Nguồn: HoSE, HNX/Dân trí).

Trong khi đó tại sàn Hà Nội, các trụ cột là ACB mất 5,3% giá trị, SHB mất 3,9% giá trị cũng kéo HNX-Index đi xuống. ACB làm HNX-Index giảm 0,42 điểm tương ứng giảm giảm 4,6% giá trị, SHB khiến chỉ số chung giảm 0,12 điểm tương ứng 3,9% giá trị. Ngoài ra, VCG cũng góp phần là HNX-Index tụt sâu thêm 0,14 điểm giảm 7,4% giá trị.

Theo thống kê từ sàn TPHCM, giá trị vốn hóa thị trường của HoSE đã giảm hơn 20.000 tỷ đồng trong phiên 2/11, xuống còn 609.700 tỷ đồng. Còn tại sàn Hà Nội, thiệt hại cũng lên đến 2.253 tỷ đồng khi giá trị vốn hóa giảm còn 78.883 tỷ đồng vào cuối phiên. Tổng cộng, trong phiên giao dịch cuối tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam mất 22.265 tỷ đồng, tương đương giảm 3,13%.

Do giảm sàn lại có vốn hóa cao nên thất thoát tại các mã VCB, VNM, MSN, GAS, BVH… là rất lớn. Cụ thể, giảm 4,72% về giá, mất 6.000 đồng trên mỗi cổ phiếu, xuống còn 121.000 đồng/cp, vốn hóa thị trường của VNM đã giảm từ 70.572 tỷ đồng ngày 1/11 xuống còn 67.238 tỷ đồng cuối phiên giao dịch ngày 2/11, mất 3.334 tỷ đồng.

MSN mất 4,81% giá trị, giảm điểm còn 89.000 đồng/cp khiến vốn hóa thị trường giảm từ 64.261 tỷ đồng còn 61.168 tỷ đồng, mất 3.093 tỷ đồng. VCB giảm giá 4,76% còn 22.000 đồng, vốn hóa thị trường lùi từ 53.532 tỷ đồng xuống còn 50.983 tỷ đồng, mất 2.549 tỷ đồng.

Thiệt hại của GAS không kém phần nặng nề khi mất giá 2,28%, giảm còn 38.600 đồng mỗi cổ phiếu, khiến vốn hóa giảm từ 74.852 tỷ đồng còn 73.147 tỷ đồng, “bốc hơi” 1.705 tỷ đồng. BVH mất 4,7% giá trị giảm còn 28.400 tỷ đồng. Vốn hóa của mã này cũng giảm từ 20.278 tỷ đồng còn 19.325 tỷ đồng, mất 953 tỷ đồng.

 

(Dữ liệu Vietstock/Dân trí).

Các mã ngân hàng sau cú “sốc” hồi tháng 8, tháng 9 khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt cùng hàng loạt  những xáo trộn về nhân sự ở những tổ chức lớn  nay lại tiếp tục hứng sóng gió. ACB giảm 5,26% giá trị, vốn hóa thị trường “bay mất” 656 tỷ đồng, giảm từ 14.253 tỷ đồng còn 13.597 tỷ đồng.

EIB mất 3,31% giá trị, vốn hóa giảm 18.656 xuống còn 18.039 tương ứng giảm 617 tỷ đồng. MBB mất giá 1,52%, vốn hóa giảm 200 tỷ đồng, từ  13.200 tỷ đồng xuống còn 13.000 tỷ đồng.

SHB mất 3,92% giá trị, vốn hóa giảm từ 4.519 tỷ đồng xuống còn 4.342 tỷ đồng, tương ứng mất 177 tỷ đồng. CTG mất 1,75% giá trị, vốn hóa giảm từ 44.832 tỷ đồng còn 44.045 tỷ đồng, mất 787 tỷ đồng

Những mã khác như ITA, DPM, HPG không tránh khỏi xu hướng chung của thị trường. Mức giảm điểm tại các mã này lần lượt 4,88%, 3,64% và 4,4%. Do vậy, vốn hóa của ITA cũng bị mất 89 tỷ đồng, giảm từ 1.823 tỷ đồng còn 1.734 tỷ đồng. Vốn hóa DPM mất 491 tỷ đồng, giảm từ 13.479 tỷ đồng còn 12.988 tỷ đồng. Vốn hóa của HPG cũng giảm 280 tỷ đồng còn 6.076 tỷ đồng từ 6.356 tỷ đồng.

Và điều hiển nhiên là những cổ phiếu mà các thành viên trong gia đình ông Đặng Văn Thành nắm giữ sẽ là những mã chịu tác động không hề nhỏ.

Vốn hóa thị trường của STB trong một ngày đã giảm từ 18.798 tỷ đồng xuống còn 18.213 tỷ đồng, tương ứng mất 585 tỷ đồng. SBT mất 4,52% giá trị, vốn hóa cũng giảm từ 2.264 tỷ đồng còn 2.162 tỷ đồng, mất 102 tỷ đồng. SCR giảm sàn, mất 5,56% khiến vốn hóa sụt giảm từ 772 tỷ đồng còn 729 tỷ đồng, mất 43 tỷ đồng. NHS trong phiên này cũng mất điểm 4,96%, vốn hóa thất thoát từ 143 tỷ đồng còn 136 tỷ đồng, giảm nhẹ 7 tỷ đồng.


Thay đổi giá cổ phiếu STB theo chiều diễn biến VN-Index.

Thay đổi giá của cổ phiếu SBT so chiều diễn biến chỉ số VN-Index.

NVB là mã hiếm hoi tăng điểm, tăng 4,35% giá trị, vốn hóa tăng từ 2.054 tỷ đồng lên 2.143 tỷ đồng, tương ứng tăng 89 tỷ đồng.

Hiện tại, tại Sacombank, ông Đặng Văn Thành đang nắm 42,7 triệu cổ phiếu STB, ông Đặng Hồng Anh nắm 32,3 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, ông Hồng Anh còn nắm giữ 14,2 triệu cổ phiếu SCR sau khi thoái vốn mạnh, bán 21,45 triệu đơn vị cổ phiếu này thời gian gần đây. Bà Huỳnh Bích Ngọc nắm 1,5 triệu cổ phiếu ở SBT và 0,67 triệu cổ phiếu BHS.

Với việc các cổ phiếu này mất điểm mạnh trong phiên giao dịch vừa rồi, chỉ trong ngày 2/11, tài sản trên sàn chứng khoán của ông Đặng Văn Thành tại mã STB bị hao hụt 25,6 tỷ đồng, ông Đặng Hồng Anh mất 8,46 tỷ đồng. Ở mã SCR, ông Hồng Anh mất thêm 4,26 tỷ đồng. Bà Huỳnh Bích Ngọc mất 1,2 tỷ đồng tại cổ phiếu SBT và gần 0,5 tỷ đồng tại NHS. Tổng cộng, gia đình ông Thành trong ngày giao dịch 2/11 đã mất trên 40 tỷ đồng.
 
Trong phiên, STB là một trong những mã có khối lượng khớp lệnh và có giá trị khớp lệnh lớn nhất. Cụ thể, giá trị khớp lệnh của STB đạt 38,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,58%. Tiếp sau đó, SSI khớp 36,1 tỷ đồng, chiếm 6,1%; VNM khớp 34 tỷ đồng chiếm 5,76%; DPM khớp 32,7 tỷ đồng, chiếm 5,54% và MBB khớp 26 tỷ đồng, chiếm 4,4%.

Được biết, vào ngày hôm qua 3/11/2012, tại buổi công bố thay đổi nhân sự Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), ông Phạm Hữu Phú, tân Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết, ông Đặng Văn Thành đã có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT Sacombank kể từ ngày 5/11. Với thông tin này, dự kiến, diễn biến thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch tuần tới khả năng sẽ không ít bị ảnh hưởng.

 

Theo Dân Trí

Thực hiện: depweb

04/11/2012, 23:28