Nghệ sĩ cũng có nhiều xuất thân, trình độ khác nhau nên việc xét cấp thẻ hành nghề cũng không thể cứng nhắc – Ảnh: Ngọc Hải
Diễn viên nhà nước, diễn viên tư nhân…
“Mười mấy năm trước, tôi đã là lãnh đạo nhà hát kịch, đã có danh hiệu. Ai lại đi thẩm định trình độ và cấp thẻ hành nghề cho tôi”, NSND Lê Chức – Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam vừa nói vừa cười có phần ngạc nhiên. Trên thực tế, cuộc sát hạch lấy thẻ cho nghệ sĩ biểu diễn năm 1999 đã không “chạm” vào ông. Nhiều nghệ sĩ được cấp thẻ thời đó cũng không còn giữ thẻ.
Là một “diễn viên nhà nước”, việc xin cấp thẻ với ông Chức nếu có cũng đơn giản. Diễn viên các nhà hát khi đó ở Hà Nội cũng không cần phải tự mang hồ sơ đi xin cấp phép. Tất cả đều được nhà hát đại diện làm hộ.
Nghệ sĩ nhà nước thì đơn giản vậy, chứ câu chuyện của nghệ sĩ tự do phức tạp hơn nhiều – ngay cả với người đã nổi danh. Còn nhớ, khi rục rịch việc cấp thẻ, ca sĩ Lam Trường khi đó đã rất nổi tiếng với lịch diễn dày đặc cũng phải thu xếp đến trường nghệ thuật theo một số khóa học thanh nhạc để được cấp thẻ. Tất nhiên, ngoài anh, còn những ca sĩ khác nữa. Nhưng “khi thẻ bị bãi bỏ thì họ không đến học nữa”, nhạc sĩ Lê Nam, nguyên Trưởng phòng Quản lý biểu diễn ca nhạc và băng đĩa sân khấu (Cục Nghệ thuật biểu diễn), chia sẻ.
Từ trường hợp của Lam Trường, cũng cần xem có nên quá nặng nề bằng cấp, chứng chỉ khi cấp thẻ không bởi thể loại âm nhạc của anh cũng không cần kỹ thuật quá cơ bản. Ca sĩ Phương Thanh từ thời Trống vắng tới giờ vẫn hát, vẫn giữ lửa nghề, giữ người hâm mộ bằng cách hát nghiêng về cảm xúc không giấu nổi bản năng và thiếu đào tạo bài bản. Ngay trong đào tạo chuyên nghiệp, Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM hiện cũng đang có một nhà hát thể nghiệm. Và nếu chúng ta quá đặt nặng bằng cấp, cũng thật khó để nghệ sĩ trẻ có cơ hội thực hành nghề. Trong khi, với nghệ thuật biểu diễn, việc cọ xát thực tế, có đạo đức nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng nếu nghệ sĩ không muốn cứng ngắc trên sàn diễn.
“Chưa hình dung nổi”
Không đặt nặng bằng cấp, việc thẩm định trực tiếp trên chính mỗi hồ sơ cá nhân sẽ đóng vai trò chủ chốt. Cũng có nghĩa, đơn vị cấp phép sẽ phải thẩm định số lượng hồ sơ “kinh hoàng” mà chính Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương cũng “chưa hình dung nổi số hồ sơ lớn tới đâu”.
Thông tin từ một lãnh đạo Cục cho biết sáng qua (3.7) lại cho thấy, có thể Cục sẽ chọn cách xử lý đơn giản (thậm chí có phần sơ sài) – xét cấp giấy phép dựa trên băng đĩa gửi về kèm theo hồ sơ. Điều này có nguy cơ đẩy chính người xét duyệt chất lượng vào việc phải xem những tác phẩm mà chẳng biết ngoài đời có giống như trong đĩa hay không.
Ra được quy định chuẩn đã khó, việc dùng thẻ để quản lý nghệ sĩ còn khó hơn. Còn nhớ, hồi năm 1999, sử dụng tấm thẻ đó hầu như không phải việc của chủ thẻ, mà của người xin cấp phép biểu diễn. “Họ phải dùng bản photo những giấy phép này gửi kèm hồ sơ xin cấp phép biểu diễn cho chương trình. Cũng bởi thế, nên khi luật Doanh nghiệp cho phép được kinh doanh văn hóa thì ngay lập tức các doanh nghiệp đòi bỏ giấy phép biểu diễn vì cho rằng đó là một loại giấy phép con”, NSND Lê Chức cho biết.
Một số ý kiến khác cho rằng người được cấp thẻ phải do một tổ chức nghề nghiệp hợp pháp giới thiệu sau đó sẽ xem xét về nhân thân (lý lịch tư pháp, đạo đức hành nghề, lối sống…) và đặc biệt phải đăng ký mã số thuế như những công dân bình thường khác.
Hy vọng nhà quản lý có những quy định thật chặt về trách nhiệm của người có chứng chỉ này khi biểu diễn. Tất nhiên, mức phạt tiền rất khó nâng cao cho đủ “đã” do còn bị chi phối bởi quy định về xử phạt hành chính vi phạm trên lĩnh vực văn hóa. “Tuy nhiên, chế tài sẽ có ý nghĩa răn đe khi chủ thẻ có thể bị tịch thu thẻ nếu vi phạm”, ông Đăng Chương cho biết. Đây cũng chính “tử huyệt” nghệ sĩ mà Bộ VH-TT-DL nắm được nếu hậu kiểm tốt.
Nên có quy chế riêng với nghệ nhân, nghệ sĩ lão thành
“Từ góc độ văn hóa, từ sự tôn trọng với các bậc nghệ nhân, việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn phải có được sử dụng ngôn từ cẩn thận. Tôi nghĩ, với họ nên có quy chế riêng. Thậm chí, nếu có buổi trao chứng chỉ cho họ, cũng nên dùng từ “mời đến và trao” chứ không phải bắt họ phải xin hay gửi đơn”.
NSND Lê Chức, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu
Thi nghề này,làm nghề kia
“Tôi vẫn ủng hộ việc cấp thẻ hành nghề ngay cả khi nó bị bãi bỏ. Bởi chỉ có những sàng lọc chuyên môn trước mới tránh cho khán giả những buổi biểu diễn cấp câu lạc bộ. Tuy nhiên, việc một diễn viên chuyển sang đạo diễn, một đạo diễn kịch chuyển sang làm đạo diễn thời trang, một diễn viên múa chuyển sang kịch sẽ được quản lý ra sao. Có những người khi “chuyển vùng” nghệ thuật vẫn làm tốt, tuy nhiên cũng có người thất bại và khán giả phải chịu thiệt. Cục cũng nên quy định rõ về vấn đề này”.
NSND Kiều Ngân, Phó giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch
Theo Thanh Niên