Chuẩn mực “khuôn vàng thước ngọc” trong thời trang cao cấp đối với đàn ông ngoại cỡ

Sự đa dạng về kích cỡ trong thời trang nữ đang ngày càng phổ biến. Từ sàn diễn thời trang đến các tạp chí danh tiếng, nữ giới đang khẳng định kích thước cơ thể hoàn toàn nằm ngoài những quy chuẩn về cái đẹp (nếu có) và chẳng thể ngăn họ sở hữu những món đồ xa xỉ. Ngược lại, có vẻ như hành trình bước chân vào thế giới thời trang cao cấp của những người đàn ông ngoại cỡ còn khá nhiều chông gai.

Sự hạn chế của thời trang nam ngoại cỡ

Mặc dù thị trường quần áo cỡ lớn được ước tính trị giá 21,4 tỷ đô la (năm 2016), đạt mức tăng trưởng 6%, nhưng cho đến hiện tại, các thương hiệu thời trang xa xỉ vẫn còn khá e dè với việc sản xuất những mẫu thiết kế cỡ lớn và sử dụng người mẫu ngoại cỡ cho các chiến dịch quảng bá của mình.

Từ rất lâu về trước, thời trang cao cấp vốn không phải là nơi chào đón những khách hàng ngoại cỡ. Phụ nữ hay đàn ông có thân hình không đạt “chuẩn” thường không được ưu ái bởi một lẽ: thừa cân không có lợi cho sức khỏe và đó không phải là một hình ảnh lành mạnh để quảng bá.

Tuy vậy, thế giới thời trang hai năm trở lại đây đã chứng kiến những người phụ nữ “big size” như Ashley Graham, Precious Lee hay Alva Claire sải bước trên sàn diễn của các nhà mốt danh giá Versace, Fendi và Michael Kors. Bên cạnh đó, những chiến dịch truyền thông như #fatbabesinluxury (những cô nàng quá khổ mặc thời trang xa xỉ) được khởi xướng bởi Katie Sturino và Nicolette Mason cũng tạo nhiều sức ép lên những thương hiệu cao cấp, buộc họ phải suy nghĩ về việc sản xuất kích thước lớn hơn cho quần áo.

James Corbin trong chiến dịch quảng bá của Valentino năm 2021

Vậy còn thời trang nam thì sao? Tại Vogue Runway Thu Đông 2022, chỉ 7 trên 77 thương hiệu thời trang nam cho phép những người mẫu quá khổ sải bước trên sàn diễn. 7 thương hiệu đó là những cái tên mới nổi như Kidsuper, Études, Casablanca, Magliano, Kiko Kostadinov, hoàn toàn không có bóng dáng của các thương hiệu lớn.

Trên thực tế, không ít giám đốc casting từng mong muốn mang người mẫu nam ngoại cỡ vào các chiến dịch hay show diễn cao cấp, tuy nhiên họ cũng chỉ ra rằng chính sự thiếu hụt về size ở các thương hiệu thời trang xa xỉ cũng như sự thiếu hụt nhu cầu đối với đồ nam ngoại cỡ đang kìm hãm sự phát triển của phân khúc này.

Chủ tịch IMG Models – Ivan Bart – cho rằng những bước tiến của phụ nữ ngoại cỡ trong thế giới thời trang xa xỉ nên được lấy làm tiền đề cho thời trang nam giới.

Tương lai cho người mẫu nam “big size”

Năm 2020, thương hiệu nội y Savage x Fenty của nữ ca sĩ Rihanna đã lựa chọn người mẫu ngoại cỡ Steven G (Green) cho chiến dịch ra mắt đồ lót nam của thương hiệu. Bộ sưu tập này “cháy hàng” chỉ trong 12 tiếng đồng hồ. Từ công việc người mẫu đầu tiên của mình cho Savage x Fenty, Green sau đó đã có cơ hội làm việc với Nike, Adidas, Lululemon và Daimler…

Người mẫu nam và nữ ở mọi số đo hình thể trong hình ảnh quảng cáo BST Savage x Fenty Pride Collection 2021

Zach Miko, người mẫu ngoại cỡ đầu tiên ký hợp đồng với IMG’s Brawn Division (công ty quản lý người mẫu nam ngoại cỡ), cho rằng những thương hiệu xa xỉ đang sai lầm khi khẳng định nhu cầu thời trang nam ngoại cỡ không nhiều trong khi chính họ còn chưa thực sự thử nghiệm trên thị trường. “Những thương hiệu xa xỉ đang tiếp nhận tính đa dạng chậm hơn so với các thương hiệu thời trang nhanh”. Thật vậy, H&M hay Forever 21 đã sản xuất thêm nhiều size đồ cho đàn ông ngoại cỡ từ năm 2010.

Trước đại dịch, Zach Miko đã có cơ hội làm việc cho một chiến dịch thời trang nam của Dolce & Gabbana. Anh hy vọng sau lần hợp tác đó, nhiều thương hiệu xa xỉ khác sẽ dần biết tới mình. Nhưng Covid ập đến và “rất nhiều thương hiệu đã cắt giảm ngân sách, những gì mới mẻ bị cắt giảm đầu tiên”.

Dù vậy, chủ tịch của IMG vẫn tin vào một tương lai tươi sáng cho Zach cũng như những người mẫu nam ngoại cỡ khác trong công ty. Anh chia sẻ: “Tôi muốn thấy họ trở thành những cái tên đình đám quốc tế và sải bước trên các sàn diễn thời trang châu Âu”. Natalie Guzman, đồng chủ tịch và CMO của Savage x Fenty, cho rằng mạng xã hội đang giúp tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề này, mang lại tiếng nói cho những người đàn ông ngoại cỡ và hy vọng vào một sự thay đổi ở thế giới thời trang xa xỉ.

Với những cái tên tiên phong như Zach Miko hay James Corbin – người mẫu nam ngoại cỡ đã làm mẫu cho Valentino và sải bước trên sàn diễn năm 2021 của Tommy Hilfiger, tương lai mà Ivan nhắc đến có lẽ không còn xa nữa.

MỘT THẾ GIỚI KHÔNG KHUÔN MẪU

Thời trang được hình thành và định nghĩa bằng những khuôn mẫu và phom dáng nhất định, nhưng cũng chính thời trang đã tạo ra những điều mới mẻ, phá vỡ mọi tiêu chuẩn bó buộc.

– “Tuyên ngôn thời trang phái mạnh” – suit có còn giữ vị thế độc tôn khi neo-tailoring thống lĩnh làng mốt?
Nữ tính hoá thời trang nam: Cuộc cách mạng hàng thập kỷ xoá nhoà lằn ranh về giới
Chuẩn mực “khuôn vàng thước ngọc” trong thời trang cao cấp đối với đàn ông ngoại cỡ


From the same category