Chùa Trăm Gian khó phục hồi nguyên trạng - Tạp chí Đẹp

Chùa Trăm Gian khó phục hồi nguyên trạng

Tin Tức

Sau sự cố Chùa Trăm Gian ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị xâm hại nghiêm trọng, chiều 30/8, Sở VHTTDL đã tổ chức họp báo giải trình và trả lời những câu hỏi của các phóng viên xung quanh vấn đề này.

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ trả lời các chất vấn từ phía đại diện các cơ quan truyền thông, giám đốc sở VHTTDL Hà Nội Phạm Quang Long cho rằng: Việc để xảy ra sự việc trên là lỗi một phần ở phía các cơ quan chức năng, trong đó có UBND xã Tiên Phương, UBND huyện Chương Mỹ và Sở VHTTDL Hà Nội. Vì mức độ rất nghiêm trọng của sự việc này, một tiểu ban thanh kiểm tra đã được thành lập để đánh giá mức độ vi phạm của từng đơn vị để từ đó đưa ra những hình thức kỷ luật xứng đáng, thật đúng người, đúng tội.

Trong quá trình hạ giải vì không lưu ý nên bộ cấu kiện nhà Tổ và gác Khánh không hề được chụp lại, không đánh số nên việc phục dựng sẽ vô cùng khó khăn

Chùa Trăm Gian được xây dựng từ khoảng năm 1185. Đây là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, được xếp hạng Di tích quốc gia từ hơn 40 năm qua. Qua tìm hiểu của chúng tôi, Chùa Trăm Gian đã “bị” trùng tu kiểu phá di tích nhiều lần. Tuy nhiên chưa lần nào Chùa Trăm Gian bị làm hỏng nghiêm trọng như lần này. Toàn bộ công trình nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp từ gác chuông lên sân tiền đường đã bị nhà Chùa dỡ bỏ hoàn toàn và đang được xây mới. Nhà Tổ cơ bản đã được lợp mái, gác Khánh đã lắp dựng xong bộ khung gỗ, ngổn ngang gạch, đá, ngói từ trong ra ngoài Chùa. Bất kỳ ai đã từng đến Chùa Trăm Gian trước khi nhà Chùa trùng tu và thấy khung cảnh hiện nay đều không tránh khỏi cảm giác xót xa.

Đau xót trước sự mất mát quá lớn của một di tích lịch sử bao nhiêu, thì chúng tôi lại buồn cười trước sự “ngây thơ” của các chính quyền xã bấy nhiều. Ngay trong cuộc họp báo, những người đại diện cho nhà nước có trách nhiệm bảo vệ di tích trước nhân dân rất mơ hồ về trách nhiệm của mình. Ông phó chủ tịch xã Tống Bá Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương kiêm chức Trưởng ban quản lý di tích Chùa Trăm Gian cho biết: “Trước hôm nhà Chùa hạ giải toàn bộ nhà Tổ và gác Khánh đã có đến báo cáo với chính quyền và đề nghị chính quyền phát trên loa phát thanh của xã để mời bà con đến giúp đỡ nhà Chùa hạ giải. Và chúng tôi đã phát loa thông báo sự việc đến người dân”.

Khi chúng tôi hỏi rằng sư trụ trì có trình ra giấy cấp phép của sở hay huyện về việc cho phép hạ giải và trùng tu không thì ông phó chủ tịch nói rằng: “Có hỏi và sư trụ trì nói rằng đã có giấy phép, tuy nhiên vài ngày nữa sẽ mang lên (!?)”.

Điều đáng ngạc nhiên là cách quản lý di tích Quốc gia của chính quyền địa phương. Không hiểu vì lý do gì mà ở xã Tiên Phương lại xảy ra một quy trình cấp phép tu bổ cho 1 di tích quốc gia vô cùng ngược đời như thế? Nếu đúng quy trình thì Sở VHTTDL HN sẽ gửi công văn yêu cầu trùng tu xuống huyện Chương Mỹ rồi huyện có trách nhiệm đưa xuống xã và từ đó xã mới làm việc với bên Chùa để tiến hành. Ở đây, chúng ta lại thấy nhà sư trụ trì tự mình đi làm cái việc rất ngược là thông báo với cấp chính quyền để rồi làm theo ý mình mà lãnh đạo xã cũng “hồn nhiên” gật đầu đồng ý?! Sau đó, khi được hỏi là sao không báo cáo lên huyện thì chúng tôi lại nhận được câu trả lời “giật mình” rằng: “chúng tôi quên!”.

Liệu ứng xử với một di tích quốc gia có thể nói một câu quên vô trách nhiệm như vậy hay không?

Sở VHTTDL HN đã chính thức mời Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) vào cuộc với mong muốn phục dựng lại nguyên trạng di tích. Nhưng trao đổi với tôi, KTS Lê Thành Vinh-Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho rằng: “Với những gì còn lại, việc phục dựng là có thể thực hiện được, nhưng nguyên trạng như cũ là điều không bao giờ làm được. Ví như cái nhà anh đã kéo đổ, anh có làm khéo đến mấy cũng không thể như xưa. Huống hồ đây là di tích lịch sử với kèo, cột, xà…đủ thứ. Mà trong quá trình hạ giải vì không lưu ý nên bộ cấu kiện nhà Tổ và gác Khánh không hề được chụp lại, không đánh số nên việc đó vô cùng khó khăn”. Tuy nhiên ông Vinh cũng lạc quan chia sẻ: “Nhưng tôi tin là với nỗ lực và kinh nghiệm của bên Viện Bảo tồn di tích thì sẽ làm được.”

Những sai phạm trong quản lý sẽ được Hà Nội chấn chỉnh, nhưng di tích bị phá hủy thì không thể phục hồi nguyên trạng. Hy vọng, đây sẽ là bài học cho nhiều địa phương trong công tác bảo tồn, quản lý di tích, dù đó là bài học đắt giá!

Theo Tổ Quốc

Thực hiện: depweb

31/08/2012, 10:52