Chữa lành hôn nhân - Tạp chí Đẹp

Chữa lành hôn nhân

Sống

Sửa chữa là việc của đàn bà?


Có bao nhiêu người đàn ông như Bredan trong phim “Touch” (Chạm) xắn tay áo lên sửa chữa một cuộc hôn nhân đang hỏng hóc? Liệu đó có phải bệnh nghề nghiệp của một anh chàng thợ máy? Sự thật đáng buồn là lâu nay tôi thấy, sữa chữa xem ra lại là việc dành cho đàn bà. Bắt đầu từ những đồ dùng trong nhà, khi có gì trục trặc, chồng bạn sẽ nói: “Thôi, bỏ đi!”. Và bạn – người giữ tay hòm chìa khóa – không khỏi cảm thấy tiếc rẻ sẽ loay hoay tự tìm cách sửa. Trong lúc chồng đi vắng, đường ống nước rò rỉ, cái bóng đèn bị cháy… cũng khiến bạn bất đắc dĩ phải “ra tay”, tôi biết có rất nhiều phụ nữ trở nên “chuyên nghiệp” theo cách ấy.

Người ta hay phàn nàn rằng bây giờ quá khó để tìm thấy mẫu phụ nữ thành thục nữ công gia chánh, đặc biệt là thêu thùa khâu vá với những đường kim mũi chỉ đều tăm tắp. Còn tôi thì cũng lâu rồi không bắt gặp hình ảnh những người đàn ông tự sửa xe, tự sửa máy bơm, quạt điện, những người đàn ông tự đóng bàn, ghế… cho dù kết quả có khi thành “lợn lành thành lợn què” hay có anh tháo lanh tanh bành thiết bị ra rồi lắp lại thấy thừa ra vài con ốc vít mà cứ bần thần cả người không biết chúng từ đâu ra. Hầu hết “trụ cột gia đình” ngày nay tận dụng tối đa các dịch vụ sửa chữa luôn sẵn sàng. Họ dùng tới lý thuyết “chuyên môn hóa” cũng với lý lẽ cho rằng đàn ông chỉ làm những việc trọng đại còn ba việc lẻ tẻ xung quanh nhà cửa, bếp núc là của đàn bà. Không ít người đàn ông sống như người thất nghiệp trong gia đình vì cả đời không có công to việc lớn gì để làm.

Cũng vậy, trong đời sống tình cảm, đàn ông không hài lòng với vợ lại đi tìm sự hài lòng ở nơi khác. Họ thường than phiền hay bất mãn về người bạn đời của mình mà không tìm hiểu nguyên nhân thực sự để tìm cách khắc phục. Trên các mặt báo hay các diễn đàn người ta chỉ thấy phụ nữ trăn trở, cùng chia sẻ cách làm thế nào để chi tiêu tiết kiệm, làm thế nào để trở thành mẹ hổ, mẹ voi, làm thế nào để cứu vãn một cuộc hôn nhân đứng trên bờ vực tan vỡ… Trong khi đó đàn ông luôn miệng bận rộn kiếm tiền song có khi chẳng mang được đồng nào về cho vợ con dẫn đến bản thân tự cảm thấy chán nản rồi lại tìm cách “giải sầu” bằng cờ bạc, rượu chè, gái gú. Đây không hẳn do bản tính vô tâm, vô trách nhiệm mà còn do lòng tự tôn thái quá của đàn ông. Thừa nhận một mối quan hệ hỏng hóc với nhiều người đàn ông là thừa nhận sự thất bại. Điển hình nhất là có không ít trường hợp vợ chồng hiếm muộn tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc chạy chữa mãi mà vẫn không đạt kết quả chỉ vì người chồng không chịu khám, chữa mà cứ một mực quy kết do vợ… không biết đẻ.

“Kỹ thuật” hạnh phúc


Như những công việc sửa chữa khác, sửa chữa một mối quan hệ cần có “kỹ thuật”. Cho mọi đôi lứa, kỹ thuật hạnh phúc gói gọn trong một câu: “Yêu thương là nền tảng, chia sẻ là nguyên tắc”. Rất khó và gần như không thể hàn gắn một mối quan hệ mà ở đó hai người đã không còn tình cảm dành cho nhau nữa. Một số mối quan hệ giống như thứ sản phẩm lỗi do ngay từ đầu họ đã đến với nhau vì điều gì đó ngoài tình yêu. Nhất định cần có tình cảm chân thành để duy trì một mối quan hệ. Có thế nó bị bỏ quên, có thể nó đang bị những lo toan, những hờn giận nhất thời lấn át, nhưng điều quan trọng là nó đã từng tồn tại và vẫn hiện hữu trong mỗi người.

Sự chia sẻ ở đây được hiểu là tăng cường giao tiếp không chỉ bằng lời nói mà cả tâm hồn, chia sẻ còn có nghĩa là không đặt gánh nặng lên vai một ai mà cùng nhau tìm cách sửa chữa, cùng nhau vun đắp. Hiểu biết lẫn nhau và hiểu sự khác biệt của mỗi người là rất quan trọng để đạt được sự cân bằng, hòa hợp. Trước hết, cả hai phải cùng nhìn thẳng vào sự việc để tìm ra vấn đề cốt lõi gây va chạm hoặc đang tạo khoảng cách. Điều này rất quan trọng vì thông thường, mâu thuẫn của các cặp vợ chồng phản ánh những vấn đề sâu sắc hơn nhiều so với biểu hiện mà họ không nhận thấy hoặc cố tình tránh né. Hôn nhân là một trải nghiệm với cả hai, vì thế hãy học cách tha thứ, bao dung để cùng nhau hoàn thiện mình thay vì luôn cho mình đúng và đòi hỏi người kia phải hoàn hảo.

Kết tội hay đổ lỗi chỉ làm khoảng cách thêm lớn, hãy lắng nghe mà không phán xét, tập trung vào đúng vấn đề, đừng suy diễn chuyện nọ xọ chuyện kia. Khi phát hiện ra mâu thuẫn hãy giải quyết ngay, đừng để xảy ra chiến tranh lạnh khiến đám mây đen ấm ức, ngờ vực kéo dài. Cuối cùng, hãy dành thời gian mỗi ngày để nói lời yêu thương. Khi bạn luôn tràn đầy yêu thương, mọi việc đều trở nên dễ dàng hơn. Người ta thường nói: Hãy cầu nguyện một lần trước khi ra trận, hãy cầu nguyện hai lần trước khi lập gia đình song phải cầu nguyện thường xuyên sau khi lập gia đình. Bạn có thể cầu nguyện, cũng có thể không, song thái độ cẩn trọng và luôn tâm niệm về hạnh phúc sẽ giúp bảo vệ cuộc hôn nhân của bạn khỏi những rạn nứt và thương tổn.

Khi cuộc hôn nhân của bạn đang hỏng hóc, hãy bình tĩnh, và tìm cách chữa lành. Hãy nhớ về những khi viên mãn nhất, hãy nghĩ về những điều người ấy đã làm cho ta rồi tự hỏi liệu ta đã cố gắng hết sức chưa? Nên nhớ rằng bao giờ cũng vậy, phá bỏ rất dễ, rất nhanh, xây lên mới lâu, mới khó. Và những cái cây bị thương tổn khi được hồi sinh sẽ mạnh mẽ, tươi xanh hơn trước rất nhiều.

Để kết thúc, tôi muốn chia sẻ một câu chuyện khá dễ thương và ý nghĩa nhẹ nhàng như này:

Phóng viên hỏi một cặp vợ chồng già:

– Sao ông bà có thể chung sống với nhau 85 năm hay vậy?

Bà cụ móm mém cười hiền hậu, trả lời:

– Chúng tôi được sinh ra trong cái thời mà nếu cái gì đó có bị hư thì chúng tôi sẽ sửa nó chứ không vứt nó đi… Nên hạnh phúc của chúng tôi vẫn luôn giữ mãi được cho đến tận bây giờ.

Chúc cho những tổn thương sẽ được chữa lành.

Xíu Mộc (theo Sành điệu)

Thực hiện: depweb

07/03/2013, 16:05