Vẫn nỗi lo thanh khoản
Thời điểm cuối năm, tình trạng NH vượt rào lãi suất ngày càng nhiều thông qua nhiều hình thức như khuyến mãi, tiết kiệm dự thưởng, hợp thức hóa khoản gửi ngắn hạn thành dài hạn, tiết kiệm linh hoạt… lại đang nóng lên và gây áp lực không nhỏ tới nỗ lực giảm khó cho các doanh nghiệp trong nước. Lãnh đạo 1 ngân hàng cũng thừa nhận tình trạng này, và cho biết, không chỉ các ngân hàng nhỏ, một số ngân hàng lớn thuộc nhóm 1 cũng đã vào cuộc đua lãi suất.
Trao đổi tại 1 buổi tọa đàm gần đây, nhiều DN cho biết vẫn phải vay vốn ngân hàng hàng ở mức rất cao, có khi lên tới 20%. Nguyên nhân được phân tích là do lãi suất cho vay đang bị đẩy và 1 số ngân hàng đang xé rào lãi suất tiên gửi, giống như những gì đã diễn ra trong năm 2011.
Mặt bằng chung lãi suất được các nhân viên ngân hàng tư vấn cho khách hàng nếu tính đầy đủ phổ biến ở mức 11-12%/năm với các khoản gửi vài trăm triệu trở lên. Thậm chí, giám đốc 1 doanh nghiệp cho biết, lãi suất tiền gửi có thể lên tới 15%/năm.
Ông Trần Hoàng Ngân – thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia – cũng cho biết, tình trạng huy động lãi suất vượt trần đang lặp lại mà nguyên nhân sâu xa là nợ xấu chưa được giải quyết dứt điểm.
Tình trạng thị trường vàng sốt với giá tăng vọt, cao hơn giá thế giới quy đổi trên 3 triệu đồng/lượng hồi đầu tháng 10 vừa qua có lẽ cũng có mối liên quan chặt chẽ với việc ngân hàng ráo riết huy động vốn để chi trả cho các khoản huy động trước đó hoặc mua vàng trả lại cho khách hàng.
Hiện tượng vượt rào lãi suất huy động, đặc biệt tại các ngân hàng nhỏ, cho thấy 1 sự thật về thanh khoản tại các tổ chức này. Theo đó, lượng dư tiền không dồi dào như nhiều người nghĩ nếu chỉ đánh giá dựa trên mức chênh khá lớn giữa mức tăng trưởng huy động cao và tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp trong thời gian vừa qua. Nó cũng cho thấy, với đầu vào cao như vậy, lãi suất đầu ra cho các doanh nghiệp khó có thể ở mức thấp.
Xử lý nợ xấu, tiến triển chậm
Trao đổi mới đây, ong Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng – rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam chưa được giải quyết, chưa có tiến triển đáng kể nào.
Trên thực tế, mặc dù tín dụng tăng chậm và các doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng nhưng các tổ chức tín dụng vẫn gia sức tăng cường huy động vốn. Tính tới 20/9, tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,35% so với thời điểm 31/12/2011. Trong khi đó, tổng dư tiền gửi ở các tổ chức này tăng 11,23%.
Cuộc đua lãi suất nổi lên gần đây có vẻ như đang mâu thuẫn với sự mất cân đối giữa huy động vốn và cho vay của hệ thống ngân hàng trong 9 tháng qua. Và để giải thích cho hiện tượng này, không ít các chuyên gia đang nhắc tới khả năng thanh khoản đang kém đi do ngân hàng khó thu hồi các khoản nợ xấu cũ.
Tại diễn đàn Quốc hồi hồi tháng 3/2012, lần đầu tiên Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể trên 10%, cao hơn nhiều so với số liệu trung bình được NHNN tổng hợp từ báo cáo của các ngân hàng là 3,6%. Thanh tra NHNN, con số nợ xấu toàn ngành tính tới 31/3/2012 là 202.000 tỷ đồng, tương đương 8,6%.
Diễn biến thực tế cho thấy, nợ xấu toàn hệ thống sẽ tăng lên do kinh tế còn khó khăn, DN chưa thể trả nợ NH. Tốc độ gia tăng nợ xấu trong 6 tháng đầu năm là quá nhanh. Thống kê của NHNN cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trung bình của khu vực ngân hàng hồi tháng 12/2010 là 2,16%; tháng 5/2011 là 2,37%; tháng 9/2011 là 3,31%; tháng 3/2012 là 3,6%; tháng 4/2012 là 4,14% và tháng 5/2012 là 10%.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cũng e ngại nợ xấu thực của ngành có thể vọt lên trên 10% và đây là mức mà Nhà nước không có đủ nguồn lực để xử lý.
Theo ông Tự Anh, để giải quyết vấn đề nợ xấu thì việc đầu tiên phải đo lường được chính xác mức độ nợ xấu. Trong khi đó, về vấn đề này, Thanh tra NHNN cũng thừa nhận có tình trạng nhiều NH che giấu nợ xấu và khó có thể thanh tra đồng loạt với cả trăm tổ chức tín dụng như vậy được.
Một điều đáng quan tâm là nợ xấu lại nằm ở khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nhiều. Theo tính toán của Fulbright, tỷ lệ nợ xấu của khối này có thể chiếm 70%. Vấn đề nằm ở chỗ, nợ của các DNNN nhiều khi là tín dụng chỉ định, không có tài sản thế giới. Do vậy, không dễ để giải quyết 1 vấn đề như vậy.
Ông Anh tính toán: “giả sử nợ xấu chiếm 10% dư nợ tín dụng, con số nợ xấu sẽ vào khoảng 14 tỷ USD. Đây là 1 con số lớn so với nền kinh tế Việt Nam khi mà GDP chỉ đạt khoảng 100 tỷ USD. Và các ngân hàng khó có thể tự xử lý bởi không đủ nguồn lực, trong khi trích lập dự phòng thấp. Nếu dùng Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) để giải quyết thì có lẽ cũng khó bởi tổ chức này chỉ có quy mô 3.000 tỷ đồng.
Việc hình thành 1 công ty mua bán nợ khác, quy mô lớn hơn (đề xuất 100.000 tỷ đồng) lại đang vướng mắc ở chỗ: nguồn vốn lấy từ đâu và cơ chế mua bán nợ như thế nào. Bên cạnh đó, rào cản lớn nhất đối với giải pháp này có lẽ là sự thật về những thất thoát tại các DNNN sẽ được xử lý thế nào?. “
Rõ ràng, việc tái cấu trúc hệ thống NH dù đã đạt được một số kết quả bước đầy nhưng sẽ khó có những bước tiến mới để tạo ra sự thay đổi thật sự cho nành ngân hàng khi nợ xấu vẫn còn đó và chưa thể dứt điểm một sớm một chiều.
Theo Vietnamnet