Là sinh viên Đại học Ngoại thương. Là bạn của Kỳ Duyên, và đăng quang trong đêm Chung kết HHVN 2016; cát-sê của ca sĩ hát cao gấp nhiều lần phần thưởng của tân hoa hậu, nhưng Đỗ Mỹ Linh – tân hoa hậu Việt Nam 2016 bị ném đá – không vì tất cả các nguyên nhân liệt kê ở trên – cô bị ném đá chỉ vì chưa đủ đẹp – như cư dân mạng muốn.
“Hoa hậu” theo từ điển Tiếng Việt là “danh hiệu tặng cho người đẹp nhất, trong kỳ thi chọn người đẹp”, nhưng theo nguyện vọng của ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam năm nay, “hoa hậu vừa có vẻ đẹp hình thức, lại có vẻ đẹp tâm hồn và tấm lòng nhân ái”. Có lẽ, vì mong muốn của ban tổ chức quá lớn – hơn cả ngữ nghĩa của khái niệm mà nó sở hữu – nên hoa hậu bao giờ cũng là cái tên khó đoán nhất, trong tất cả các mùa giải nhan sắc. Bởi khán giả xem hoa hậu bằng mắt (với tiêu chí đẹp/không đẹp), trong khi ban giám khảo lựa chọn bằng “tấm lòng” và vô vàn “tiêu chí” không đong được bằng… mắt. Nên, thị hiếu khán giả bao giờ cũng “chênh, phô” với kết luận của Ban tổ chức.
Một năm có vài cuộc thi hoa khôi, hoa hậu, nhưng Hoa hậu Việt Nam bao giờ cũng là cuộc thi nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng vì nhân danh đại diện nhan sắc Việt.
Tân hoa hậu năm nay đăng quang trong muôn vàn mối lo: Không được hút thuốc, không được ngủ thiếu duyên trên máy bay, không được đi sự kiện trễ và đặc biệt không được… sửa răng. Bởi trước cô có đến hai thí sinh bị loại vì được xác định là sửa răng. Dẫu vậy, chỉ sau tích tắc khi tân hoa hậu cầm quyền trượng trên tay, cư dân mạng “nghìn tay nghìn mắt” đã “bóc” rằng: Mỹ Linh từng bị hô (vổ), và đã…niềng răng. Niềng răng, với ban tổ chức hình như không có lỗi. Chưa kể, chỉ là thông tin xác định được qua những comment trên thế giới ảo. Có thể cô “thoát án” kỳ này. Nhưng cô vẫn bị ném đá – vì cô chưa đủ đẹp.
Cái đẹp của cư dân mạng muốn – là vẻ đẹp cá tính hoặc là thánh thiện. Bởi người ta vẫn nói “đẹp như hoa hậu” cơ mà. Nhưng Mỹ Linh đăng quang, người người xem ti vi ngay lập tức thốt lên: “chả đẹp gì cả” vì họ phát hiện ra mắt tân hoa hậu bị lệch (có thể do mắc lỗi trang điểm). Nhưng công chúng đâu cần giải thích, vì với họ, một danh hiệu khiến cả nước phải xưng tụng trước mỗi cái tên lại không làm đẹp lòng chính họ?
Giống như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam Toàn cầu mới chung kết tháng trước, người ta vốn chẳng kỳ vọng gì nhiều. Bởi đó là một cuộc thi – ai cũng hiểu là do một công ty đứng ra tổ chức, lại lần đầu tiên. Nhưng khi cô hoa hậu Trần Thị Thu Ngân đăng quang, thì khán giả trầm trồ nức nở. Không những thế, Ngân còn giỏi và học ở trời “Tây”.
“Tây” và “giỏi” không là tiêu chí của hoa hậu, nhưng khi cô đẹp, mọi thứ xung quanh cô sẽ trở nên lấp lánh và những người xung quanh cô sẽ trầm trồ. Còn nếu cô không đẹp, lòng nhân ái, sự giỏi giang và tài năng của cô nếu có, cũng dễ khiến người ta lãng quên. Người ta chỉ còn nhớ duy nhất về nụ cười không dám phô diễn hết vì răng cô hô, hoặc một đôi mắt chưa đẹp chuẩn trong đêm chung kết. Tân hoa hậu, có lẽ cô đừng buồn nhiều, vì người ta đang xem hoa hậu, không phải xem một cô Mỹ Linh bất kỳ nào. Công chúng ấy – họ chẳng có quyền tước vương miện, không có quyền cấm cô đi đến một đêm chung kết nào đó, nhưng họ có quyền “ném đá” vào thế giới rộng lớn ngoài kia và gắn tên cô vào. Cô cần nhớ, từ khi đội lên đầu chiếc vương miện và tay cầm quyền trượng, cô bắt đầu ăn “lương” của công chúng – họ trả lương cho cô thì họ được “yêu cầu”. Nên cô chưa đủ đẹp như họ muốn không phải lỗi ở cô, chỉ là chưa thỏa mãn được “yêu cầu” của họ.
Cô biết đấy, người không đủ đẹp thì không nên làm hoa hậu, vì danh xưng cũng chỉ cứu được một đôi phần. Vài hoa hậu ở ta đăng quang trước cô – chưa đủ đẹp – và họ chật vật vượt qua bão giông dư luận thế nào, cô biết rồi đó. Nên hãy chọn một cách sống vừa vặn với nhan sắc của mình và chuẩn bị hành trang đủ để đi qua miệng lưỡi thế gian – nếu cô mưu cầu sự bình yên.
Chúc cô may mắn để giành quyền trao vương miện trên đầu cho cô gái khác ở mùa giải tiếp theo. Mất đi quyền này, có lẽ là một điều đáng sợ nhất – chứ không phải việc bị tước vương miện, cô gái ạ.
Bài: K.Y.M
Ảnh: Ban tổ chức, FB