Theo phản ánh của nhiều độc giả gửi tới báo Dân trí, khoảng vài tuần gần đây, máy ATM của nhiều ngân hàng tại Hà Nội liên tục hết tiền và báo lỗi kỹ thuật. Chị Thu Hồng, nhân viên văn phòng tại ngõ 30 Tạ Quang Bửu (Hà Nội) bức xúc nói: “Đi rút tiền tại các cây ATM thời gian này thật sự phiền phức. Chưa nói đến các cây ATM lẻ dọc đường mà nhiều cây ATM trước phòng giao dịch ngân hàng cũng “trống không”. Ngân hàng báo do máy gặp lỗi kỹ thuật nhưng chúng tôi đều biết là do máy hết tiền”.
Anh Trần Hưng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ: “Khoảng gần tháng nay tôi không thể rút tiền từ máy ATM nội mạng được. Cơ quan tôi trả lương qua ngân hàng V, nhưng tôi toàn phải chạy ra các cây ATM ngân hàng khác để rút tiền. Một lệnh rút tiền ATM ngoại mạng chỉ được 2 triệu nhưng phí rút tiền đã mất 3.300 đồng”.
Trước thực tế nhiều máy ATM hết tiền vào thời điểm người người, nhà nhà cần tiền để sắm Tết, chị Thu Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Cả tháng nay tôi phải dự trữ tiền mặt ở trong nhà. Không thể tin ATM ngân hàng sẽ thông suốt vào thời điểm này được”…
Để hạn chế tình trạng này, ngày 30/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành công văn yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trang bị ATM khẩn trương kiểm tra, rà soát lại mạng lưới ATM của mình. Đồng thời, bố trí cán bộ thường xuyên trực theo dõi hoạt động của hệ thống ATM để kịp thời thực hiện công tác tiếp quỹ, giải quyết các sự cố, khiếu nại, thắc mắc của khách hàng, đảm bảo hệ thống ATM hoạt động thông suốt, an toàn, ổn định, trước mắt là trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Tỵ cũng như sau ngày 1/3 khi quy định về thu phí ATM chính thức có hiệu lực.
Hiện nay, cả hệ thống có khoảng hơn 50 triệu thẻ và có khoảng 14.500 ATM đang hoạt động; do vậy, chỉ cần khoảng 20% chủ thẻ cùng đi rút tiền nếu rút tiền vào giờ cao điểm (tùy thuộc vào từng vị trí đặt ATM) thì ATM nào cũng có khả năng gặp sự cố hoặc quá tải.
Theo phản ánh từ TienphongBank, ngân hàng này đã thực hiện giám sát quỹ ATM bằng tin nhắn SMS và email nhắc nhở tiếp quỹ theo các định mức quỹ còn lại trong ATM, đảm bảo hệ thống ATM trong toàn hệ thống hoạt động an toàn, liên tục và mọi sự cố được khắc phục kịp thời.
Tại Maritime Bank, toàn bộ hệ thống ATM của Maritime Bank được phân loại và áp dụng chế độ tiếp quỹ phù hợp, được tiếp quỹ ngay mỗi khi lượng tiền tại ATM đó chạm ngưỡng hạn mức tối thiểu cho phép. Hiện tại, Maritime Bank đã có kế hoạch bố trí trực giám sát và luôn sẵn sàng tiếp quỹ cho ATM khi có nhu cầu. Đối với các ATM phục vụ công tác trả lương, ngân hàng phối hợp với các doanh nghiệp xác định quỹ lương thưởng và ngày chi trả để làm căn cứ chuẩn bị lượng tiền cũng như tần suất tiếp quỹ phù hợp đáp ứng nhu cầu rút tiền có thể tăng đột biến trong thời gian này…
Để không rơi vào tình huống “chạy đến cây ATM nào, cây ATM đó hết tiền”, đại diện Trung tâm thẻ Techcombank gợi ý: Vào dịp cận Tết Nguyên đán, khách hàng nên chọn thời điểm rút tiền và thực hiện các giao dịch trên ATM cho phù hợp, tránh giờ cao điểm, hạn chế rút tiền vào thời gian khoảng từ 17h – 19h hàng ngày nếu chưa quá gấp rút. Nếu quá trình rút tiền ATM nào trục trặc khách hàng có thể chuyển sang giao dịch tại ATM khác gần nhất vì hệ thống ATM bây giờ đã có sự liên kết khá rộng.
Bên cạnh đó, thời điểm ngày 26 – 28 Tết (âm lịch, tháng thiếu) sẽ là điểm “cực nóng” của ATM, nếu rút tiền vào ngày này thì khả năng giao dịch với máy ATM sẽ gặp trục trặc cao hơn. Kinh nghiệm những năm trước đây cho thấy, đây là thời điểm mà số lượng người đi rút tiền tại ATM tăng đột biến khiến cho hệ thống ATM năm nào cũng bị quá tải, tuy nhiên từ ngày 29 hay 30 tết trở đi giao dịch sẽ ít dần và hệ thống hoàn toàn đảm bảo phục vụ khác hàng tốt nhất.