Cô bé 7 tuổi suốt 2 năm trời chiến đấu với bệnh ung thư
Emily Whitehead mới 7 tuổi. Em sở hữu đôi mắt to trong sáng và nụ cười răng “sún” hồn nhiên hết cỡ khiến ai nhìn thấy cũng phải yêu mến. Nhưng Emily không có tóc và cũng ít cả lông mi, lông mày. Trên cơ thể bé nhỏ của em chi chít những vết bầm tím. Em rất gầy gò vì ăn kém mà lại thường xuyên bị nôn. Em hay cáu kỉnh mỗi lúc quá mệt mỏi và thường khóc nhè khi những khớp xương “dở chứng” hành em đau đớn. Emily mắc bệnh ung thư máu đã gần 2 năm nay.
Emily được chẩn đoán mắc căn bệnh hiểm nghèo khi mới vừa bước qua sinh nhật 5 tuổi được vài ngày. Trước đó, em là một cô bé con tinh nghịch và cực kỳ khỏe mạnh. Mọi chuyện bắt đầu khi mẹ của Emily, Kari, đưa em đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tất cả các dấu hiệu bên ngoài đều cho thấy thể chất của Emily phát triển bình thường. Thậm chí dù mới 5 tuổi, em đã cao lớn như đứa trẻ lên 7. Bác sĩ nhận thấy hạch ở cổ em hơi sưng, tuy nhiên, đó có thể là do Emily hay bị sốt nhẹ kèm viêm họng và viêm xoang mấy tháng nay do thay đổi thời tiết. Bố mẹ em cũng gặp phải tình trạng tương tự, thành ra cả nhà chẳng mấy bận tâm, lo lắng. Emily có vài vết bầm tím ở đầu gối nhưng Kari khẳng định đó là chuyện bình thường, bởi vì con gái nhỏ của cô rất hiếu động. Vậy nhìn chung là tình hình sức khỏe của bé không có gì đáng lo ngại.
Vài ngày sau, trong khi tắm cho Emily, mẹ Kari đếm được trên người em có tổng cộng 21 vết bầm tím lớn nhỏ. “Chắc con đã nghịch ngợm ghê lắm hả?”, Kari lo lắng hỏi. Kari nhanh chóng tự trấn an mình, bởi trước giờ chồng cô, Tom, vẫn thường hay trêu chọc vợ là mắc “bệnh” lo lắng thái quá. Tuy nhiên, chỉ ngay ngày tiếp theo, sau khi chơi đùa với đám bạn, Emily trở về nhà với 1 vết tím đen to khủng khiếp nơi đầu gối. Có gì đó như là một dấu hiệu. Kari nhớ hồi trẻ mình từng đọc được cuốn sách kể về cô gái mắc bệnh bạch cầu mà biểu hiện đầu tiên chính là rất dễ bầm tím. Rồi cô lại nhớ ra mấy tuần trước, Emily bị chảy máu lợi trong lúc đánh răng. Vài lần khác, Kari thấy chút máu khô dính dưới mũi Emily và cô đoán chắc tại con bé… ngoáy mũi quá mạnh tay đây mà. Giờ thì từng chi tiết nhỏ xíu đó bỗng nhiên hiện ra thật rõ ràng giống như các mảnh ghép của 1 bức tranh vô cùng khủng khiếp đang dần hé lộ.
Cả ngày ở cơ quan, Kari chẳng còn tâm trí đâu mà làm việc. Những suy nghĩ u ám cứ trở đi trở lại trong đầu óc cô. Kari vào mạng tìm kiếm thông tin. Nổi hạch ở cổ, xuất hiện các vết bầm tím dưới da và chảy máu mũi, miệng bất thường, tất cả đều là triệu chứng của căn bệnh máu trắng. Cô quyết định cho Emily đến bệnh viện. Có thể người ta sẽ nghĩ cô điên khi cuống lên đưa con đi khám bệnh chỉ vì mấy vết bầm. Nhưng linh cảm của người mẹ cho Kari biết rằng rõ ràng có chuyện gì đó không ổn. Khi kết quả được xác định, cô thấy rụng rời cả chân tay vì con mình đã mắc bệnh Bạch cầu Nguyên bào Cấp tính, một dạng ung thư máu thường gặp ở trẻ em.
Kari có cảm giác mọi chuyện tiếp theo diễn ra giống như một cơn ác mộng, tất cả sụp xuống quá nhanh chóng mà lại phi lý đến mức khó tin. Emily không hiểu bệnh ung thư máu là gì. Em chỉ biết mình đang bị ốm và phải ở lại bệnh viện để các bác sĩ có thể chữa trị cho em. Trái với tính tò mò, hiếu động cố hữu, lần này Emily không thắc mắc gì nhiều. Em ngoan ngoãn nằm yên một chỗ và làm theo mọi yêu cầu của người lớn như thể lờ mờ đoán được cuộc chiến đấu cam go mà mình sắp sửa phải bước vào.
Quả nhiên sau đó không lâu, Emily bắt đầu trải qua những cơn đau nhức kinh hoàng trong xương và đặc biệt là nơi khớp gối. Nỗi đau quá sức chịu đựng của một đứa trẻ khiến em khóc thét lên. Mỗi lần chứng kiến tình cảnh ấy, Kari và Tom lại thấy tim gan mình như bị xé ra từng mảnh. Emily không thể ăn, cũng không thể ngủ. Người ta đành phải cho em dùng morphine để xoa dịu phần nào cảm giác khủng khiếp đó. Lúc này, cô bé mới nuốt được chút thức ăn nhưng rồi lại nhanh chóng nôn ra sạch sành sanh. Đợt điều trị bằng hóa chất kéo dài khiến em vô cùng mệt mỏi. Từ một đứa trẻ tươi tắn như ánh nắng ban mai, Emily dần trở nên cáu kỉnh và ương bướng. Em ghét cay ghét đắng mỗi lần cô y tá đến để gắn kim truyền vào người mình và thường lăn ra khóc lóc “ăn vạ” rất lâu sau đó. Có lẽ bởi nỗi bất lực và yếu đuối còn làm Emily sợ hãi hơn cái nhói đau khi mũi kim nhọn hoắt xuyên qua làn da non nớt và tái xanh của mình.
Ban đầu, các phác đồ điều trị có vẻ đem lại hiệu quả rõ rệt. Bệnh tình của Emily dần thuyên giảm. Cô bé vẫn phải uống thuốc và trải qua những đợt hóa trị nhắc lại thêm một thời gian dài nữa mới đủ để kết luận đã khỏi bệnh hẳn hay chưa. Em đã có thể về nhà, chơi đùa, sưởi nắng trong sân, cắm trại vào mỗi cuối tuần và thỉnh thoảng đi du lịch ngắn ngày cùng bố mẹ. Điều tuyệt vời nhất là Emily được đi học. Năm ấy, em bắt đầu vào lớp 1. Emily đã mơ mộng về việc ngồi xe bus đến trường từ rất lâu trước đó. Giờ đây em biết sự thật còn tuyệt vời hơn trong trí tưởng tượng rất nhiều. Emily “mê mẩn” mọi thứ về trường lớp. Em rất yêu thầy cô cùng các bạn và háo hức được đi học mỗi ngày. Nhưng tháng 10/2011, kết quả kiểm tra cho thấy căn bệnh Bạch cầu Nguyên bào Cấp tính của Emily đã quay trở lại.
Chuyện đó là cú sốc với gia đình Whitehead, mặc dù họ đã được các bác sĩ cảnh báo về khả năng này từ trước. Có những lúc cuộc sống tưởng chừng đã gần như về với quỹ đạo bình thường, ấy thế mà đùng một cái, mọi hi vọng đều sụp đổ. Hành trình đấu tranh với căn bệnh hiểm nghèo vẫn chưa thể kết thúc và lần này có lẽ sẽ còn khó khăn, gian khổ hơn trước rất nhiều. Emily phải trải qua một đợt điều trị hóa chất vô cùng khắc nghiệt. Lại thêm những chuỗi ngày mệt mỏi đến kiệt quệ đan xen với nước mắt, nỗi đau đớn và sự sợ hãi tột cùng. Emily vẫn cố gắng đến trường bất cứ khi nào có thể. Tháng 2/2012, ngay trước ca phẫu thuật ghép tủy của em chỉ 2 tuần, các bác sĩ phát hiện ra căn bệnh lại tái phát.
Bệnh nhi đầu tiên được chữa khỏi ung thư nhờ virus HIV
Thấm thoắt mà Emily đã chiến đấu với bệnh tật được gần 2 năm. Bệnh ung thư cướp đi tuổi thơ của Emily. Em không được thoải mái chơi đùa, vô tư nghịch ngợm, đến trường đầy đủ và đi đây đó khám phá thế giới như những cô bé con cùng trang lứa. Em lớn lên giữa 4 bức tường trắng, trước màn hình vô tuyến, với đủ loại dây dợ, kim tiêm, ống chuyền và dụng cụ y tế xung quanh. Em uống thuốc nhiều hơn ăn kẹo và trò chuyện với các cô y tá thường xuyên hơn với các bạn học của mình. Nhưng tất cả những điều đó không làm Emily gục ngã. Em thậm chí ngày càng ra dáng một “nữ chiến binh” dũng cảm hơn. Em không bao giờ phàn nàn và đã ít khóc nhè so với lúc trước. Emily cũng rất sáng tạo và hài hước. Em thường xuyên “phát minh” ra những trò chơi thú vị ngay trong phòng bệnh. Chính cô bé con mới 7 tuổi đầu đã mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo này lại luôn truyền đến cho người xung quanh niềm hứng khởi và tin yêu tuyệt đối vào cuộc đời.
Cô bé Emily Whitehead đã chiến đấu với căn bệnh ung thư suốt 2 năm trời ròng rã
Lần tái phát thứ 2, tình trạng của Emily xấu đi rất nhiều. Những phương thuốc chữa trị truyền thống xem ra đều đã trở thành vô ích. Emily cũng không đủ sức khỏe để có thể trải qua cuộc phẫu thuật ghép tủy nữa. Tom và Kari bắt đầu nghĩ đến việc tìm kiếm biện pháp nào đó mới mẻ, đột phá hơn. Các bác sĩ của Emily quyết định sẽ thử truyền thêm hóa chất liều cao lần cuối cùng. Tuy nhiên, đợt hóa trị này cũng hoàn toàn thất bại. Người ta khuyên cha mẹ Emily nên đưa em đến khoa ung bướu bệnh viện nhi Philadelphia, nơi các nhà khoa học đang tiến hành thử nghiệm một phương pháp điều trị đặc biệt.
Đây thực sự là quyết định vô cùng khó khăn với Tom và Kari. Họ như những kẻ nghiệp dư bị đẩy vào canh bạc của số phận và phải đánh cược bằng chính mạng sống của con gái mình. Mặc dù phương pháp mới này đã được thử nghiệm thành công trên vài người trưởng thành nhưng rõ ràng nó vẫn ẩn chứa quá nhiều rủi ro. Dù thế nào Emily vẫn chỉ là đứa trẻ. Sẽ ra sao nếu cơ thể non nớt không đủ sức vượt qua quá trình điều trị khắc nghiệt. Và rồi còn những ảnh hưởng lâu dài chưa thể lường trước được về sau. Nhưng họ không còn nhiều thời gian để mà đắn đo nữa. Chỉ sau 48 giờ nữa, Emily sẽ bắt đầu bị suy tạng và sau đó rất có thể là tình huống xấu nhất mà không ai muốn nghĩ đến. Đây là cơ hội cuối cùng của cô bé.
Cha mẹ Emily đứng trước quyết định khó khăn có nên để cô bé tham gia vào thử nghiệm phương pháp chữa bệnh mới
Vậy là Emily trở thành bệnh nhi đầu tiên tham gia vào thử nghiệm lâm sàng có tên gọi là CTL019. Bạch huyết bào T được biết đến như là những “chiến binh” tinh nhuệ nhất của hệ miễn dịch để chống lại các bệnh tật tấn công vào cơ thể con người. Hàng triệu tế bào T được các bác sĩ lấy ra từ máu của Emily. Sau đó, họ “lập trình” lại những tế bào đó trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng virus HIV đã bị triệt tiêu hết tác nhân lây nhiễm. Loại virus HIV này chỉ là những cái vỏ, không còn khả năng gây bệnh nhưng vẫn có khả năng xâm nhập vào các tế bào bạch cầu một cách dễ dàng. Chúng chở theo 1 đoạn protein nhằm tái cấu trúc bạch huyết bào T, để các tế bào chiến binh này có thể nhanh chóng phát hiện ra, tấn công và tiêu diệt tế bào ung thư.
Bác sĩ Stephan Grupp – trưởng nhóm nghiên cứu phương pháp CTL019 đang khám cho Emily
Các bác sĩ đã cảnh báo với gia đình Emily rằng, em có thể sẽ trải qua triệu chứng giống như bị cảm cúm sau khi các tế bào T được đưa trở lại cơ thể cô bé vài ngày. Thế nhưng “triệu chứng cảm cúm” này ở Emily hóa ra lại trầm trọng hơn dự đoán rất nhiều. Cô bé bắt đầu bị ớn lạnh từng cơn kèm theo sốt cao tới 40,5oC. Huyết áp của Emily tụt xuống rất thấp còn cơ thể thì sưng phồng lên. Em dần rơi vào trạng thái hôn mê và phải thở máy. Ngày 24/4/2012, các bác sĩ cho biết cô bé chỉ có một phần nghìn cơ hội có thể sống sót qua đêm này. Bố mẹ Emily gần như ngất đi vì tuyệt vọng và đau đớn. Tuy nhiên, những nhà khoa học hàng đầu tham gia vào cuộc thử nghiệm này thì không dễ dàng từ bỏ hi vọng. Bác sĩ Stephan Grupp và nhóm của ông yêu cầu tiến hành xét nghiệm máu cho Emily. Người ta nhận thấy một loại protein đặc biệt tăng cao bất thường, là kết quả của việc những tế bào T đang phát triển mạnh mẽ. Cũng chính protein này liên quan trực tiếp đến căn bệnh viêm khớp. Các bác sĩ đánh liều thử dùng loại thuốc trị bệnh viêm khớp này cho Emily với hi vọng nó có thể cải thiện tình trạng của cô bé. Thật bất ngờ, Emily khá lên trông thấy. Qua đêm hôm ấy, em thở đều hơn, thân nhiệt hạ xuống và huyết áp cũng ổn định dần. Ngày 2/5/2012, chỉ 1 tuần sau cái đêm cả gia đình quây quần bên giường chuẩn bị nói lời từ biệt Emily bé nhỏ mãi mãi, em bất ngờ tỉnh lại. Vài tuần sau, phiếu xét nghiệm ung thư máu cho kết quả âm tính, có nghĩa là căn bệnh quái ác đã bị đẩy lùi. Kết quả kiểm tra của 3 tháng và 6 tháng sau cũng thế. Các bạch huyết bào T đã được lập trình lại vẫn tiếp tục tồn tại trong cơ thể Emily để tìm kiếm và nhanh chóng tấn công bất cứ tế bào ung thư mới nào.
8 tháng đã trôi qua kể từ sau ván bài định mệnh của cuộc đời Emily. Em ngày càng khỏe mạnh và đang dần dần làm quen trở lại với nếp sống bình thường mặc dù vẫn phải uống khá nhiều loại thuốc và theo dõi thường xuyên. Emily nay đã vào lớp 2, rất xinh đẹp với những lọn tóc nâu mới mọc, mềm mại ôm lấy gương mặt bầu bĩnh. Em rạng rỡ và tràn đầy năng lượng. Em hào hứng chơi đá bóng với các bạn và thích thú dắt chú chó nhỏ của mình tung tăng đi dạo quanh khu nhà. Giờ đây, tất cả những gì mà cha mẹ Emily lo lắng là làm thế nào bù đắp cho cô con gái quãng thời gian thơ ấu quý báu đã bị căn bệnh hiểm nghèo cướp đi.
Emily hồi phục với tốc độ thần kỳ
Liệu pháp tế bào T, bước đột phá trong lĩnh vực điều trị ung thư
CTL019 hay còn được biết đến với tên gọi liệu pháp tế bào T là một thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu nguyên bào cấp tính, ung thư hạch hay bệnh bạch cầu bạch huyết bào mãn tính ở người lớn, và đã cho kết quả ban đầu rất khả quan.
Theo các nhà khoa học từ phòng thí nghiệm của Bệnh viện Nhi Philadelphia, nước Mỹ, phương pháp CTL019 sử dụng những tế bào miễn dịch, gọi là tế bào T, lấy từ máu của chính bệnh nhân. Các tế bào này được biến đổi gen để biểu hiện một loại protein có khả năng nhanh chóng nhận ra và bám chặt vào “mục tiêu” là phân tử CD19 chỉ có trên các bạch huyết bào bị ung thư. Cơ chế hoạt động của CTL019 có thể tóm tắt như sau:
1. Trong một số bệnh bạch cầu, các tế bào miễn dịch B bị ung thư.
2. Tế bào miễn dịch khỏe mạnh là tế bào T có chức năng nhận biết và tấn công các tế bào gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.
3. Vấn đề là tế bào B ung thư có khả năng bay dưới “ra-đa” giám sát của hệ miễn dịch, trốn tránh sự phát hiện của các tế bào T.
4. Giải pháp của phương pháp điều trị mới mẻ này là các tế bào T được thu thập từ cơ thể bệnh nhân rồi tái cấu trúc lại trong phòng thí nghiệm để chúng có khả năng nhận biết và gắn vào một protein đặc biệt trên tế bào B mắc bệnh. Sau đó, các tế bào này được đưa trở lại vào cơ thể bệnh nhân. Chúng lập tức phân tán ra để tìm kiếm tế bào ung thư máu.
5. Kết quả là ngay khi phát hiện ra, các tế bào T đã được tái cấu trúc sẽ nhanh chóng bám chặt lấy và tiêu diệt tế bào ung thư. Chúng còn tồn tại trong cơ thể bệnh nhân một thời gian dài sau đó và tiếp tục chiến đấu với bất kỳ tế bào ung thư bạch huyết mới nào.
Bệnh bạch cầu nguyên bào cấp tính là loại ung thư thường gặp nhất ở trẻ em. Khoảng 85% bệnh nhân có thể được điều trị thành công bằng các phương pháp truyền thống. Đối với 15% còn lại, hóa trị chỉ có tác dụng tạm thời hoặc thậm chí là không gì cả. CTL019 trở thành tia hi vọng cho các trường hợp đã được kết luận là vô phương cứu chữa. Mặc dù số lượng bệnh nhân điều trị thử nghiệm bằng phương pháp này cho đến nay còn khá hạn chế, 10 người trưởng thành mắc bệnh bạch cầu bạch huyết bào mãn tính và 2 trẻ em mắc bệnh bạch cầu nguyên bào cấp tính, nhưng với tỉ lệ thành công là 9 trên tổng số 12 trường hợp, các nhà khoa học tại Bệnh viện Nhi Philadelphia và Đại học Pennsylvania rất hi vọng CTL019 có thể trở thành phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ung thư máu trong tương lai.
Việt Nam sẽ áp dụng liệu pháp này trong năm 2013?
Theo ThS, BS. Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu trung ương thì thực tế, phương pháp biến đổi gen để điều trị bệnh ung thư không phải là hoàn toàn mới mẻ mà đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu và thử nghiệm nhiều năm nay. Với những kết quả thu được, CTL019 là một hướng đi tương đối khả quan. Tuy nhiên cần phải khẳng định, đây mới chỉ là thử nghiệm chứ hoàn toàn chưa thể gọi là “phương pháp mới điều trị bệnh ung thư”. Từ “thử nghiệm” cho đến khi trở thành “phương pháp” còn là một chặng đường vô cùng gian nan, có thể kéo dài vài năm, thậm chí vài chục năm. Thêm vào đó, cũng cần tiến hành một công trình nghiên cứu trên quy mô rộng lớn hơn, bởi con số 12 bệnh nhân đã tham gia thử nghiệm là quá ít ỏi, chưa đủ để kết luận bất kì điều gì. Công nghệ gen cho đến giờ phút này vẫn là một vấn đề bế tắc, còn gây nhiều tranh cãi trên thế giới, bởi nó có thể gây ra những biến chứng về lâu dài mà chúng ta chưa dự đoán hết được.
Ở viện Huyết học – Truyền máu trung ương trong năm 2013 này cũng dự kiến sẽ triển khai một phương pháp mới điều trị bệnh ung thư máu bằng cách sử dụng tế bào lym phô T. Trong đó, tế bào T lấy từ người bình thường hoặc từ chính bệnh nhân sẽ được hoạt hóa lên rồi sau đó đưa trở lại cơ thể người bệnh để tăng cường khả năng chiến đấu của hệ miễn dịch với tế bào ung thư. Dù khá giống nhau ở điểm cùng sử dụng bạch huyết bào T nhưng phương pháp này thay đổi hoạt động của tế bào ở một cấp độ khác với CTL019. Nó đã được chính thức công nhận và ứng dụng rộng rãi trên thế giới chứ không chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm và còn ẩn chứa nhiều rủi ro như CTL019.
Quỳnh Chi (theo Đang yêu)