Chữa bệnh “giờ dây thun” - Tạp chí Đẹp

Chữa bệnh “giờ dây thun”

Sống

1.Hội chứng thất thoát thời gian

Triệu chứng: Bạn thức dậy đúng giờ nhưng lúc nào cũng trễ giờ làm, lúc năm phút, lúc mười phút… dù cho bạn có cố gắng sắp xếp thế nào đi chăng nữa.

Chuẩn đoán: Bạn thường cho rằng việc tắm và ăn sáng không làm mất quá nhiều thời gian. Đồng thời, bạn cũng quên khuấy đi khoảng thời gian bạn phải hao tốn khi lái xe, đi cầu thang lên công ty và chưa loại trừ khả năng bị kẹt xe. Đây chính là những yếu tố phá vỡ lịch trình của bạn.

Chỉ định: Hãy tính thử thời gian cho các hoạt động của bạn, kể cả những tình huống bạn không thể kiểm soát được trong buổi sáng như: tắm rửa, làm tóc, ăn sáng, đổ xăng hay tình trạng giao thong… để xác định thời lượng trung bình mà các hoạt động đó tiêu tốn. Sau đó, cộng thêm 3 phút cho mỗi hoạt động vào quỹ thời gian mà bạn sẽ “xài” và đặt giờ báo thức sớm hơn cho phù hợp.

2. Hội chứng “còn một chút nữa”

Triệu chứng: Bạn luôn sửa soạn mọi thứ từ trước để kịp thời gian đi làm nhưng đôi khi vẫn hay bị trễ 4-5 phút.

Chuẩn đoán: Bạn thường không cảm thấy an tâm trừ phi bị áp lực về thời gian. Bạn có thể lên kế hoạch để ra khỏi nhà đúng giờ nhưng khi ra khỏi cửa, bạn lại sực nhớ phải tìm sổ tay, kiểm tra xem đã tắt bếp chưa và không biết chìa khóa để đâu. Vì vậy, bạn có xu hướng trì hoãn thời gian đi làm và loay hoay ở nhà cho tới khi gần trễ giờ.

Chỉ định: Hãy để mọi thứ ở gần cửa để lúc nào bạn cũng biết chúng ở đâu. Thử gắn một cái móc treo chìa khóa và kính râm ở gần cửa ra vào, hoặc đặt một cái bàn nhỏ ngay cửa ra vào để bạn có thể đặt túi của mình. Sau đó, hãy tập thói quen đặt những thứ bạn thường quên vào đúng vị trí để tránh mất thời gian tìm kiếm.

3. Hội chứng “chờ thêm 5 phút”

Triệu chứng: Bạn đặt giờ báo thức rất sớm nhưng mỗi khi bạn tỉnh giấc vào giờ đó, bạn lại bấm lùi thời gian thức dậy khoảng 5 phút, 10 phút… và cuối cùng bạn lại đi làm trễ trong trạng thái lừ đừ và stress.

Chuẩn đoán: Có thể bạn là một con “cú đêm” vì thức khuya nên luôn cảm thấy thiếu ngủ. Thậm chí, nếu bạn ngủ đủ 8 tiếng/ngày, bạn vẫn gặp rắc rối trong việc thức dậy buổi sáng. Dù có buồn ngủ cỡ nào thì bạn vẫn tìm cách lùi thời gian như một phản xạ tự nhiên.

Chỉ định: Hãy đặt đồng hồ báo thức trễ hơn một chút. Việc trì hoãn thời gian thức dậy chỉ khiến bạn cảm thấy lơ mơ vào buổi sáng vì khi đó, bạn sẽ muốn ngủ bù cho giấc ngủ bị gián đoán trước đó. Vì vậy, hãy đặt báo thức vào lúc bạn không thể trì hoãn được nữa để có thể ngủ ngon giấc mà vẫn không dậy muộn.

4. Hội chứng “Quý cô ừ tuốt”

Triệu chứng: Bạn đã sắp xếp thời gian để đi làm đúng giờ nhưng đôi khi lại được nhờ chở giúp con của cô bạn hàng xóm đến trường, đem biếu ai đó ít quà, phải tư vấn chuyện gì đó cho cô bạn thân qua điện thoại… Cuối cùng thì bạn đi làm trễ (và stress cả ngày hôm đó).

Chuẩn đoán: Bạn luôn muốn làm vừa lòng người khác vì rất sợ làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ đang có nên không từ chối bất cứ lời nhờ vả nào. Rốt cuộc bạn phải làm quá nhiều việc ngoài dự kiến và mỗi ngày đều bị trễ.

Chỉ định: Khi người khác nhờ bạn điều gì, hãy trả lời: “Để tôi xem lại công việc rồi sẽ trả lời bạn sau”. Bạn thường bị “cháy” lịch trình là vì chịu áp lực của sự nhờ vả mà không biết từ chối. Hãy sắp xếp thời gian sao cho vừa có thể giúp người khác mà không gây thiệt hại cho mình. Nếu biết bạn bị trễ vì phải giúp đỡ mình, chắc chắn người nhờ vả cũng sẽ không vui đâu.

Theo Thế giới Gia đình

Thực hiện: depweb

12/12/2012, 08:23