Chữa bệnh bằng đông giá - Tạp chí Đẹp

Chữa bệnh bằng đông giá

Sức Khỏe

Giảm béo nhờ mùa đông


Nghịch lý chăng, bởi ai cũng thấy rõ là khi trời lạnh, cơ thể dung nạp nhiều năng lượng hơn, và hệ quả là chúng ta dễ tăng cân hơn. Nhưng các nhà khoa học lại chứng minh rằng có hai loại chất béo trong cơ thể người: chất béo màu trắng và chất béo màu nâu. Chất béo màu nâu sản sinh ra nhiệt, đốt cháy calo. Cơ thể trẻ cần chất béo này để điều hòa thân nhiệt. Chất béo nâu sẽ biến mất theo tuổi tác, nhưng nó vẫn còn chút ít ở người trưởng thành. Nhiều năm trước, các nhà khoa học Phần Lan đã cho thấy những công nhân làm việc ngoài trời có nhiều chất béo nâu trong cơ thể hơn người làm việc trong nhà. Các nghiên cứu của Hà Lan đăng tải trên tờ The New England Journal of Medicine năm 2009 cũng đã chứng minh nhiệt độ lạnh khoảng 61 độ F (tương đương 1,8 độ C) kích hoạt chất béo nâu trong cơ thể của 23 trong số 24 người tình nguyện tham gia nghiên cứu. Điều này quả là tuyệt vời bởi chất béo nâu đốt cháy calo hiệu quả hơn chất béo trắng, và nhờ đó trọng lượng cơ thể được kiểm soát. Việc cơ thể phải đối phó với cái lạnh mùa đông cũng đồng nghĩa những tế bào chất béo nâu đáng quý đó được đánh thức.

Dùng lạnh để chữa bệnh


Việc sử dụng nhiệt độ lạnh vào mục đích y học cũng được nhiều nước chú trọng. Người Nhật dùng “phương pháp dùng lạnh chữa bệnh toàn thân” để trị chứng đau và viêm khớp cùng nhiều bệnh khác. Với phương pháp này, các bệnh nhân được điều trị trong phòng có nhiệt độ thấp tới 166 độ F (tương đương 4,1 độ C) trong ba phút. Người Nga, người Phần Lan và nhiều nước khác đều cho rằng bơi trong nước lạnh mùa đông mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cách đây vài năm các nhà nghiên cứu Phần Lan đã tiến hành một nghiên cứu trên 10 phụ nữ trong ba tháng. Họ được ngâm mình trong nước ở nhiệt độ đông lạnh trong khoảng 20 giây, và trải qua các phiên điều trị dùng lạnh để chữa bệnh toàn thân. Các xét nghiệm máu trên người tham gia nghiên cứu đã cho thấy nồng độ norepinephrine trong máu tăng gấp 2-3 lần vài phút sau khi tiếp xúc với lạnh. Norepinephrine là một hóa chất trong hệ thần kinh có nhiều chức năng, trong đó có khả năng nó đóng vai trò ngừa đau. (Sự suy giảm nồng độ norepinephrine cũng lý giải cho việc tăng huyết áp thường xảy ra trong mùa lạnh).

Các nghiên cứu khoa học đều cho rằng, tiếp xúc với cái lạnh ở nhiệt độ vừa phải có thể tốt cho lưu thông máu trong cơ thể, bởi nó tạo điều kiện để các mạch máu tập luyện phản ứng dưới da. Khi gặp không khí hoặc nước lạnh, mạng lưới mạch máu dưới da co khít lại và máu nhanh chóng được phân dòng bên trong. Phản ứng này tăng cường khả năng cách nhiệt của da bởi lượng nhiệt bị mất đi từ việc tuần hoàn máu gần bề mặt da giảm đi. Điều này giúp bảo vệ những bộ phận thiết yếu trong cơ thể khi nhiệt độ hạ thấp. Nhưng việc giảm lưu thông máu khiến các ngón tay, ngón chân và các bộ phận khác như mũi, tai rét cóng. Tuy nhiên, trong điều kiện thích hợp, các mạch máu dưới da sẽ mở và đóng, và nhiệt độ trên da sẽ tăng nhanh tạm thời, đặc biệt ở các đầu ngón tay.

Với y tế cộng đồng, mùa đông thật là tuyệt vời vì cái lạnh giúp tiêu diệt côn trùng và vi sinh vật gây bệnh, các dịch bệnh về mùa đông cũng bởi thế mà ít đi. Hà cớ gì mà oán trách mùa đông cơ chứ?

Những chứng bệnh trong ngày rét


Tuy nhiên, mặt trái của mùa đông cũng không ít. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ tử vong đạt đỉnh vào thời điểm này trong năm. Huyết áp tăng trong suốt mùa đông, và theo một số ước tính, 70% tỷ lệ tử vong trong mùa đông có liên quan đến bệnh đau tim, đột quỵ và các nguyên nhân tim mạch khác. Và tất nhiên là mùa đông còn là mùa cảm cúm, bởi virus cúm lây lan nhanh khi không khí khô và lạnh.

Việc thiếu nắng trong mùa đông cũng gây nên nhiều vấn đề. Da được tiếp xúc với nắng sản sinh ra vitamin D có nhiều lợi ích với sức khỏe. Trong suốt mùa đông, ngày ngắn và mặt trời ở góc thấp, nồng độ Vitamin D trong cơ thể thường giảm xuống. Nhiệt độ lạnh và lượng vitamin D thấp có thể là một sự kết hợp tồi tệ. Thiếu vitamin D có ảnh hưởng bất lợi đến rất nhiều bệnh, kể cả ung thư, tim mạch, tiểu đường, loãng xương, truyền nhiễm, v..v… Người cao tuổi thiếu vitamin D thường có nguy cơ tử vong cao hơn người có đủ vitamin D.

Trẻ em và người có tuổi thường hay mắc phải các bệnh do thời tiết lạnh, ngoài ra những người có bệnh tim và tiểu đường cũng sẽ cảm thấy khó chịu hơn khi mùa đông đến. Bên cạnh đó, một vài tình trạng bệnh có thể gia tăng ở người có nguy cơ mắc bệnh vào mùa đông bởi vì nhiệt lạnh ảnh hưởng đến hệ điều hòa  nhiệt độ của cơ thể. Người làm việc ngoài trời vào mùa đông cũng dễ nhiễm bệnh hơn. Ngay cả khi tập thể dục hoặc đi dạo sớm vào tối mùa đông, bạn cũng cần đề phòng chứng giảm thân nhiệt.

Giảm thân nhiệt khá nguy hiểm. Đó là khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống 95 độ F (tương đương 2,8 độ C) vì bị lạnh cóng, cơ thể run bần bật, không nói nên lời, nói líu nhíu, hoặc không thể cầm nắm vật gì. Nếu không kịp thời ủ ấm, hoặc thậm chí sau ủ ấm một lúc mà những triệu chứng trên không cải thiện, người bệnh có thể bị nguy hại đến não và các cơ, dẫn đến tử vong. Do đó, nếu thấy ai đó có những triệu chứng giảm thân nhiệt, hãy nhanh chóng đưa họ vào phòng ấm, và gọi cấp cứu khi dấu hiệu không thuyên giảm.

Bảo vệ cơ thể mùa rét

Mặc áo ấm, đội mũ và quàng khăn: Là những điều tối thiểu bạn nên làm khi ra ngoài vào mùa đông. 40 – 50% nhiệt độ cơ thể mất đi qua bề mặt đầu và cổ dù bạn có tóc dày hay tóc mỏng.

Giữ ấm tay và chân: Nhớ đeo găng tay bởi tay ấm thì cơ thể cũng được nhờ, cũng cần đi tất để giữ cho bàn chân ấm và khô.

Bảo vệ môi: Sử dụng son dưỡng môi để bảo vệ môi trong tiết trời lạnh và khô.

Đừng để cơ thể mất nước: Trừ phi bác sỹ khuyến cáo bạn hạn chế uống nước, còn nếu không, hãy uống đủ nước để cơ thể không bị mất nước trong ngày lạnh.

Tránh xa rượu: Rượu khiến cơ thể mất nhiệt, mất nước chứ không “ấm bụng” như nhiều người nghĩ.

Chuẩn bị kỹ khi đi xa: Khi đi du lịch bằng xe hơi, nhớ mang thêm tất (vớ), chăn, nước uống và đồ ăn nhẹ phòng khi hỏng xe hay gặp gió bão dọc đường.

Giữ ấm cho trẻ em: Hãy hướng dẫn trẻ lớn tìm nơi tránh rét khi chúng cảm thấy lạnh hoặc quần áo bị mưa ướt. Không nên dùng khăn quàng cổ cho trẻ vì chúng có khả năng gây nghẹt thở. Nên mặc áo thun hoặc len cao cổ để giữ ấm cho trẻ mà trẻ không bị nghẹt thở.

Ăn nhẹ: Một bữa ăn nhẹ trước khi ra ngoài trời lạnh sẽ tốt hơn là ăn no, bởi khi ăn no cơ thể bạn cần một lượng máu lớn đến ruột, dạ dày để hỗ trợ việc tiêu hóa thức ăn. Quá trình tiêu hóa có thể ngăn máu nóng lưu thông đến ngón tay và ngón chân khiến bạn cảm thấy lạnh hơn bình thường.

Theo Sành điệu

Thực hiện: depweb

11/12/2012, 15:54