Lượn một vòng lúc chập tối quanh các khu chung cư được “xây cho nhà cao cao mãi…” ở Sài Gòn hay Hà Nội mà hãi: chả thấy loé ánh đèn, ngồn ngộn mà tối um.
Xót ruột, vốn chôn cứng vào đó biết bao nhiêu, ngắc không đỡ được. Chưa nói đến chuyện bán, mới ngoi lên thô thiển, chưa hạ tầng, điện nước làm sao ở được.
Muốn bán, rẻ đắt gì, ít nhất cũng phải đổ thêm tiền làm mấy cái tối thiểu. Không cứ nằm đó như con ma xó, trong khi nợ kéo chân ngân hàng lún theo…
Vốn chết, chỉ có người và công ty “luân chuyển”. Bất động sản lạnh, kính tế cúm theo. Bao nhiêu hội thảo, chỉ chỏ, hô hào… vẫn ỳ. Vì thế, sáng kiến lần này được cho là vĩ đại, theo nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm.
Người mua nhà bỏ tiền ra tự hoàn thiện, mua thô cho rẻ chút, rồi làm tiếp nội thất theo ý thích. Tiện đủ đường và thêm cơ hội cho người thu nhập thấp.
Giải quyết BĐS tồn kho chỉ trong vòng 1 tháng! Là lời lạc quan tếu của mấy chuyên gia. Người cần nhà ngó nghiêng nhưng chưa dốc túi theo phong trào. Bom BĐS tồn kho, 83 nghìn tỷ đồng chôn vào 70 nghìn căn hộ, nghe nói cần đến 7 năm giải quyết.
Cái thừa cái thiếu là chuyện xưa nay thế. Người đông, của đông, nhưng tiền chưa đông, trong khi cần ở mức gấp. Doanh nghiệp lại tư duy bán cái mình có, chứ chưa làm cái người cần.
Khủng hoảng thừa dẫn đến cách nghĩ bán hoà hoặc lỗ một chút để thu hồi vốn. Người có nhu cầu thật vẫn chưa vồ vập, người buôn vẫn chờ đáy.
Dự báo 3-5 năm nữa thị trường BĐS may ra mới nhúc nhắc, trong khi nhu cầu giải toả tồn kho, gỡ gạc chút nào hay chút nấy ngày càng áp lực.
Bán thô với giá rẻ có vẻ là tin đáng quan tâm hơn những tin trước. Hơn cả bất động sản, nó như một tư duy có chút mới để gỡ thế tồn kho. Biết đâu có thể áp dụng vào nhiều chuyện khác, tuỳ sáng tạo, áp dụng vào điều kiện cụ thể.
Chả hạn, chữa bệnh thì chỉ nhận cấp cứu thôi, còn chữa trị thì chuyển về bệnh viện tư điều dưỡng. Học hành thì chỉ dạy cơ bản thôi, muốn nâng cao tài giỏi phải học thêm. Giao thông kẹt thì chịu khó chờ, muốn nhanh, bỏ tiền ra đi cầu vượt…
Chuyện thường như thị trường. Ở chợ bán rau, thịt… thôi, muốn ăn phải tự nấu. Không thì ra hàng quán, trả tiền cao hơn.
Biết rồi, khổ lắm… mơi mới nhờ triển khai cái cũ. Cùng làm, công thức quen lại ló khi cần vượt khó.
Trần Giang Phương