Thông báo có viết: “Bóng đá có tầm quan trọng chính trị-xã hội lớn. Các cuộc thảo luận trong những ngày gần đây đã nêu bật điều đó. Quyết định rút khỏi đội tuyển quốc gia Đức của Mesut Oezil đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về nạn phân biệt chủng tộc nói chung và về khả năng hội nhập của bóng đã nói riêng. Với tư cách chủ tịch Liên đoàn bóng đá Đức (DFB), tôi không muốn trốn tránh cuộc tranh luận này.
Biểu hiện của chúng tôi tại World Cup đã đặt ra câu hỏi về nhiều điều. Đương nhiên, tôi tự hỏi mình rằng liệu tôi đã có thể làm tốt hơn ở điểm nào trong thời gian giải đấu diễn ra. Tôi sẽ không giả vờ rằng sự chỉ trích cá nhân này không ảnh hưởng đến mình, nhưng tôi cảm thấy thậm chí đáng tiếc hơn nữa cho những đồng nghiệp của tôi, những tình nguyện viên bình thường và đội ngũ nhân viên của DFB, những người đã bị cho là có liên quan tới phân biệt chủng tộc. Đó là điều tôi kiên quyết bác bỏ đối với cả liên đoàn lẫn cá nhân tôi.
Các giá trị của DFB cũng là của tôi; sự đa dạng, tình đoàn kết, chống phân biệt đối xử và hội nhập đều là những giá trị, những niềm tin từ đáy lòng tôi. Trong thời gian làm việc tại DFB, tôi đã được trải nghiệm những gì bóng đá có thể làm được cho việc hội nhập, và tôi rất tự hào về những nỗ lực của DFB, của các hiệp hội khu vực và của từng câu lạc bộ.
Chúng ta sống đúng với giá trị mà mình coi trọng. Đó là lý do tại sao chúng tôi, với tư cách Liên đoàn bóng đá Đức, đã đặt câu hỏi về bức ảnh Oezil chụp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Tôi rất lấy làm tiếc vì điều này đã bị sử dụng sai mục đích cho những câu khẩu hiệu phân biệt chủng tộc.
Nhìn lại, với tư cách chủ tịch, lẽ ra tôi phải nói rõ một cách dứt khoát về điều vốn dĩ hiển nhiên đối với tôi với tư cách một con người, và đối với tất cả chúng tôi với tư cách một hiệp hội: Bất kỳ hình thức thù địch sắc tộc nào cũng sẽ không được chấp nhận hay dung thứ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Điều đó đúng đối với Jerome Boateng, đối với Mesut Oezil, và giữ nguyên giá trị đối với bất kỳ cầu thủ nào có xuất thân là người nhập cư.
Trong một hội nghị với những đồng nghiệp của tôi từ các hiệp hội khu vực và ban chủ tịch trao đổi với các đại diện thuộc giới nghiệp dư cũng như chuyên nghiệp, chúng tôi đã xác định một cách tiếp cận rõ ràng cho DFB, trong đó có 3 chủ đề trọng tâm.
Thứ nhất, chúng ta cần tận dụng cuộc tranh luận đang tiếp diễn này về sự hội nhập và cách mà nó hiện đang gây được tiếng vang trong xã hội như một cơ hội để phát triển hơn nữa công việc của chúng ta trong lĩnh vực này và tự hỏi chúng ta có thể thúc đẩy hơn nữa trong vấn đề nào và bằng cách nào.
Thứ hai, sau chiến dịch World Cup đầy thất vọng, cần có một phân tích có chiều sâu để từ đó chúng ta cần rút ra những kết luận đúng đắn, cho phép chúng ta chơi thứ bóng đá đầy hứng khởi và thành công một lần nữa. Đó là nhiệm vụ của ban quản lý, và chúng ta đã cho họ thời gian cần thiết để làm việc đó.
Thứ ba, chúng ta đều có chung mục tiêu là thành công tại EURO 2024. Chúng ta sẽ nỗ lực cùng nhau với sự tận tụy hết mực trong thời gian tới để biến điều đó thành hiện thực.
Giải đấu này có thể viết nên một câu chuyện hoàn toàn mới cho bóng đá, đưa những đứa trẻ tới các câu lạc bộ và kéo mọi người xích lại gần nhau hơn, không phân biệt xuất thân – tất cả đoàn kết với nhau nhờ có bóng đá.”
Hôm 22/7, Mesut Oezil đã đăng tâm thư trên mạng xã hội tuyên bố chia tay đội tuyển Đức, trong đó bày tỏ sự thất vọng về cách đối xử của Chủ tịch DFB Reinhard Grindel, cho rằng ông này đã có những hành động phân biệt chủng tộc nhắm vào anh sau sự kiện Oezil chụp ảnh chung với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.