Đối thoại với hiện tại
Mẹ Mai Anh: Dạo này, ở lớp có chuyện gì vui không con?
Bé Thiện Nhân: Vẫn như cũ thôi mẹ ạ. Nhưng có điều, lúc ăn cơm thì bọn con trêu nhau, phải nhai kỹ xem có phải gạo nhựa không và thức ăn có sạch không?
Mẹ Mai Anh: Chắc sẽ không sao đâu con (Thực ra mẹ đang nghĩ đến việc chẳng biết cho con ăn gì cả, vì cái gì cũng báo động ô nhiễm. Nhưng mà, nếu sống theo quán tính thì tất cả chúng ta vẫn đang ăn và đang tồn tại đấy thôi – mẹ chỉ dám nghĩ mà không thể nói với con).
Bé Thiện Nhân: Nhưng môi trường mà ô nhiễm, con người lại hít chất độc đó nên có thể sẽ dễ sinh bệnh lắm. Con thì thích môi trường trong sạch, để chúng ta hít thở không bị… tiêu chảy. (Thiện Nhân vốn sợ nhất bệnh này).
Mẹ Mai Anh: Vậy con nghĩ mình có thể làm gì để thay đổi điều đó?
Bé Thiện Nhân: Con nghĩ, đơn giản nhất, nếu như trong nhà mình có con chuột chết thì phải dọn ngay, sau đó lau nhà với nước khử mùi. Con và các anh cùng nhắc nhau không được vứt rác bậy. Với cả, bây giờ còn ô nhiễm cả ngôn ngữ nữa, vì mẹ không thấy là, nếu phải nghe nói bậy thì sẽ nói bậy theo à?
Mẹ Mai Anh: Đúng rồi con. À, hay là… mẹ đi trồng thêm cây trên sân thượng nhỉ?
Bé Thiện Nhân: … Mẹ ngập ngừng thế, nghĩa là trồng cây cũng không hẳn tốt rồi!
Mẹ Mai Anh: Thực ra, việc trồng cây thì rất tốt. (Nhưng mẹ sợ rằng, nếu lấy cây trồng là giải pháp cứu cánh, vậy mỗi người rút cuộc chỉ chăm lo cho cái vườn cây trên sân thượng nhà mình thì khá nguy. Bởi vì, khi con người phải lo đối mặt với nồi cơm của cá nhân thì đã dần bỏ qua nồi cơm lớn hơn ngoài kia. Vườn cây thủy sinh sân thượng lúc đó không chỉ dừng lại là phong cách sống của một ai mà trở thành sự bất lực chung của xã hội – cái này là mẹ thầm nghĩ vậy).
Bé Thiện Nhân: Dù thế nào con cũng không thích tương lai sẽ như kỷ băng hà, hủy hoại hết môi trường. Nếu mà ô nhiễm mãi thì người cũng sẽ chết mất.
Mẹ Mai Anh: … Sững sờ (chững lại). Nhưng con ạ, các con còn nhỏ, các con không có lỗi gì với bầu trời này, lỗi là thuộc về những người lớn như mẹ đây, bọn mẹ đã tạo ra các hủy hoại đấy.
Bé Thiện Nhân: Ồ, không phải đâu, sự hủy hoại này phải đến từ trước, thì giờ mới bị nặng nề thế này, mẹ ạ. Mà sao mẹ không… viết?
Mẹ Mai Anh: Chưa nghĩ ra giải pháp thì mẹ chưa viết. Không có giải pháp, cứ kêu, cứ nói không thôi thì làm sao mà giải quyết được mọi chuyện hả con? Mà như con nói sẽ bị ô nhiễm ngôn ngữ mất…
“Chúng ta đã làm gì với thế giới này”?
Trong ca khúc “Earth Song” (Michael Jackson) – bài ca của sự thức tỉnh và sám hối – có câu: “Chúng ta đã làm gì với thế giới này để những cánh rừng trơ trụi lá, những chú cá voi gào thét vì biển khơi bị tàn phá, hay những con đường mòn xuyên rừng thẳm bị thiêu rụi bất chấp lời khẩn nài?”.
Câu hỏi được cất lên với giai điệu thống thiết như tiếng kêu quằn quại đau đớn của một con thú bị thương, cảnh báo loài người về sự tàn phá, hủy hoại không hồi kết của chính họ đối với môi trường đang sống dường như ngày càng nhức nhối hơn – trong hôm nay.
Vì lý do đó, Đẹp tổ chức chuyên đề đặc biệt này…