Ông Nhi cho biết, với các điểm hư hỏng, lún tại vị trí Km256+186- Km256+541 và Km257+950 – Km258+300 thuộc địa phận xã Yên Hồng (Ý Yên, tỉnh Nam Định) do GPMB chậm nên việc lún là nằm trong tiên lượng của Bộ GTVT và chủ đầu tư.
“Vào thời điểm hiện tại, do chưa hết hẳn lún nên nền đường sẽ còn tiếp tục bị lún không đều, ảnh hưởng đến độ bằng phẳng của mặt đường. Và đoạn đường này chưa khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc”, ông Nhi cho biết.
Đường cao tốc lún nứt trước khi chưa được sửa chữa.
Đối với việc lún tại một số vị trí tiếp giáp giữa cầu, hầm chui dân sinh và mặt đường bê tông nhựa, ông Nhi cho rằng, đây là hiện tượng lún kỹ thuật mà trên thế giới chưa có công nghệ xử lý triệt để, nhất là đối với các đoạn mặt đường láng nhựa nơi các phương tiện giao thông thường xuyên thay đổi tốc độ khai thác dễ gây bong bật mặt đường.
“VEC đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải thường xuyên kiểm tra, khắc phục và sửa chữa ngay những điểm hư hỏng, bong bật mặt đường phát sinh trong quá trình khai thác”, ông Nhi cho hay.
Về kinh phí thực hiện sửa chữa các đoạn hư hỏng trên, Phó Tổng giám đốc VEC khẳng định: Việc sửa chữa này không làm tăng chi phí của chủ đầu tư và nhà thầu vì kinh phí vẫn nằm trong gói thầu (đối với những đoạn chờ lún) và kinh phí bảo hành của gói thầu đối với lún cục bộ.
Mặc dù những đoạn lún nứt trên đã được tiên lượng trước, nhưng rõ ràng những việc xử lý các điểm lún, hư hỏng của các đơn vị liên quan trong thời gian qua theo đánh giá của lãnh đạo VEC là chậm trễ, thậm chí một số cá nhân còn có dấu hiệu vô cảm đối tài sản của doanh nghiệp cũng như trách nhiệm phục vụ người tham gia giao thông.
Trước thực trạng này, VEC đã gửi lời xin lỗi tới các chủ phương tiện, các cơ quan quản lý… về việc chậm khắc phục các hư hỏng, tồn tại tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình làm ảnh hưởng đến sự an toàn, thuận tiện cho các phương tiện lưu thông.
Đồng thời, VEC cam kết sẽ không để các tình trạng tương tự xảy ra trong thời gian tới.