Chú bé “chơi” với hội họa Lê Lâm: “Con thích Van Gogh nhưng thần tượng mẹ hơn”

Lê Lâm hiện đang học lớp 5 trường Tiểu học VinSchool, Hà Nội. Cậu bé có một “triển lãm” dài hơi với hơn 200 bức vẽ chân dung đăng trên Instagram @lelamstudio. Lâm vẽ từ khi biết cầm bút, và hiện tại mỗi ngày đều vẽ vì “vẽ vui lắm”. Nhưng vui nhất là những lúc Lâm được vẽ cùng mẹ. Mẹ Lâm – chị Phan Linh – hiện là Artist Window của Hermès tại Việt Nam. Chị cũng từng là Giám đốc Mỹ thuật của Tạp chí Đẹp 4 năm về trước.

Lê Lâm: “Đến bây giờ con vẫn không hiểu vì sao mình lại vẽ được như thế. Con chưa hề học vẽ.”

Khi xem tranh của Lâm, cô thấy nhiều hơn cả là chân dung. Vì sao vậy?

Con thích chi tiết nên vẽ chân dung thấy hợp với mình. Từ lúc 2-3 tuổi con đã vẽ mọi người, càng lớn con càng nhận ra ai cũng có những nét đặc biệt. Có những người con vẽ là có thật, có người chỉ là con tưởng tượng ra.

Chân dung Van Gogh và Queen chiếm số lượng nhiều hơn cả trong số tranh Lâm vẽ. Lý do là gì?

Con hay vẽ những người mình thần tượng và những người xung quanh, nhưng nhiều nhất là vẽ Van Gogh. Có thời điểm con vẽ ông ấy liên tục trong một tháng, kiểu bị lôi cuốn quá.

Cuộc đời Van Gogh quá bi kịch, con thích điều gì ở ông ấy?

Con thấy niềm vui trong những bức tranh của ông ấy, cho dù cuộc đời Van Gogh đúng là bi kịch thật. Lúc còn sống, ông ấy chẳng có gì, không được coi trọng, chỉ có hai người yêu thương thực sự là em trai Theodorus (Theo) và vợ của Theo. Đọc những bức thư giữa ông ấy và Theo, con thấy họ yêu thương nhau rất nhiều. Vì vậy, ngoài vẽ Van Gogh, con vẽ cả Theo.

Thực tế, có những bức của Van Gogh rất buồn. Đó là thời điểm ông ấy chưa tới Pháp, còn làm mục sư và phụ việc ở phòng tranh. Khi vẽ nỗi buồn, ông ấy sử dụng nhiều gam màu tối, hay trộn màu với mực đen và thường dùng bút với lực rất mạnh. Sau này, khi lang thang đến các vùng quê nước Pháp, những bức tranh về thiên nhiên của ông ấy bắt đầu có niềm vui.

Vì sao một người quá nhiều nỗi buồn như Van Gogh, từng phải vẽ bằng tất cả sự tức giận, sau đó lại có thể vẽ ra những niềm vui nhỉ?

Vì đời quá là buồn rồi, ông ấy phải tự tìm niềm vui cho mình. Đời mà không có niềm vui thì không biết sống thế nào, nên con nghĩ ông ấy phải tìm ra niềm vui.

Còn khi vẽ Van Gogh, con nghĩ tới điều gì?

Con nghĩ về cuộc đời của ông ấy. Với con, Van Gogh là người đã sống một đời đáng tôn trọng. Bên cạnh đó, con thích những đường xoáy trong các bức tranh của ông ấy, nó cực kỳ chi tiết và rõ nét. Con cũng hay sử dụng những đường xoáy đó trong khi vẽ.

Mẹ có ảnh hưởng thế nào đến sở thích của con?

Mẹ chỉ góp ý chứ không có ảnh hưởng gì đến việc con làm. Có thời điểm con vẽ hoa lá, đó là gợi ý của mẹ, nhưng sau con không thích nên lại chuyển sang vẽ chân dung. Vẽ chân dung con mới thấy đúng là mình hơn.

“Đúng là mình” cụ thể là như thế nào?

Cứ đặt bút là con muốn vẽ một khuôn mặt nào đó. Mà phải vẽ như thế con mới thấy là mình. Con thấy mình gắn liền với chân dung. Cho dù mình phải luôn mở rộng, nhưng vẽ chân dung cũng có rất nhiều cách mà.

Con tìm thấy điều gì khi xem lại các bức chân dung mình tạo ra?

Con thấy được cảm xúc của mọi người và của chính mình. Khi xem lại tranh, con biết bức này con vẽ khi vui, bức kia con vẽ lúc buồn. Lúc buồn, con sẽ vẽ cái mặt không có chi tiết nào cả.

Con thường vẽ cho ai?

Con vẽ cho chính mình thôi. Ngày nào trên lớp con cũng vẽ, trong giờ ra chơi, hoặc lúc cô giảng bài mà con thấy không hứng thú. Nhưng con thường vẽ một cách lén lút, không nói cho ai hết. Lúc ấy, con chủ yếu dùng bút bi. Con không thích tô màu vào những bức ấy, vì con thích các chi tiết. Ở lớp, các bạn hay bảo con vẽ đẹp nhưng con không thích thế. Con cũng không bao giờ thể hiện rằng mình là người vẽ đẹp. Vài bức vẽ các bạn biết là do cô giáo mang lên cho cả lớp xem trong giờ học vẽ.

Một số người xem tranh của con trên Instagram và để lại bình luận: “Ồ vẽ đẹp thế nhỉ”. Con không cảm thấy vui hay buồn với các bình luận này. Việc của mình là vẽ, còn mọi thứ thì kệ thôi. Nếu làm họa sĩ, cô sẽ tìm được niềm vui trong các bức tranh. Lúc vẽ cực kỳ vui, con thấy mọi thứ trong đầu đều đi ra hết.

Niềm vui đặc biệt trong ngày của Lâm là những lúc nào?

Con lúc nào cũng vui (cười). Nhưng được vẽ cùng mẹ là vui nhất. Mẹ là người hơn đẳng cấp, nên khi vẽ cùng nhau, mẹ sẽ nhận xét cho con. Mẹ thường bình luận rất thẳng. Trước đây, khi bị mẹ chê con rất tức, nhưng bây giờ con hiểu đó là những nhận xét đúng và quý nên thường cảm ơn mẹ.

Con thậm chí thần tượng mẹ hơn cả Van Gogh. Bởi mẹ có thể nói được cho con, còn Van Gogh thì không (cười).

Mẹ vẽ ít, vì công việc chính của mẹ là thiết kế. Mẹ chỉ vẽ để tìm niềm vui thôi nên con cũng tìm thấy niềm vui khi xem tranh mẹ. Đến bây giờ con vẫn không hiểu vì sao mình lại vẽ được như thế. Con chưa hề học vẽ.

Có lẽ là do gien đấy, vì bố và mẹ của Lâm đều là họa sĩ mà!

Khéo là thế. Mẹ bảo bàn tay con to, không giống tay họa sĩ nhưng con vẫn vẽ. Đôi khi con cảm thấy không hiểu sao mình lại làm công việc này, thật lạ lùng.

Lâm thích cosplay ai nhất?
Frida Kahlo
Lúc vẽ Lâm có nghĩ gì không, hay là không nghĩ gì?
Không nghĩ gì
Bức tranh nào Lâm vẽ thấy sung sướng nhất?
Vangogh
Vẽ bằng chất liệu gì thì vui nhất?
Acrytic
Thích vẽ người xấu trai hay người đẹp gái?
Xấu trai
Lâm thích nghe nhạc lúc vẽ không?

Nghe nhạc gì thì vẽ “phê” nhất?
Đen Vâu

Con có thấy mình khác với những người bạn cùng tuổi không?

Con hoàn toàn không thấy như vậy. Các bạn cũng có thể vẽ nhưng mà các bạn không vẽ đó chứ. Chúng ta ai cũng có thể vẽ mà. Vẽ là việc rất đơn giản, muốn vẽ mới là cái không đơn giản.

Con không bao giờ đặt ra mỗi ngày phải vẽ bao nhiêu thời gian, chỉ là con làm điều đó khi cảm hứng đến.

Ảnh: Tuanti

Thứ mà cậu bé Lâm 10 tuổi đang muốn bây giờ là gì?

Là có bạn bè. Con là người coi và yêu bạn bè như gia đình mình. Các bạn con nếu cần cứ tới đây, thích nói chuyện cũng tới đây. May quá, bạn bè con đều là người tốt.

Thứ hai, con muốn bố mẹ luôn ở bên cạnh. Họ là những người sẽ cho con lời góp ý khi cần. Với bố mẹ, lúc nào con cũng được nói chuyện rất thoải mái.

Điều thứ 3 con muốn là có thời gian để quan tâm đến thần tượng: bóng đá con thích Messi, âm nhạc con thích Billie Eilish và Queen, còn vẽ thì thích Van Gogh.

Vậy chúc Lâm mãi tìm thấy niềm vui trong việc vẽ và có thời gian làm những điều con muốn nhé!

Phan Linh: “Tôi và Lâm chơi với nhau như hai đứa trẻ con”

Năm Lâm 8 tuổi, thấy con chơi iPad nhiều quá, tôi đề nghị Lâm dừng lại. Sau một ngày khóc lóc ỉ ôi, Lâm chủ động nói với mẹ: “Thôi, không có cái này con sẽ chơi cái khác”. Và hôm sau, cậu ấy lôi giấy ra vẽ. Mỗi ngày Lâm vẽ đều đặn 5-7 bức và chỉ trong vòng 1 tháng, tôi thấy rõ sự tiến bộ trong nét vẽ của con.

Thấy con có hứng thú với việc vẽ, tôi mua thêm sách và màu vẽ, nói là: “Tớ đầu tư cho cậu nhé!”. Đôi lúc tôi gợi ý con thử thêm các chất liệu khác nhau… Khi làm quen với chất liệu mới, thường con hơi bối rối, tôi sẽ chỉ cách xử lý, nhưng những ý tưởng thì để con tự phát triển. Lâm ít khi vẽ một ai đó theo sự chỉ định của người khác, nếu bị bắt ép sẽ tỏ rõ cảm giác không vui.

Tôi và bố Lâm đều làm nghệ thuật, nhưng gien chỉ quyết định một phần nhỏ. Tôi hay nhắc con nếu muốn thành công trong bất cứ việc gì, cần có một quá trình trau dồi và phải kiên trì. Lâm thích thú với việc tự đề ra lịch trình cho bản thân, sau đó, tự trách nhiệm với kế hoạch đó.

Tranh Lâm vẽ có bức hỏng, có bức thành công, nhưng với tôi thì không sao cả. Nhiều lúc Lâm chán nản, tôi thấy đó là điều bình thường. Từ kinh nghiệm trong công việc của mình, tôi hay nói: “Con hãy bước đi, nếu thất bại, đứng lên bước tiếp. Bởi cuộc sống thì dài nên con đừng sợ”.

Khi Lâm học đàn, tôi ngồi bên cạnh con suốt một năm, 30 phút mỗi buổi chiều. Tôi không biết chơi đàn nhưng biết nghe, biết con lúc này tập trung, lúc khác mất tập trung thì nhắc nhở. Có hôm con vừa đánh vừa khóc, nhưng bây giờ đã vui khi chơi đàn. Tôi nghĩ đó là điều mà một người mẹ có thể hỗ trợ con mình. Hay khi vẽ tranh, Lâm cảm thấy bế tắc, nói với mẹ: “Con thấy chán quá, vẽ mãi kiểu này rồi”, tôi sẽ gợi ý cho Lâm đọc sách và xem phim về một nhân vật nào đó. Lúc ấy Lâm có một cái nhìn khác, và khi quay trở về, cậu lại vẽ say mê.

Tôi thường nói với Lâm: sống không cần lúc nào cũng phải đúng, nhưng quan trọng phải luôn sống tử tế. Bản thân tôi có lúc sai, có lúc dở hơi nhưng luôn cố gắng học hỏi từng ngày.

Ngày bình thường của hai mẹ con tôi trôi đi bằng những câu chuyện “nhảm nhí”. Hai mẹ con ít khi nghiêm trọng điều gì. Lâm hay thích cosplay một cái gì đó và đứng sau cửa đợi mẹ đi làm về, mở cửa ra nhìn thấy con thì cười gần chết. Hai mẹ con thường mở nhạc, vừa nấu ăn vừa nhảy nhót cho vui cửa vui nhà.


DARE

Đẹp số 257 mời bạn cùng gặp gỡ những con người có trái tim dũng cảm.
Họ dám vùng chạy khỏi cao ốc, học cách du hành, khám phá thế giới để có được cả sự nghiệp và hành tinh trong tay.
Họ dám chơi với đủ thứ, từ cây bút đến ca từ, với cả những chất liệu truyền thống để làm nên các sáng tạo đẹp đẽ mang hơi thở “made in Vietnam” đầy kiêu hãnh.
Họ dám sáng tạo đến tận cùng, bởi luôn “bị” nỗi sợ hãi sự tụt hậu đẩy về phía trước.
Cuối cùng và không thể thiếu, họ dám yêu, dám sống qua bão lửa để viết nên những bản tình ca tuyệt đẹp giữa cả thời chiến lẫn thời bình.
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương, người bạn đời của cố nhạc sĩ Thuận Yến đã gói chữ “Dám” lại thế này: “Cứ được sống đúng là mình, đó mới là ‘dám’ nhất!”.
Còn bạn thì sao?

From the same category