DepPodcast Banner 970x250

Christian Nguyễn: “Vợ vẫn hay gọi đùa tôi là ‘Daddy 15 phút'”

Vì sao đang có trong tay một Offpeak ăn nên làm ra, anh lại quyết định rẽ ngang sang một lĩnh vực mới khá mới mẻ là Fintech?

Lĩnh vực tài chính đối với tôi không hề xa lạ, thậm chí gần như là truyền thống gia đình (cười). Sau đó, tôi học thêm công nghệ thông tin và kết hợp hai ngành thành nghề của mình.

Trước đây, tôi cùng cộng sự cũng đã phát triển một hệ thống giao dịch online cho ngân hàng và bán được cho thị trường tài chính của Jakarta tại Indonesia. Hiện nay, chúng tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu về thị trường Việt Nam, để cho ra được sản phẩm có nhiều tính năng giải quyết được các vấn đề của lĩnh vực ngân hàng nước ta.

unnamed

Anh đã nhìn thấy cơ hội gì ở thị trường Việt Nam để rồi ra quyết định sẽ “tấn công” nó?

Dân số Việt Nam là 92 triệu dân, trong đó đến 70% không có tài khoản ngân hàng. Nhưng để tiếp cận được con số này bằng cách thức truyền thống là rất khó. Vì khách hàng hiện nay đã không còn như 10 – 15 năm trước nữa, họ yêu công nghệ và có những cách tiếp cận thông tin rất mới. Trong khi, phần lớn ngân hàng chỉ chú trọng chạy theo doanh thu, nâng cấp cơ sở hạ tầng, triển khai dự án mới mà quên mất một điều: khách hàng vẫn luôn là trọng tâm của việc kinh doanh.

Fintech sẽ kết nối dịch vụ ngân hàng với khách hàng một cách mật thiết hơn, đưa ngân hàng thích nghi và đáp ứng với nhu cầu thực tế của khách hàng tốt hơn, với chi phí thấp, nhân lực nhỏ gọn, hệ thống dễ vận hành.

Nói tóm lại, khách hàng sẽ là trung tâm của mọi hoạt động tài chính, tôi nghĩ đó cũng là điều các ngân hàng đang hướng tới.

Vậy tại sao các ngân hàng không tự chủ động thay đổi để theo kịp thời cuộc?

Trước đây 5-6 năm, khi mà các ngân hàng nước ta nhận ra xu thế số hóa, họ bắt đầu làm Internet Banking và đưa lên website. Rồi sau đó, khi mà điện thoại thông minh bùng nổ, thì họ tạo ra ứng dụng Internet Banking để đưa lên di động. Dù là trên website hay di động thì bạn có nhận ra rằng chức năng của nó hoàn toàn như nhau, chỉ khác là một cái màn hình lớn, một cái màn hình nhỏ.

Ngân hàng ở Việt Nam chưa suy nghĩ theo cách người dùng đang cần gì, và cũng chưa số hóa được các dịch vụ cơ bản. Nếu bạn muốn vay tiền thì vẫn phải mang mang hồ sơ giấy tờ đến gặp nhân viên nhiều lần, rồi chờ được duyệt. Phải làm hết các quy trình đó thì năm 2018 cũng đâu khác gì 2010. Cái khó của ngân hàng là họ vẫn phải kéo trên vai “chiếc ba lô” hàng chục năm kinh nghiệm, không dễ nhận ra cần thay đổi gì.

unnamed-1

Chúng tôi thì không, bởi thế chúng tôi có cách tư duy khác biệt. Nếu một bên là ngân hàng với rất nhiều kinh nghiệm, một bên là Weezi Digital có rất nhiều hiểu biết về công nghệ và ý tưởng mới mẻ cùng kết hợp, thì chắc chắn sẽ tạo ra sản phẩm rất giá trị.

Dù làm chủ công nghệ, nhưng bước chân vào thị trường tài chính dường như là điều không dễ dàng?
Chính xác. Lĩnh vực này có rất nhiều luật lệ, nên để giải quyết các vấn đề về tài chính bằng biện pháp kỹ thuật thì cũng phải tìm ra kỹ thuật phù hợp với luật pháp. Tiếp đến, khi bạn làm Fintech thì bạn không thể đi một mình, mà bắt buộc phải liên kết với ngân hàng để phát triển. Chúng tôi cũng cần tìm kiếm những đối tác có thể bước cùng nhau trên một con đường. Bù lại thì sự cạnh tranh của ngành Fintech ở Việt Nam chưa thực sự quá lớn cho nên cơ hội cũng khá nhiều.

Phải quản lý đồng thời hai công ty, chưa kể là nhiều dự án khác, anh sắp xếp thời gian cho gia đình như thế nào?

Vợ vẫn hay gọi tôi là “Daddy 15 phút” (cười). Đúng là rất khó để có nhiều thời gian cho gia đình. Mỗi ngày, tôi ở công ty từ 9 giờ sáng cho đến 9 giờ tối, luôn là người cuối cùng đóng cửa ra về, chưa kể thứ Bảy tôi cũng phải làm việc. Vậy nên cứ hễ rảnh một chút là tôi chỉ biết có vợ và con gái thôi, chẳng còn tâm tư mà ăn với chơi. Có lẽ nhờ… “ngoan” vậy mà không bị càm ràm mỗi lần về nhà trễ (cười).

Điều gì làm anh tự hào nhất trong suốt quãng thời gian khởi nghiệp của mình?

Đó chính là đồng đội của mình. 12 năm tôi về Việt Nam cũng là từng ấy thời gian các anh em đã theo tôi làm việc, trải qua bao trở ngại, thất bại mới học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Tôi có ý tưởng và tầm nhìn, nhưng để hiện thực hóa thì cần những con người sống chết đi cùng nhau. Nếu không có những người anh em ấy sau lưng thì tôi đã không có ngày hôm nay.

Trước là F&B, giờ là Fintech, liệu trong tương lai anh có còn dấn thân vào một lĩnh vực mới nào không?

Tôi đã gần 40 tuổi rồi, cũng không phải là còn trẻ nữa (cười). Vì thế nên sẽ tập trung vào Weezi Digital, tất cả mọi người đã bỏ rất nhiều công sức vào nó. Sự thành công cho dự án này là lời hứa của tôi với mọi người.

Cảm ơn anh vì buổi trò chuyện ngày hôm nay!


From the same category