Những năm xa xưa, trong văn hóa ứng xử gia đình của nhiều nước phương Đông, đặc biệt là những nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo Trung Quốc, thì việc trong nhà có “con ngoan” hay “vợ ngoan” là điều thường thấy.
Tất nhiên, cũng vẫn ở hồi ấy, khái niệm “chồng ngoan” là vô cùng khó gặp. Theo trì trệ tập tục, chồng thường là cột trụ, là ông chủ gia đình. Nếu bố mẹ đã già thì ông ta đương nhiên là ông số Một.
Khi có quyền, ông ta không hư đã là may, còn chuyện bỗng là ngoan thì lấp lánh vời vợi, xa xôi như thần thoại. “Từ điển tiếng Việt” của nhà xuất bản Lao Động tự tin giải thích: “ngoan” là tính từ, nghĩa của nó là “dễ dạy”.
Còn Từ điển của Trung tâm KHXH và NV Quốc gia thì dài dòng hơn nhưng chưa chắc đã đúng hơn: “Ngoan” thường nói về trẻ em và các cô gái trẻ: Có khả năng ứng phó phù hợp với khuôn phép trước những tình huống đã được huấn luyện”.
Có lẽ vì không chịu tra từ điển nên vô số thiếu nữ đã lâng lâng bước lên kiệu hoa để bay bổng tiến vào hôn nhân mà không biết rằng mình sẽ phải thành ngoan.
Vợ ngoan có nhiều kiểu, nhưng nói chung theo các bà mẹ chồng thì loại ngoan nhất là sau khi được qua “huấn luyện” chợt tự nghẹn ngào, chân thành khai ra toàn bộ số của hồi môn.
Nếu đây đã là truyền thống thì rất đáng giữ gìn và cho đến nay hình như lác đác vẫn còn. Ví như kẻ viết bài này, ngay sau đêm tân hôn đã vất vả ròng rã tra khảo suốt nửa năm giời mà hiền thê kiên quyết không chịu khai.
Trong “Từ điển Hán Việt”, học giả Đào Duy Anh gọi chung tất cả những “người vợ cứng cổ” này là “ngoan phụ”, chữ “ngoan” được viết ở đây giống hệt như chữ “ngoan” trong “ngoan cố, ngoan cường”.
“Chồng ngoan” là thuật ngữ đương đại, còn kha khá mới, đại loại nó tối tân gần như lý luận văn học hậu hiện đại hay như nghệ thuật sắp đặt installation.
Xuất xứ của nó rất khó đoán, có người mê xinê cho rằng nó xuất hiện cùng thời với việc điện ảnh nước ta nhăm nhe canh tân khi có thêm giải Cánh Diều vàng.
Nhưng cũng có người mê nhạc phản bác, nó là hệ quả tất yếu của phong trào nghe ca từ gây sốc ở bài hát Việt, nơi vừa có uốn éo í a dân ca lại vừa có dậm dật pốp rốc ráp.
Tựu chung, “chồng ngoan” là tinh hoa đặc sản của một giai đoạn lịch sử có nghệ thuật thịnh trị yên lành. Thành ngữ có câu “giai thời loạn, gái thời bình”.
Lúc đánh nhau, đàn ông là nòng cốt. Lúc thanh bình, đàn bà hiển nhiên là chính yếu. Hơn ba mươi năm hòa bình ở ta, thì việc có các bà vợ biết làm tổng giám đốc, biết kiếm tiền như rác, biết lái xe hơi, biết sẵn sàng ly dị là chuyện không hề hiếm.
Nửa đêm giờ tí canh ba, vợ lảo đảo say rượu đi về muốn nôn thì chồng ngoan phải biết “ứng phó phù hợp với khuôn phép”, ân cần lấy khăn ấm, lấy chậu sạch cung cúc nâng niu mà để… hứng.
Có điều, lúc vợ đã giấc nồng thiêm thiếp ngủ, tất cả các chồng ngoan đều khó cưỡng lại cái ý định mở ví vợ, khe khẽ rút lõi dăm ba tờ tiền không chẵn lắm.
Và chồng là thật ngoan, thường không dùng tiền ấy vào việc hút hít lô đề cờ bạc, mà tất tả chạy ra phố bán sách giá rẻ Nguyễn Xí mua lấy mươi cuốn còn thiếu trong bộ tổng tập “Cẩm nang dạy làm người”.
Cho đến bây giờ, khác hẳn với số lượng tiếp viên nữ ở các quán karaoke hay massage, số lượng chồng ngoan chưa được đầu tư khảo sát một cách chính xác.
Đơn giản, nhiều học giả vừa có chữ lại vừa có tử tế, tuy không coi chồng ngoan là thành tựu nhưng cũng không khinh bạc coi đấy là tệ nạn. Thỉnh thoảng hiếm hoi ở vài hội thảo loanh quanh xã hội học, thì có để ra vài giờ lẻ miễn cưỡng bàn về hiện tượng này.
Phía ngoài hành lang, người ta hay minh họa bằng những chuyện gần như có thật. Ví dụ, một người khét tiếng là chồng ngoan mời khách đến ăn bữa trưa. Khách tới, thấy ông chủ nhà một mình chăm chỉ gọt khoai tây, như thế là đủ biết tính bạn liền xin phép vào trong nhà chào vợ của bạn.
Khi mở cửa buồng, khách tái mặt giật mình vì thấy trên chiếc giường là chị vợ đang “xếchxi” nằm với một tay râu rậm xồm xoàm. Khách vội vã chạy ra mách, nghe xong ông chồng ngoan hốt hoảng: “Bỏ mẹ, thế lại phải chạy ra chợ mua thêm khoai rồi. Tớ không biết trưa nay cô ấy mời thêm khách”.
Nhiều người uyên bác khẳng định rằng, tất cả chồng ngoan đều là những người hiền. Có điều lạ, khi đột ngột bất hạnh hay buồn phiền họ không bao giờ buông thả bỏ đi uống rượu, mà thường lặng lẽ cô đơn rưng rưng đi xem phim “Gái nhảy” của đạo diễn Lê Hoàng.
Trần Khôi Việt |