1. Chỉ số SPF nói lên điều gì?
SPF (Sun Protect Figure) nghĩa là chỉ số báo hiệu yếu tố che chở da khỏi ánh nắng mặt trời. SPF chỉ định khả năng chất chống nắng giúp trì hoãn sự phát sinh khả năng cháy da khi tiếp xúc tia nắng và để chỉ sự đo lường khả năng chống tia UVB. Cách chọn chỉ số SPF phù hợp tùy thuộc vào môi trường tiếp xúc nắng và khả năng chịu đựng nắng ở mỗi người.
SPF 2 cung cấp 50% màng bảo vệ cho da khỏi tia UVB; SPF 8 cung cấp 87.5%; SPF15 cung cấp 93.33% và SPF30 cung cấp 96.6% màng bảo vệ cho da khỏi tia UVB và một vài tia UVA… Dù bạn sử dụng SPF cao nhưng khả năng bảo vệ không bao giờ đạt đến 100%. Tuy nhiên, chỉ số càng cao sẽ đồng nghĩa với khả năng các chất hóa học có trong sản phẩm càng gia tăng, dễ dẫn đến vấn đề khô da, kích ứng và nhạy cảm. Mức độ chống nắng vừa đủ và an toàn là SPF15 đến SPF20. Tuy nhiên, nếu sử dụng sản phẩm chống nắng dạng cơ học, chỉ số SPF sử dụng có thể lên đến 30.
Khi sản phẩm được báo hiệu là SPF15, SPF20, SPF30, SPF50+ (chỉ số chống nắng cao nhất)… được ghi trên sản phẩm chính là khoảng thời gian da được bảo vệ khỏi tác động của ánh nắng mặt trời. Ký hiệu + ở đây có nghĩa là PA (Prtection Grade), biểu hiện khả năng lọc tia cực tím bước sóng A (UVA), có 3 cấp độ khác nhau: PA+ (hiệu quả), PA++ (rất hiệu quả) và PA+++ (hiệu quả cao nhất).
Mỗi độ chống nắng SPF có khả năng bảo vệ da từ 10 – 15 phút, trong khi đó, thời gian các sản phẩm bắt đầu có hiệu quả lọc tia cực tím sẽ được tính như sau: Chỉ số SPF X 10 – 15 phút. Ví dụ: 10 – 15 phút X chỉ số 30 của SPF = 300-450/phút. Sau thời gian này bạn phải bôi lại là thời gian giúp bạn bảo vệ da không bị bắt nắng.
2. Cơ chế ngăn ngừa UV của các sản phẩm chống nắng như thề nào?
Tia UV xuyên qua hàng rào phòng ngự của da, xuyên thẳng đến hạ bì và làm hư hại ADN, tăng cường lão hóa, làm sạm da và có thể gây ung thư da. UVA tồn tại suốt 24h, vào các ngày thời tiết ẩm thấp, trời râm mát vẫn có tia UVA chiếu xuyên qua các đám mây mù gây ra những tác hại cho da, tác hại trực tiếp tới sức khỏe con người và môi trường.
Theo các nhà nghiên cứu thì phổ của tia cực tím được chia ra làm các phần như: có bước sóng dài nhất (380 – 315nm), tia UVA được gọi là sóng dài hay ánh sáng đen; tia UVB có bước sóng ngắn hơn (315 – 280nm) gọi là bước sóng trung bình và tia UVC bước sóng ngắn nhất (280nm) gọi là sóng ngắn. Đồng nghĩa với việc, trong ánh nắng mặt trời sinh ra những loại tia tác động trực tiếp lên da đáng kể như: Tia cực tím A (UVA), gây cảm giác kim châm nhẹ, chính là nguồn gốc gây lão hóa da như nhăn da, nám da, da bị chảy xệ; Tia cực tím B (UVB) làm cho da rám nắng, phồng rộp, sưng tấy ửng đỏ và dễ gây ung thư da…
Các sản phẩm chống nắng 3 tác động, với các chất chống nắng được nghiên cứu kỹ lưỡng và chuyên sâu về thành phần và nồng độ, tạo nên một lớp màng che chắn bảo vệ da, khi tia UV chiếu vào màng chống nắng sẽ phản xạ lại và trung hòa các tia UV, không cho tia UV thấm sâu vào da.
3. Lựa chọn sản phẩm chống nắng nào là thích hợp?
Da bạn thuộc thành phần nhờn, khô hay hỗn hợp? Hãy nhớ, đó chỉ là các thuộc tính của da và không phải ngày nào da cũng ở nguyên một trạng thái. Nên xem xét để dựa vào tình trạng da mỗi ngày để sử dụng sản phẩm chống nắng cho phù hợp. Chính vì vậy, bạn nên có ít nhất hai sản phẩm chống nắng cho từng vùng da và cho từng hoàn cảnh cụ thể.
Có hai dạng chống nắng thiết yếu để bạn có thể tham khảo, đó là: Dạng hóa học (với các thành phần hóa học giúp hấp thụ tia nắng và lọc sạch các tác hại từ tia nắng, dành được cho tất cả các loại da và tình trạng da) và Dạng cơ học (với các thành phần như titanium dioxide, zinc oxide, phản chiếu ánh sáng không cho hấp thụ lên da, dành cho những người phản ứng hoặc dị ứng với các thành phần dạng hóa học).
>> Các dạng chống nắng:
– Dạng chai xịt: Phù hợp cho mọi đối tượng, đặc biệt là da dầu, những người thích chơi thể thao và đổ nhiều mồ hôi.
– Dạng dung dịch không chứa dầu: Giúp chống nắng đồng thời hấp thụ đi lượng dầu dư thừa trên da, phù hợp cho người có da dầu và có xu hướng nổi mụn.
– Dạng khăn giấy ướt có tẩm chất chống nắng: Tiện dụng khi đi ngoài trời.
– Dạng chất tăng cường: Có thể dùng độc lập để đạt chỉ số chống nắng tối đa hoặc pha trộn vào kem dưỡng hoặc phấn nền.
>> Chọn kem chống nắng theo từng trường hợp cụ thể:
– Khi thời tiết se lạnh làm da khô nên chọn kem chống nắng dạng kem bôi để bổ sung độ ẩm cho da.
– Khi thời tiết oi bức, nóng ẩm nên dùng dạng xịt để da được thông thoáng, không làm bít lỗ chân lông. Không nhất thiết phải áp dụng nguyên tắc da nhờn chỉ dùng một loại sản phẩm cho da nhờn, da khô dùng một loại cho da khô. Như vậy, da sẽ không hấp thụ được hiệu quả.
– Khi thời tiết ở nhiệt độ bình thường nên sử dụng sản phẩm có chỉ số SPF15 đủ cho nhu cầu bảo vệ da hàng ngày.
– Nếu phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời gian lâu như hoạt động thể thao nhẹ ngoài trời bạn nên chọn sản phẩm có chỉ số SPF cao hơn như SPF30.
– Đối với những hoạt động phải vận động mạnh dưới nắng nhiều giờ hay tham gia các chuyến du ngoạn xa như vùng đảo, biển nóng (nhất là đối với những người da có mẫn cảm với tia cực tím) nên chọn SPF50. Khi đi biển, vận động liên tục ngoài trời nên chọn sản phẩm SPF50+…
>> Lưu ý:
– Hãy chọn mua các sản phẩm chứa zinc oxide kẽm, titanium dioxide hoặc chất avobenzone vì chúng lọc được tia UVA hoặc chọn những loại có phổ chống nắng rộng vừa lọc được tia UVA, vừa lọc được tia UVB.
– Khi da đang có vấn đề như bị mụn trứng cá, dị ứng, nám… vẫn có thể dùng kem chống nắng nhưng nhất thiết phải có sự tư vấn của các bác sĩ da liễu. Đối với da bị mụn trứng cá nhiều tốt nhất nên dùng sản phẩm chống nắng dạng xịt để da thông thoáng, không gây bí cho da và làm nghẽn lỗ chân lông. Nếu da đang bị sạm, nám nên dùng kem chống nắng có chỉ số cao. Còn với làn da nhạy cảm, sản phẩm thích hợp là kem chống nắng không chứa chất bảo quản và tinh dầu thơm.
4. Chỉ cần thoa kem chống nắng một lần cho cả ngày là đủ?
Tia nắng mặt trời vào những giờ cao điểm từ 11h trưa cho đến 16h chiều rất mạnh. Tia UV trong thời gian này có thể xuyên qua hàng rào phòng ngự của da, xuyên thẳng đến hạ bì và làm hư hại AND, tăng cường lão hóa, làm sạm da và có thể gây ra ung thư da. Tốt nhất, bạn chỉ nên phơi nắng trước 9 giờ sáng. Việc mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang, đeo kính, mang găng tay… cũng chỉ hạn chế được nhiều nhất 70% tác hại của tia nắng lên da.
Trước khi tiếp xúc với ánh nắng, nên dùng sản phẩm chống nắng trước 30 phút làn da đủ thời gian hấp thu và phát huy được hiệu quả của sản phẩm chống nắng. Số lần dùng sản phẩm chống nắng trong ngày phụ thuộc vào chỉ số SPF và sự lưu giữ sản phẩm trên da (theo cách tính thời gian ở câu 1). Số lượng dùng sản phẩm chống nắng trên vùng da tiếp xúc với ánh nắng là khoảng 30gam cho toàn cơ thể, riêng vùng mặt và cổ thường dùng 3-5gam. Nếu lớp kem mỏng quá, khả năng bảo vệ da sẽ không tương đồng với chỉ số chống nắng ghi trên nhãn.
Lưu ý: Bụi bặm, mồ hôi, quần áo và nước cũng có thể làm thay đổi thời gian hiệu quả của kem.
5. Trang điểm thì có cần phải sử dụng kem chống nắng?
Nên sử dụng kem chống nắng như một thói quen hằng ngày kể cả khi bạn có trang điểm hay không. Nhiều quan niệm cho rằng, các sản phẩm trang điểm như: phấn, kem dưỡng da, kem nền, son môi… đã có thành phần chất chống nắng thì không cần dùng kem chống nắng nữa nhưng thực ra, chất chống nắng trong các sản phẩm đó chỉ là một chức năng phụ nên khả năng bảo vệ thấp, lớp kem, phấn phủ lại quá mỏng để có thể bảo vệ da bạn. Vì vậy, nếu bạn phải ở lâu ngoài trời nắng vẫn nên dùng một lớp kem chống nắng riêng trước khi trang điểm. Hãy sử dụng kem chống nắng như bước cuối cùng khi dưỡng da, sau đó mới đến makeup.
Nếu tất cả các mỹ phẩm bạn dùng đều có chỉ số chống nắng thì thời điểm bạn sử dụng sản phẩm có chỉ số cao nhất sẽ được tính là thời gian chuẩn để bảo vệ da.
Đừng quên các sản phẩm chống nắng dành riêng cho tóc (SPF20 – SPF35) như dầu gội, nước dưỡng tóc cho đến keo xịt, gel chải tóc… để giúp cho tóc không bị khô, giòn hoặc cháy khi ra nắng…
BS Nguyễn Ngọc Yến (Bệnh Viện Da Liễu Hà Nội)
Lưu Hương – Yến Trang
|