Người phụ nữ làm chủ doanh nghiệp của mình bằng "bàn tay sắt trong chiếc bao nhung" (Napoleon), bằng nữ tính nhẹ nhàng mà cương quyết, chịu đựng và cởi mở, kiên trì mà thuyết phục, chiếm lĩnh mục tiêu bằng nghệ thuật hơn là kỹ thuật, bằng lắng nghe, cái duyên thầm, sự im lặng đúng chỗ mang sức nặng ngàn cân
1. Nhật báo Wall Street nổi tiếng của Mỹ, ngày 19/7/2007 đã đăng trên trang nhất bài viết giới thiệu vai trò của phụ nữ Việt Nam trong hoạt động kinh tế thời đổi mới. Theo phóng viên Laura Santini, tác giả bài báo, thành công đối với phụ nữ Việt không phải là chuyện hiếm thấy trong giới kinh doanh thành đạt hiện nay.
Theo ước tính của các nhà phân tích, phụ nữ ta đang giữ cương vị lãnh đạo tại các công ty chiếm tới 30% tổng giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, tại Mỹ, chỉ chưa đầy 2% trong số 500 công ty có tên trong danh sách hàng năm của tạp chí Fortune là do phụ nữ lãnh đạo.
Tại Nhật Bản và Hàn quốc, phụ nữ thường không được khuyến khích theo đuổi sự nghiệp kinh doanh và rất hiếm khi họ leo lên được các vị trí cao nhất.
Bản tin trên gợi lên những suy nghĩ và cảm xúc gì, khi chúng ta thử chia sẻ những chông gai, gian khó mà các nữ doanh nhân phải vượt qua, nhất là những người tạo dựng sự nghiệp sau cơn sóng gió của gia đình?
2. Trước hết là sự cảm phục, bởi kinh doanh là một công việc gian truân, đòi hỏi bản lĩnh, sự khôn ngoan và sức chịu đựng cao.
Người phụ nữ có thừa những điều cơ bản đó, nhưng họ bị ràng buộc chặt chẽ hơn người chồng rất nhiều, trong việc quán xuyến gia đình, con cái. Chỉ riêng chuyện sinh và nuôi em bé cũng đủ làm con đường hoạn lộ dở dang.
Ở các nước công nghiệp hiện nay, rất ít gia đình có trên hai con. Gánh nặng nuôi dưỡng, về mặt vật chất lẫn tinh thần sẽ chi phối toàn bộ cuộc sống. Không mấy ai có đủ khả năng tài chính để thuê người giúp việc nhà. Tổng giám đốc cũng phải tự lái xe.
Gánh nặng luôn là gánh nặng. Gánh nặng cần sự chia sẻ cho hai người thì oái ăm thay, nhiều gia đình đã phải ly tán vì chính gánh nặng ấy. Ai cũng nói đến stress và công việc kinh doanh thường là một nguồn sản sinh stress mỗi giờ mỗi phút.
3. Có những nghịch cảnh thổi bùng lên vẻ đẹp tuyệt vời của một bản lĩnh, một hành động đẫm chất anh hùng. Joan Rowling, tác giả Harry Potter, là một thí dụ.
Nếu không bị hoàn cảnh gia đình khó khăn, buồn chuyện riêng tư và thất nghiệp, bà Rowling đã chẳng viết Harry Potter như một liệu pháp đem lại sự bình an cho tâm hồn mình, mà còn mở ra một thế giới cổ tích tuyệt vời.
Bưu điện nước Anh vừa tuyên bố phát hành tem Harry Potter, công ty đồ chơi Lego mua bản quyền các nhân vật của tác phẩm này, Coca Cola trả 150 triệu USD để hình ảnh Harry Potter xuất hiện trên các chai nước ngọt và trên các quảng cáo của hãng.
Bà Rowling, người thất nghiệp nằm sát đáy xã hội, đã trở thành phụ nữ Anh bên cạnh Nữ hoàng Elizabeth có tên trong danh sách các tỷ phú thế giới do tạp chí Forbes bình chọn cho năm nay.
4. Ở nước ta cũng có một câu chuyện cảm động lạ lùng và đi vào lòng người Việt Nam một cách sâu đậm: câu chuyện của cô Nguyễn Thị Sáng với tác phẩm "Cuộc đời của mẹ". Cô Sáng học xong lớp 4 thì nghỉ do nhà nghèo quá. Cô đi dân công hỏa tuyến từ 1969-1972 và sau đó làm công nhân bốc vác, rồi bán ốc, vé số… nuôi hai con ăn học một cách cực nhọc.
Cuộc đời cơ cực với những éo le, đau thương và cay đắng đã được ghi lại trong tác phẩm của cô. Một phần câu chuyện đã được dựng thành phim "Thầm lặng". Cái nhìn và cách xử lý trong cuộc sống nhọc nhằn của cô Sáng đem lại sự xúc động và niềm thương cảm sâu xa.
Một phụ nữ hết lòng nuôi con và chống đỡ mọi nghiệt ngã rất xứng đáng có một vị trí bên cạnh những nữ doanh nhân điều cả ngàn binh, khiển cả chục tướng, bởi cái điểm bắt đầu của những người như cô Sáng là con số âm to tướng.
Qua những chấn động thương đau, một cơn sốc mãnh liệt, con người có thể trở thành triết gia sau một đêm. Nhưng ngòi bút chân thật, đầy ắp tình người của một phụ nữ trình độ lớp 4 đã đặt ra câu hỏi lớn cho biết bao nhà văn và nhà trí thức khác: chúng ta đã có đủ tình thương, tấm lòng thành, sức chịu đựng và ước mơ như cô Sáng chưa?
Là người kinh doanh, tôi cũng tự đặt cho mình một câu hỏi: Nếu mình rơi vào hoàn cảnh của cô Sáng, liệu có xoay sở và giữ được mình như thế nào trong cõi ta bà đau thương đó?
5. Hỡi những nhà quản trị tài danh của thế giới! Các ngài đi nhiều, thấy nhiều, hiểu nhiều. Các ngài có nhìn thấy khắp nơi trên hành tinh này vẫn còn những tầng áp bức hào nhoáng, những tập tục khoác áo văn minh, những quy định và thành kiến xã hội bao trùm lấy người phụ nữ?
Họ bước vào đời với những chông chênh và sự thiếu công bằng. Chỉ riêng cách nhìn trọng nam khinh nữ, quan điểm khá phổ biến trong xã hội như "chồng phải giỏi hơn vợ", "con gái học chi cho nhiều, bằng cấp cao thì càng khó lấy chồng"… cũng đủ o ép chỗ đứng của người phụ nữ trong nhiều lãnh vực.
Chính vì thế, hình ảnh của các nữ doanh nhân thành đạt càng thêm nổi bật khi họ đi lên một cách vinh quang từ những điểm khởi đầu thiếu thuận lợi, nhìn từ góc độ xã hội nói chung.
6. Một giám đốc nam bệ vệ ngồi trong xe hơi bóng lộn, có tài xế phục vụ. Ông ta vào ra khách sạn sang trọng và qua đêm tại đó sau những tiệc tùng vui vẻ với đối tác. Ấy là điều quá bình thường.
Nhưng một nữ giám đốc làm y chang như vậy thì lại chẳng dễ dàng vì quan niệm thường tình của xã hội cũng chưa đủ cởi mở và cảm thông. Một nữ giám đốc độc thân lại càng khó khăn hơn dưới búa rìu dư luận. Ấy là điều không được bình thường.
Người phụ nữ làm chủ doanh nghiệp của mình bằng "bàn tay sắt trong chiếc bao nhung" (Napoleon), bằng nữ tính nhẹ nhàng mà cương quyết, chịu đựng và cởi mở, kiên trì mà thuyết phục, chiếm lĩnh mục tiêu bằng nghệ thuật hơn là kỹ thuật, bằng lắng nghe, cái duyên thầm, sự im lặng đúng chỗ mang sức nặng ngàn cân.
Người phụ nữ nở nụ cười tự nhiên và đôn hậu thường được ghi lại trong mọi cổ thư là "đã thắng một nửa". Uy lực của những bóng hồng chính là quyền lực mềm mại.
7. Các bạn có thể đọc trên tạp chí ĐẸP những câu chuyện, những bài phỏng vấn các nữ doanh nhân, với những tình tiết và hoàn cảnh tưởng chừng đi vào ngõ cụt. Họ đã đứng lên thay vì gục ngã như nhi nữ thường tình.
Họ đứng lên là lớn lên trong danh dự và lòng tự trọng, chí tiến thủ, khắc phục khó khăn. Có thể tất cả đều đã xuất phát từ một nguồn sức mạnh chủ lực là chữ Tình, bên cạnh chữ Lý tự nhiên phải có.
Như câu chuyện về một bà mẹ mất con trong chiếc nôi bị hổ dữ tha đi. Dân làng đổ xô đi tìm, đánh phèng la, cầm cung tên giáo mác. Trai tráng trong làng, quan quân triều đình mệt nhoài chạy theo vết chân cọp. Đến lúc mọi người rã rời trong thất vọng, nằm xoài ra nghỉ ngơi trước lúc rút quân, họ nhìn thấy bà mẹ trẻ băng băng ôm con mình chạy từ đỉnh núi trở về làng.
Dân làng ngạc nhiên xúm lại hỏi bà mẹ ấy: "Từ đâu cô có sức mạnh dẻo dai và lòng can đảm tuyệt vời như vậy?". Câu trả lời rất đỗi đơn giản: “Vì đó là con tôi. Vì tôi là một người mẹ!”.
Xin cho tôi ngả mũ chào cảm phục những phụ nữ tự mình gây dựng doanh nghiệp. Xin trích một câu ngạn ngữ Ả Rập để nói lên những điều kỳ diệu trong trái tim người phụ nữ, người vợ có thể có hạnh phúc hoặc không, người có may mắn hoặc không, người mẹ có thể có niềm vui hoặc không, nhưng gánh nặng con cái và gia đình luôn đè trên vai, dằn trong tim: "Vì Chúa không thể ở khắp mọi nơi, nên Thượng đế đã sản sinh ra các bà mẹ".
Nguyễn Thanh Lâm |
Những tin liên quan
Nguyễn Hồng Mai: Tôi sẽ viết tiểu thuyết…
Lê Thị Mỹ Dung – Sức mạnh chỉ xuất hiện khi khó khăn