Chồng đi xe của vợ bị phạt thế nào?

Sang tên đổi chủ là bắt buộc

Thượng tá Nguyễn Kim Hải, Phó trưởng phòng Hướng dẫn đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ – Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt (C67 – Bộ Công an) cho biết: Trong thông tư 36 của Bộ Công an đã quy định rõ, việc đăng ký xe sau 30 ngày mua bán thì phải sang tên đổi chủ, sau 30 ngày đó, nếu không làm thủ tục này, khi CSGT phát hiện sẽ tiến hành xử phạt.

Thượng tá Hải cũng giải thích rõ, mua, bán, cho tặng không sang tên đổi chủ theo đúng quy định mới tiến hành xử phạt theo quy định, còn trong trường hợp mượn xe như: chồng đi xe của vợ, con đi xe của bố mẹ… thì không bị xử phạt. Thậm chí hợp đồng lái thuê cũng không bị xử phạt.

Đưa ra một tình huống thực tế: Chồng đi xe có giấy tờ đăng ký đứng tên vợ, khi lực lượng CSGT kiểm tra người điều khiển không chính chủ phương tiện thì sẽ xử lý như thế nào?

Thượng tá Hải trả lời: Nếu khi kiểm tra giấy tờ thấy người chồng điều khiển phương tiện của vợ (không chính chủ) bằng nghiệp vụ lực lượng CSGT sẽ hỏi nếu đúng là vợ chồng (hoặc người thân trong gia đình) thì không bị xử phạt.

Còn trong trường hợp cần thiết phải làm rõ buộc phải xác minh thì lực lượng sẽ kiểm tra và có biện pháp tra cứu ra chính xác chủ là ai ở đâu để xử lý.

 

CSGT làm nhiệm vụ trên đường (Ảnh chụp sáng 10/11: P. Hải) 

Nói về quy định bắt buộc phải sang tên đổi chủ, ông Hải cho rằng, việc sang tên đổi chủ là rất cần thiết và bắt buộc người dân mua bán cần phải thực hiện, bởi nếu không cơ quan quản lý sẽ rất khó quản lý.

Có chiếc xe gây tai nạn (hoặc được sử dụng hoạt động phi pháp) lực lượng công an cần phải xác định biển số xe đó đúng chủ xe để tiến hành xử lý vụ việc. Nhưng do chiếc xe không sang tên đổi chủ và được bán qua tay 10 người thì rất khó xác định được chủ xe nên rất khó khăn cho công tác quản lý”, ông Hải dẫn chứng.

Xác định được chủ xe mới xử phạt

Nghị định 71/2012 sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP về quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày hôm nay (10/11). Trong đó có quy định, những trường hợp không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện hoặc làm thủ tục đăng ký mới sẽ bị xử phạt từ 6-10 triệu đồng/xe đối với ôtô, riêng xe máy xử phạt 1 triệu đồng.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGTQG chia sẻ, nước ta chưa có số liệu chính xác bao nhiêu phần trăm người đang đi ô tô, xe máy là chủ sở hữu phương tiện nhưng theo điều tra xã hội học thì người đi xe không chính chủ chiếm 45%, chủ yếu là xe máy.

 

Phải xác định rõ chủ phương tiện mới phạt. 

Vì vậy, căn cứ tình hình thực tế tại Việt Nam thì lực lượng công an tiến hành việc xử phạt với những trường hợp này là rất khó”, ông Hiệp khẳng định.

Lý giải cho thực tế này, ông Hiệp cho rằng, hiện nay, vấn nạn mua xe máy không sang tên đổi chủ đã trở thành thói quen nên không ai nghĩ đến việc là chủ sở hữu phương tiện. Ngoài ra, số lượng phương tiện quá nhiều đồng thời người mua xe chưa muốn sang tên đổi chủ vì không muốn nộp thuế quá cao theo quy định hiện hành của Pháp lệnh Phí, Lệ phí trong việc sang tên đổi chủ phương tiện.

Chứng minh cho vấn đề trên, ông Hiệp đưa ra dẫn chứng, có nhiều trường hợp xe được chuyển nhượng, mua bán hàng chục lần nên giờ không biết chủ của xe là ai.

Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng bày tỏ quan điểm của việc người điều khiển phương tiện không chính chủ khi bị lực lượng kiểm tra, xử phạt sẽ phải chứng minh tính pháp lý của xe như xe đó là đi mượn hay là mua lại hoặc xe của bạn bè, người thân nhưng phải có giấy tờ đăng ký của chủ xe thì sẽ không bị xử phạt.

Chưa xác định được rõ ràng chủ sở hữu phương tiện thì chưa thể xử phạt. Lực lượng chức năng khi tiến hành xử phạt phải xác định chủ phương tiện đó là ai, xe đó có phải không có chủ sở hữu?” – ông Hiệp đặt ra câu hỏi.

Ngoài ra, theo ông Hiệp, các xe nếu được sang tên đổi chủ sẽ đảm bảo tốt công tác ATGT nhằm quản lý phương tiện và xử phạt thông qua hình ảnh của lực lượng chức năng góp phần giải quyết các vụ án hình sự, TNGT nhanh chóng.

Để giải quyết tình trạng xe không chính chủ, ông Hiệp cho biết: “Ủy ban ATGT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi lại mức phí sang tên đổi chủ vì mức phí hiện nay là quá cao nên cần hạ xuống mức thấp nhất và mức phí chuyển nhượng chủ xe không phải là nguồn thu mà chỉ là dịch vụ”.

Theo Vietnamnet


From the same category