Thậm chí còn xém nhận giải Grammy!
Bấy nhiêu đủ để thấy ban nhạc và cá nhân thủ lĩnh Adam Levine tài năng cỡ nào! Có thể sẽ không ít người chê album mới “Overexposed” của họ là quá bóng bẩy hay “thị trường”. Nhưng ngược lại, rất nhiều fan nữ sẽ khó mà cưỡng nổi những ca khúc “nịnh đầm chuyên nghiệp” của họ. Đừng mong tìm kiếm dấu vết alternative rock kiểu “Harder to breathe” hay “This love” cách đây 10 năm. Maroon 5 của “Overexposed” mang “chất chơi” hơn rất nhiều với synthpop, reggae thậm chí cả dance pop. Adam Levine của năm 2012 cũng sexy hơn rất nhiều từ vẻ ngoài, giọng hát cho tới ca từ. Chỉ cần nhìn những cái tên trong danh sách nhà sản xuất như Max Martin, Benny Blanco hay Ryan Tedder, bạn cũng đủ hiểu đây là một đĩa nhạc thị trường điển hình. Nhưng chơi nhạc “thị trường” như Maroon 5 cũng đâu phải chuyện dễ.
Album “Overexposed” của nhóm Maroon 5
Xét cho cùng, Maroon 5 chưa bao giờ được coi là một ban nhạc rock. Âm nhạc của họ đề cao sự thoải mái. Rock hay pop chỉ là cái nền để các chất liệu khác được đưa vào thể hiện tốt chủ đề ca khúc. Chính vì thế, “Overexposed” không phải một sự lột xác nào đó mà đơn giản nó làm rõ hơn những gì Adam Levine và các cộng sự của anh đã làm từ những album trước. “Chúng tôi không bao giờ bảo nhau rằng chúng ta là một ban nhạc thế này hay thế kia. Chúng tôi là một ban nhạc và chúng tôi chơi thứ gì mình thích. Đơn giản vậy nên chúng tôi luôn có cả tấn chất liệu cho mỗi album”, Adam Levine nói. Vẫn với chất giọng mai mái rất đặc trưng của mình, vị giám khảo của The Voice Mỹ chia sẻ với tờ Rolling Stone đây là album mà anh thực hiện với nhiều hứng thú nhất: “Tôi có khá nhiều lời mời hợp tác cùng các nghệ sĩ khác trong năm nay nhưng tôi phải từ chối tất cả vì tôi luôn coi mình là một thành viên của Maroon 5. Thời điểm để ban nhạc ra album mới đã đến thì chẳng có chuyện gì quan trọng hơn cả!”
“Payphone”, single đầu tiên với sự góp giọng của rapper Wiz Khalifa, là một lựa chọn khôn khéo để người nghe không thể bỏ qua cả album. Một bài pop mang giai điệu đúng kiểu Maroon 5 với ca từ “ướt át”. Có thể thấy hòa âm của bản nhạc đầy màu sắc đàn phím và các nhạc cụ điện tử tạo nên một không gian rộn ràng. Ngay từ track đầu tiên “One more night”, Maroon 5 đã định vị không khí của đĩa nhạc với pop, reggae và disco. “Love somebody” gợi nhớ âm hưởng synthesizer thời kỳ Eurythmics. “The man who never lied” như mật ngọt rót vào tai các nàng với lời thú tội của gã điển trai: “Đôi khi sự thành thật là lựa chọn thật dở!”. Mặc dù “Sad” là một bản ballad mà giọng hát của Adam Levine được dịp thể hiện khá truyền cảm trên nền piano nhưng nó khó trở thành một kiểu “Someone like you” như Adele từng làm bởi nếu nghe tới lần thứ hai thì thấy bài hát hơi kể lể và không hợp lắm với không khí chung của cả album. Hãy dành đủ thời gian để nghe tới track cuối cùng, “Beautiful goodbye”. Với riêng người viết, đây là một bản nhạc thú vị từ ca từ, cách hòa âm tới lối hát của Adam.
Single “Payphone” đã bắt đầu tỏa nhiệt trên các bảng xếp hạng. Thậm chí một vài tụ điểm ca nhạc ở Hà Nội đã bắt đầu cover ca khúc này. Vượt qua một album đầu tay quá thành công cách đây 10 năm, dần định hình phong cách âm nhạc rõ ràng và hấp dẫn hơn rất nhiều sau 4 đĩa nhạc phát hành, rõ ràng Adam Levine không chỉ biết hạ gục các cô đào Hollywood và làm giám khảo The Voice.
Maroon 5 của năm 2012
Bài: Độc Cầm
Thực hiện: depweb