Jazz – thể loại nhạc bắt nguồn từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi vào cuối thế kỷ 19, đã lan ra khắp thế giới và hiện diện ở nhiều nền văn hóa. Tại Việt Nam, jazz cũng có rất nhiều câu chuyện riêng để khám phá, như người Việt chơi jazz ở Việt Nam là ai? Họ học chơi jazz ở đâu? Nhạc jazz có từng bị cấm không?… Những câu hỏi ấy sẽ được giải đáp trong “Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội” – cuốn sách kể lại cuộc hành trình jazz ra đời ở Việt Nam.
“Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội” tập trung vào câu chuyện của nghệ sĩ Quyền Văn Minh – người đã tận hiến đời mình cho việc phát triển jazz ở mảnh đất quê hương, để thuật lại sống động cách mà nhạc jazz được nghe, được học và được biểu diễn ở nơi này. Một lượng lớn những câu chuyện trong cuốn sách này được tác giả BH Tan-TangBau tập hợp lại vào năm 2009 và từ năm 2012 đến năm 2016. Trong quá trình thực hiện dự án này, nghệ sĩ Quyền Văn Minh đã chuyển cho Stan tất cả những bài báo và tạp chí, tài liệu cũ và bất cứ kỷ vật nào ông còn giữ được trong những năm tháng của cuộc đời âm nhạc.
“Tôi có một giấc mơ, một giấc mơ chơi jazz ở Việt Nam. Vì jazz, tôi đã gặp nhiều gian khó. Vì jazz, tôi đã nhận nhiều hạnh phúc và vui thú. Giờ tôi đã nghỉ hưu ở nhạc viện. Đó là công việc của tôi với đất nước. Nhưng công việc của tôi với cây saxophone thì không bao giờ ngừng lại” – Quyền Văn Minh.
Không phải một bài phỏng vấn tiêu chuẩn mà ta vẫn thường đọc trên báo chí, nội dung cuốn sách như góp nhặt từ những lần ngồi xuống tâm tình, hàn huyên cùng một người bạn đáng tin cậy, để từ chuyện đời mà nghe ra chuyện nhạc, chuyện jazz. Mỗi câu chuyện trong sách phản ánh sự giao nhau giữa những trải nghiệm sống của cá nhân cùng âm quyển làm nên trong bối cảnh chính trị xã hội Việt Nam ở các giai đoạn khác nhau. Bởi vậy ngoài khía cạnh âm nhạc, cuốn sách cũng được coi như nguồn tư liệu về chủ đề nhân học, xã hội học rất đáng tham khảo.
Cuốn sách “Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội” tìm cách hoàn thiện vai trò bước đệm bằng cách đặt câu chuyện cá nhân của một nhạc sĩ ở trung tâm để thuật lại câu chuyện về nhạc Jazz. Những nỗ lực của ông đã tạo uy tín cho những cố gắng của nhạc viện quốc gia, giờ đây được biết với cái tên Học viện m nhạc Quốc gia Việt Nam, để cuối cùng đưa nhạc jazz thành một ngành học lấy chứng chỉ trung cấp, rồi lấy bằng cử nhân trong chương trình giáo dục âm nhạc chuyên nghiệp.