Vẫn như mọi lần, thời điểm lên giá vẫn “mật” đến phút chót. Lệnh tăng giá là “tài liệu mật”, đóng dấu mật, làm lộ có cơ ra tòa. Mật thì mật, có khi vẫn thêm dăm đòn gió “nghi binh”. Dân chúng, khỏi hóng tài liệu mật, cứ thấy cây xăng õng ẹo đủ lý do để ngưng bán, hay dân nhao nhao mua trữ là đoán được liền. Cơ chế cầm đèn chạy trước bí mật này quen rồi.
Nhà xăng tung võ bí mật bất ngờ để chiến đấu với đám đầu cơ, “phe phẩy”, cũng là đấu tranh chống găm hàng, tạo khan hiếm giả, thật thông cảm.
Gì chứ xăng, mua thì mua không mua thì thôi, làm sao mặc cả được như rau cỏ. Ngơ ngác không hẳn vì giá lên đỉnh 24.580 đồng/lít còn vì giá nội lên giá ngoại lại xuống.
Hóa ra giá chênh nhau có một xu, trương bảng đề huề. Cứ bảo người Mỹ thực dụng, đổ đầy bình trăm lít cũng tiết kiệm được chút ít. Nhưng thực dụng ở chỗ cho cơ chế tự định giá, muốn bán được, có khi chỉ cần xuống giá một xu…
Cơ chế giá này loang ra. Trung Quốc ráo riết chuẩn bị theo, tự do hóa định giá. Malaysia, Ấn Độ thả nổi giá xăng từ ba năm nay, Singapore cho các công ty tự phán giá bán.
Nhiều nước từng và vẫn có quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng công khai, thả lỏng dần, tiếp cận với cơ chế thị trường. Ở ta, xăng dầu chưa “tiến lên” mà mới “định hướng” theo cơ chế này, còn vật giá bằng nghị định.
Đã bốn năm thực hiện Nghị định 84 về cơ chế định giá xăng dầu nay phát hiện nhiều bất cập: giá “tăng nhanh, giảm chậm”, điều chỉnh như thời chiến, bảo đảm bí mật bất ngờ để giành toàn thắng…
Sửa đổi cơ chế điều hành thêm một lần lại được đặt ra và hy vọng sẽ chỉnh sớm.
Che chắn, bảo vệ, bình ổn cần và đúng theo thời. Thời các ngành hướng lên kinh tế thị trường, điều hành cần kiểu mới, cơ chế vững chắc, lâu dài.
Cơ chế thị trường cho hàng hóa như dòng chảy thật, dù ngầm. Có những khúc cần uốn, đắp, có lúc cần khơi dòng cho chảy thẳng. Nhiều nước châu Á đang nắn thẳng: nhiều hình thức thả nổi giá xăng dầu, lên xuống theo thị trường.
Có thể sốc, sượng, có thể đau. Nó là cái phao tự động, tự động điều hành như bản chất thương mại của thị trường.
Trần Giang Phương