Dưỡng chất trong váng sữa
Váng sữa là một chế phẩm của sữa. Trước đây, váng sữa được chế biến bằng cách vớt phần trên cùng của sữa và đem đi làm lạnh. Trong sản xuất công nghiệp, đầu tiên người ta tách sữa ra thành kem và sữa tách bơ. Tiếp theo đó phần kem sẽ trải qua quy trình chuẩn hóa để đảm bảo độ béo cần thiết. Để loại trừ các vi khuẩn gây bệnh, kem này sẽ được tiệt trùng bằng phương pháp Pasteur. Sau đó, kem được cho vào thùng, trộn mềm và ủ chua. Khi đạt được độ chua mong muốn, kem được để ở nhiệt độ khoảng 8 độ C cho lên men trong vòng một ngày. Kết thúc quá trình này, kem trở thành váng sữa với kết cấu đặc và mang hương vị đặc trưng riêng.
Tùy thuộc vào cách chế biến, sẽ có nhiều loại váng sữa nhân tạo được chế biến từ các loại dầu thực vật (dầu dừa, dầu cọ…), bổ sung thêm casein (đạm sữa bò) và đường lactose (loại đường có trong sữa bò). Vì là chế phẩm của sữa nên thành phần của váng sữa cũng gồm chất đạm, chất béo, chất đường, các vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, tỷ lệ các chất dinh dưỡng này hoàn toàn khác trong sữa. Trong váng sữa, thành phần chủ yếu là chất béo, chất đạm rất thấp, các vitamin và khoáng chất cũng thấp. Lượng chất béo trong một hộp váng sữa chiếm đến trên 70% tổng năng lượng mà trẻ cần. Lượng chất béo này cao gấp đôi so với chất béo có trong một ly sữa thông thường của trẻ. Do đó, đây là nguồn cung cấp năng lượng rất cao. Điều này không đồng nghĩa với nhận định cho rằng “váng sữa có nhiều chất dinh dưỡng”. Trái lại, thành phần dưỡng chất trong váng sữa rất ít. Vì vậy, các bậc cha mẹ không nên dùng váng sữa để thay thế sữa cho trẻ.
Công dụng của váng sữa
Khi được sử dụng với hàm lượng vừa phải, váng sữa sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Váng sữa, ngoài việc tác động tốt đến hệ tiêu hóa còn chứa nhiều dưỡng chất: vitamin (A, E, B2, B12, C, PP, biotin, beta – carotene…), các axit hữu cơ. Thành phần khoáng chất trong váng sữa cũng phong phú từ kali, canxi cho đến clo, phốt- pho, ma-giê, natri, sắt, kẽm, i-ốt, đồng… Tất cả những khoáng chất này đều cần thiết cho cơ thể được khỏe mạnh. Canxi có nhiều trong váng sữa rất tốt cho việc tăng cường và phát triển của xương. Ngoài ra, trong váng sữa còn có nhiều protein động vật, carbonhydrat, axit béo, đường tự nhiên. Váng sữa chứa ít cholesterol hơn bơ nên có thể dùng để thay thế trong việc chế biến.
Dùng sao cho đúng?
Váng sữa, cũng như những thực phẩm khác, cần được đưa vào khẩu phần ăn của bé một cách hợp lý. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cần cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn, vì vậy, chỉ nên cho trẻ ăn váng sữa sau 6 tháng tuổi. Như đã nói ở trên, váng sữa có nhiều chất béo và được coi là thực phẩm có hàm lượng calories cao, cung cấp nhiều năng lượng nên sẽ tốt cho trẻ từ trên một tuổi bị thiếu cân, suy dinh dưỡng; trẻ mới ốm dậy cần nhiều năng lượng. Với những trẻ này, các bà mẹ nên dùng váng sữa làm bữa ăn phụ, với lượng dùng hợp lý là 1 – 2 hộp/ ngày.
Những trẻ không nên dùng: trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ bị thừa cân – béo phì, trẻ đang bị tiêu chảy, trẻ dị ứng với sữa bò…
Lưu ý, chỉ sử dụng váng sữa như thực phẩm bổ sung cho trẻ. Lượng váng sữa có thể cho trẻ ăn trong ngày phụ thuộc vào tuổi, cân nặng và loại váng sữa được mua. Trung bình, trẻ 6 – 12 tháng tuổi có thể ăn ½ – 1 hộp váng sữa / ngày, trẻ trên một tuổi có thể ăn 1- 2 hộp/ ngày, tùy vào mức độ dung nạp của trẻ. Không nên cho trẻ ăn quá nhiều, vì có thể gây đầy bụng, tiêu chảy do hàm lượng chất béo quá cao.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng váng sữa
– Váng sữa rất dễ bị hư nên cẩn bảo quản trong tủ lạnh, nơi có nhiệt độ tương đối ổn định.
– Sau khi mua nên sử dụng càng sớm càng tốt
– Chỉ nên mua váng sữa ở những nơi có uy tín, có đủ điều kiện bảo quản tốt. Khi mua cần lưu ý hạn sử dụng, thành phần ghi trên hộp.