Tại chợ đầu mối Hóc Môn, các thương lái cho biết giá heo hơi được lấy từ trại về chợ đã nhích lên 1.000-2.000 đồng/kg. Trong khi đó tại các chợ nội thành TP.HCM, tiểu thương cho biết giá bán cũng tăng thêm 5.000-7.000 đồng/kg. Tại chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), chủ sạp Thu Hương cho biết thịt heo, thịt đùi và thịt cốtlết hiện giá đã ở ngưỡng 95.000 đồng/kg, tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đợt tăng giá trước đó.
“Thật ra đây chỉ là mức giá rao bán chứ người ta trả bao nhiêu mình bán bấy nhiêu nếu có lời” – bà Hương nói. Dạo quanh các chợ nội thành như Hòa Hưng (Q.10), Xóm Chiếu (Q.4), Tân Định, Bến Thành (Q.1)…, các tiểu thương đều cho biết giá thịt heo đã tăng lên vài ngàn đồng ngay sau khi giá xăng tăng.
Sáng 18-6, theo ghi nhận tại chợ Tam Bình (Q.Thủ Đức), giá các loại rau củ cũng đã tăng thêm 2.000-4.000 đồng/kg. Hiện giá cải xanh tại chợ này ở mức 13.000 đồng/kg, bí xanh 14.000 đồng/kg, cà chua 13.000 đồng/kg, dưa leo 10.000 đồng/kg… “Giá cà chua, bí xanh, dưa leo, khổ qua mới tăng được vài hôm, nay tiếp tục tăng thêm” – chị Lại Thị Hiệp, tiểu thương kinh doanh rau củ, nói.
Tuy nhiên, theo các tiểu thương, việc tăng giá thực phẩm là điều chẳng đặng đừng do giá đầu vào tăng, đặc biệt là phí chuyên chở, trong khi sức mua hiện nay rất yếu. “Giá tăng thì vẫn phải cắn răng mà tăng, nhưng cả ngày chỉ bán được vài ký thịt, không biết kiếm lời kiểu gì” – chị Nguyễn Thị Dung, tiểu thương kinh doanh thịt heo chợ Gò Vấp, than. Nhiều tiểu thương cho biết lượng thịt heo bán lẻ cho người tiêu dùng vốn đã giảm từ nhiều tháng qua, nay càng giảm thêm. Bà Minh tại chợ Hòa Hưng (Q.10) cho biết hiện mỗi ngày chỉ nhập 30kg thịt về sạp, lai rai chờ đến trưa rồi bỏ mối cho cửa hàng, quán ăn chứ chỉ trông chờ vào khách lẻ thì không tiêu thụ hết.
Ông Nguyễn Thanh Bình, chánh thanh tra Sở Tài chính TP.HCM, cho biết sau khi giá xăng tăng, giá nhiều mặt hàng bắt đầu có biến động. Vì vậy, để kiểm soát tốt vấn đề giá cả, hiện nay đơn vị đang tăng cường thực hiện kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết các mặt hàng tại các chợ trên địa bàn.
Trong khi giá thực phẩm tại các chợ đã bắt đầu tăng, các hệ thống siêu thị đều cho biết chưa nhận được thông báo tăng giá từ các đối tác. “Rất khó tăng giá vào thời điểm sức mua yếu như thế này, nếu có đối tác tăng giá chúng tôi sẽ đàm phán để giữ giá thấp nhất” – một cán bộ tại hệ thống Big C nói.
Đại diện hệ thống Co.op Mart cũng khẳng định nếu các đối tác có thông báo tăng giá không hợp lý, hệ thống này sẵn sàng loại bỏ do sức mua hiện nay thấp. Không những chưa tăng giá, các hệ thống siêu thị hiện vẫn phải tìm cách kéo người tiêu dùng bằng các chương trình khuyến mãi như Big C tung ra chương trình giảm giá 300 mặt hàng thiết yếu, hay Co.op Mart chia sẻ gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng bằng cách giảm giá 500 mặt hàng…