Chợ sang nhưng lại “bỏ hoang”

Bỏ hoang chợ sang

Giữa thãng tám nắng nóng, tôi có mặt tại chợ Hàng Da. Phải đi lòng vòng một lúc tôi mới tìm được chỗ gửi xe để vào chợ vì sợ gửi nhằm vào khu ngân hàng đang cho thuê dưới tầng 1. Cũng phải mất vài phút hỏi đường tôi mới biết xuống tầng hầm để đi vào khu chợ bán thực phẩm. Sauk hi đi xuống cầu thang phía cổng sau của chợ, đập ngay vào mắt là những quầy thịt im lìm, vắng vẻ. Tiểu thương bán thịt mỗi người một việc và không một bóng dáng khách nào tới mua. Bà Chắt có kinh nghiệm bán thịt bò tại chợ 30 năm không giấu được sự nghẹn ngào khi nhìn chợ ngày một thưa thớt, ế ẩm. Bà cho biết: “Từ lúc xây trung tâm thương mại đến giờ không hiểu sao khách hàng cứ đi đâu hết dù bây giờ quầy thịt sạch sẽ, lối đi lại thoáng mát hơn xưa. Trước kia tôi bán 400-500 cân thịt/ ngày thì nay chỉ bán được 30 cân đổ lại. Hai quầy thịt bây giờ chỉ bán một quầy, còn một quầy chủ yếu để đựng đồ”.

 

Chợ sạch sẽ nhưng vắng vẻ

Theo bà Chắt, hàng quán ế ẩm nên chi phí tiền ngồi chợ lên đến 2 triệu đồng/ tháng/ quầy cũng là gánh nặng với tiểu thương. Đối diện quầy thịt bò của bà Chắt là quầy thịt lợn của chị Mai Hương. Đã quá giờ trưa mà chị Hương vẫn đang ngồi thêu cho đỡ buồn vì cả buổi không có khách tới mua. Chị Hương tâm sự: “Tôi có dám bày thịt ra đâu mà cứ để trong tủ đông lạnh, bày ra không có khách mua thịt hỏng hết. Ngồi từ sáng sớm đến tối mà chỉ bán được 20 cân thịt đổ lại thì làm sao đủ lãi mà trả chi phí tiền chợ. Trước đây khách chỉ đỗ xe là có thể vào mua thịt, nay người phải mất tiền gửi xe rồi đi hết mấy chục bậc cầu thang mới xuống đến chợ nên họ ngại vào chợ”.

Anh Luân Quý – quầy gia cầm B398 cho biết: “Trước có 10 quầy bán gia cầm nay chỉ có 2 người bán. Nếu quầy chúng tôi không giao bán tận nhà mà chỉ trông vào khách đến chợ thì chỉ có chết đói. Ở đây giá cả niêm yết đầy đủ, lại có kiểm dịch, giá có khi còn rẻ hơn chợ cóc bên ngoài thế mà người cứ đi đâu hết. Có khi cuối buổi, người bán thịt lợn quay sang mua thịt gà rồi người bán thịt gà mua thịt lợn để san sẻ khó khăn cho nhau”. Trung tâm thương mai – Chợ Hàng Da được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 10-2010. Lúc đầu, chợ tiếp nhận 544 tiểu thương trở lại kinh doanh. Theo thống kê của Phòng kinh tế quận Hoàn Kiêm, đến nay đã có gần 300 hộ thuộc nhiều ngành hàng tại chợ xin tạm nghỉ kinh doanh.

Chợ mới – không tính toán sẽ thất bại

Hà Nội và Tp.HCM đang tích cực đầu tư xây dựng những ngôi chợ khang trang, những chợ nổi tiếng vốn là điểm đến đông đúc, sầm uất của Hà Nội được cải tạo lại như chợ Ô Chợ Dừa (Đống Đa) được chuyển đổi thành Trung tâm thương mại OCD Plaza (7 tầng và 1 hầm để xe). Chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da (Hoàn Kiếm), chợ Bưởi, chợ Thượng Đình… Các địa phương khác cũng ồ ạt xây dựng cho to như chợ Vĩnh Lộc mới (huyện Bình Chánh, Tp.HCM); chợ Trung tâm Trường Xuân (huyện Đắc Song, tỉnh Đắc Nông); chợ xã Cam Tân (tỉnh Khánh Hòa)… Ngay như các chợ ở miền Trung, Tây Nguyên như chợ đầu mối nông sản Nam Dong (xã Nam Dong, huyện Cư Jut, tỉnh Đắc Nông) có mức đầu tư 5 tỷ đồng, chợ xà Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) có kinh phí 2 tỷ đồng. Cá biệt, chợ Vĩnh Lộc mới (huyện Bình Chánh, TP.HCM) được doanh nghiệp Tân Ngọc Vân đầu tư hơn 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo một số tiểu thương, chợ mới khó kinh doanh vì ít người vào mua nên nhiều người đã bỏ quầy, tìm chỗ khác làm ăn. Chợ Cửa Nam cũng nằm trong tình trạng tương tự. Từ một ngôi chợ sầm uất, nay duy nhất có một tầng hầm bán thực phẩm, một tầng hầm để trông xe. Các khu vực còn lại của tòa nhà đều được sử dụng với mục đích khác, hoặc đã được các tập đoàn, tổ chức mua lại. Chợ Thượng Đình, quận Thanh Xuân có lẽ là trường hợp bi đát nhất về tình trạng xây dựng chợ khang trang, rộng rãi nhưng lãng phí do không được sử dụng. Được xây mới 3 tầng từ một khu đất người dân từng họp chợ, nhưng từ khi đi vào hoạt động, 2 tầng trên của chợ không có ai buôn bán. Tầng 1 chỉ được sử dụng một phần mặt tiền của chợ, phần còn lại được dùng để… giữ xe.

Thậm chí, chợ xây xong còn để chứa rác thải như chợ đầu mối nông sản Nam Dong (xã Nam Dong, huyện Cư jut, tỉnh Đắc Nông), nhiều hạng mục của chợ đã hư hỏng nặng, cổng chợ đã sụp đổ dù mới hoàn thành năm 2008. Chợ xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) nay chỉ dùng phơi sắn và thả trâu bò. Chợ xã Cam Tân (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) xây dựng gần 1 tỷ đồng nhưng các tiểu thương không chịu vào buôn bán dù địa phương không thu tiền thuê sạp. Chợ Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP.HCM) khai thác kém hiệu quả, đẩy doanh nghiệp đầu tư đứng trước nhiều áp lực. Hai năm đi vào hoạt động với quy mô hơn 200 sạp, đến nay chợ vẫn không lấp đầy quá 100 sạp. Cũng trên địa bàn TP.HCM, còn có chợ Phước Long với mức đầu tư 100 tỷ đồng nhưng chỉ có khoảng 200 sạp hoạt động cầm chừng. Chợ Tân Phú vốn đầu tư 2 tỷ đồng với quy mô gần 400m2 nhưng 6 năm qua nằm phơi nắng. Tính toán chặt chẽ trước khi đầu tư và làm sao để chợ hiện đại nhưng vẫn phù hợp với nhu cầu mua sắm của người dân đang là bài toàn dành cho các nhà đầu tư, xây dựng mới các chợ truyền thống.

Theo Sức khỏe & ATTP


From the same category