Cho con… “ra riêng” - Tạp chí Đẹp

Cho con… “ra riêng”

Sống

Không ít trẻ nhỏ ở nước ta vẫn ngủ chung với bố mẹ, dù đã lên 5 – 6 tuổi, thậm chí đã vào học… cấp 1, cấp 2. Thói quen này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu hình thành từ sự nuông chiều của bố mẹ. Đôi khi, ba mẹ cũng muốn tách con ra từ nhỏ nhưng cứ chần chừ “tội nghiệp con”. Đến khi bé lớn thì… đã muộn vì trẻ đã quen hơi ba mẹ, có khi bị “với” sang giường khác vẫn… nửa đêm ôm gối mò về chiếc giường thân yêu ngày xưa.

Ngủ một mình sẽ giúp bé tự tin và độc lập hơn

Để con ngủ chung mãi, cha mẹ chẳng những mất đi sự riêng tư vợ chồng tối thiếu mà còn trẻ mất đi cơ hội rèn khả năng chiến thắng nỗi sợ hãi “một mình”. Nếu nhà bạn có không gian, đừng ngại tập cho trẻ “ra riêng”, từng bước một, với những “chiêu” dưới đây:

Tập “lơ” con

Có nhiều phụ huynh rất sợ con sẽ… chết ngất hay thế này thế nọ nếu “bị” ở một mình, thế là để con bám chặt lấy bố mẹ. Sự thực là, với nhiều đứa trẻ, khi có bố mẹ thì chúng khóc lóc ầm ĩ, đòi bồng đòi bế, nhưng khi cha mẹ đi vắng thì vẫn chơi, ngủ rất ngoan. Bạn có thể tập cho trẻ ở một mình trong phòng bằng cách giả vờ đi vắng, mở ti vi, để đồ chơi xung quanh. Khi tỉnh dậy không thấy cha mẹ đâu, có thể bé sẽ không. Nhưng rồi tự bé sẽ tìm thấy niềm vui xung quanh. Dần dà, bé sẽ thấy việc ở một mình trong phòng không còn là điều gì quá khủng khiếp.

Hãy giúp con vượt qua nỗi sợ hãi một cách tế nhị

Vẽ ra cho trẻ thế giới riêng

Có thể nói với trẻ về sự thú vị khi có phòng riêng và xem đó như là phần thưởng đặc biệt cho sự lớn khôn của con, ví dụ: “Nếu con ngoan, vào sinh nhật 3 tuổi, con sẽ có phòng riêng với những thứ con thích”. Trẻ sẽ mơ tưởng đến thế giới của mình như là một điều tuyệt vời chứ không phải một địa ngục, chỉ một mình mình với những… con ma. Thỉnh thoảng, ba mẹ hãy dắt con đến nhà bạn bè, họ hàng để chúng thấy, thiên hạ vẫn… đầy đứa không ngủ chung với cha mẹ và điều đó sung sướng như thế nào.

Con được làm “nghệ sĩ”

Khi chuẩn bị không gian riêng cho trẻ, hãy để trẻ cảm giác được đó là lãnh địa riêng của chúng. Hãy cho trẻ xem những mẫu giấy dán tường mà bạn gợi ý và để chúng quyết định thứ chúng thích nhất. Đưa trẻ đi shopping để mua gối, gấu bông hay những đồ vật trang trí xinh xắn khác. Các bố mẹ có thể dạy bé làm vài món đồ handmade đơn giản để con được trở thành “nghệ sĩ” trong chính căn phòng của mình. Cùng trẻ đếm ngược ngày để được chuyển phòng chính thức.

Để sự độc lập của bé phát triển tự nhiên

Hiển nhiên là trong dăm ba ngày đầu “ra riêng”, dù rất háo hức nhưng có thể bé vẫn chưa quen. Nửa đêm, bé vẫn có thể gõ cửa phòng bố mẹ dồn dập vì bỗng dưng thấy… sợ. Khi đó, đừng động viên bé một cách cứng nhắc: “Chẳng có gì đâu con, nhắm mắt lại và ngủ đi”. Sự thật là trẻ sẽ không ngủ ngay được sau lời trấn an suông của bạn, bạn hãy ghé qua phòng con và nằm cùng đến khi nào con nhắm mắt. Khi không còn sợ hãi, trẻ sẽ thôi ý định cầu cứu bạn lúc nửa đêm. Tập ngủ một mình cũng như cai sữa, có trẻ cai nhanh và có trẻ cần thời gian thích ứng.


 

Đừng rập khuôn

Mỗi đứa trẻ là một thực thể riêng. Đừng vì thấy con ông hàng xóm “ra riêng” lúc 2 tuổi mà ép con bạn phải “out” khỏi phòng bạn đúng cái mốc đó. Quan trọng là bạn khéo léo giúp con thích nghi với việc “ra riêng” một cách tự nhiên, tự nguyên, có thể là vào năm lên 2, 4 hay 4 tuổi…

“Tách” con từ khi nào?

Có thể là ngay khi con mới vài tháng tuổi. Một chiếc cũi/ giường con đặt cùng phòng bố mẹ cũng là một hình thức cho trẻ tự lập. Khi bé bú xong và đã ngủ, hãy nhẹ nhàng đặt bé vào chỗ của chúng. Tuy nhiên, đừng vội tách phòng quá sớm cho trẻ. Trước đây, ở một số nước phương Tây có quan niệm phụ huynh nên cho trẻ em ngủ một mình từ sơ sinh nhưng quan niệm này đang dần thay đổi vì trẻ em rất cần ở gần bố mẹ để được cung cấp một môi trường an toàn và hạnh phúc trong năm đầu đời. Trẻ khoảng 2 tuổi là thời gian hợp lý để có thể bắt đầu được “ra riêng”.

Theo Thế giới gia đình

Thực hiện: depweb

11/10/2012, 12:54