Quá kích buồng trứng là biến chứng, có thể xảy ra ở những bệnh nhân sử dụng thuốc kích thích buồng trứng trong điều trị vô sinh. Nguyên nhân là vì bệnh nhân đáp ứng quá mức với thuốc dẫn đến việc nhiều nang trứng phát triển, làm gia tăng kích thước buồng trứng. Hiện tượng này xảy ra đồng thời với tình trạng cô đặc máu kèm tràn dịch các khoang thể (màng bụng, màng tim, màng phổi).
Hiếm gặp nhưng nguy hiểm
Mặc dù tỷ lệ xảy ra quá kích buồng trứng tương đối thấp, chỉ khoảng 0,5 – 10% nhưng tác hại thì không thể xem thường.
Các triệu chứng thường gặp của quá kích buồng trứng có thể từ nhẹ đến nặng, tùy theo cấp độ và diễn tiến của bệnh. Triệu chứng ban đầu thường là bệnh nhân cảm thấy căng chướng bụng, khó chịu vùng bụng dưới, mệt mỏi, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như nôn, buồn nôn, tiêu chảy. Quá kích buồng trứng nặng có thể dẫn đến tình trạng đi tiểu ít hoặc vô niệu (không có nước tiểu trong bàng quang), nôn mửa liên tục, khó thở, dịch ổ bụng nhiều, buồng trứng căng to, dịch tràn màng phổi, màng tim. Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị rối loạn đông máu và thuyên tắc mạch do huyết khối, gặp phải hội chứng suy hô hấp cấp, suy giảm chức năng gan.
“Sự nguy hiểm của hội chứng quá kích buồng trứng là nếu không có hướng xử lý kịp thời, bệnh nhân thậm chí có thể bị ảnh hưởng đến tính mạng”, bác sĩ Trần Huy Dũng – Phó trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM cho biết.
Có đối tượng riêng
Quá kích buồng trứng có nguy cơ xảy ra cao hơn đối với những bệnh nhân thuộc nhóm sau: dưới 30 tuổi, gầy, bệnh nhân có chẩn đoán đa nang buồng trứng, nồng độ estradiol trong máu cao hoặc tăng đột ngột trong quá trình kích thích nang noãn.
Hội chứng này thường được phân thành hai thể: thể sớm và thể muộn. Thể sớm xảy ra dưới 5 ngày sau khi chích thuốc, chủ yếu liên quan đến việc dùng thuốc quá liều hay bệnh nhân nhạy cảm với thuốc. Nếu không có thai, quá kích buồng trứng sẽ tự lui dần và biến mất hoàn toàn. Thể muộn xảy ra sau 7 ngày chích thuốc. Khi bệnh nhân có thai, bản thân thai sẽ tiết ra một số chất làm tình trạng quá kích nặng thêm.
Nhiều biện pháp dự phòng
Theo bác sĩ Trần Huy Dũng, có nhiều biện pháp dự phòng quá kích buồng trứng xảy ra hoặc giới hạn hội chứng này ở mức độ nhẹ nhất. Một trong số đó là việc sử dụng phác đồ và liều thuốc kích thích buồng trứng phù hợp cho từng bệnh nhân, ngưng dùng thuốc từ 1 – 3 ngày, trữ phôi toàn bộ…
Trong các trường hợp quá kích buồng trứng nhẹ, đa phần bác sĩ sẽ tư vẫn cho bệnh nhân cách theo dõi tình trạng bệnh và biện pháp khắc phục tại nhà. Khi điều trị ngoại trú, bệnh nhân lưu ý nên nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động, uống nhiều nước ( khoảng 2 lít/ ngày), ăn thực phẩm nhiều đạm, thịt, cá. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên theo dõi vòng bụng, cân nặng và lượng nước tiểu mỗi ngày. Trường hợp có các dấu hiệu chuyển nặng như: chán ăn, mệt mỏi, nôn nhiều, cân nặng tăng nhanh, khó thở, thiếu niệu hoặc vô niệu… bệnh nhân cần lập tức nhập viện để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Rủi ro có thể xảy ra khi điều trị hiếm muộn Ngoài quá kích buồng trứng, đa thai cũng là một biến chứng có thể xảy ra khi áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Đa thai có nguy cơ dẫn đến sinh non, vì vậy bệnh nhân thường được các bác sĩ cho giảm thai để đảm bảo an toàn cho thai phụ và thai nhi. Ngoài ra, khi điều trị hiếm muộn, người bệnh có thể gặp một số kết quả không mong đợi như sau: – Phải hoãn chu kỳ điều trị do bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe, đáp ứng với thuốc kém… Lúc ấy, các bác sĩ sẽ ngưng bơm phôi vào tử cung và trữ phôi lại để thực hiện trong chu kỳ sau. – Trong lúc chọc hút trứng, kim có thể đâm trúng tử cung, mạch máu gây xuất huyết nội, chảy máu âm đạo, nhiễm trùng, có thể gây sảy thai, thai ngoài tử cung về sau, tuy nhiên những tỷ lệ này rất nhỏ. |