Chính danh đàn ông - Tạp chí Đẹp

Chính danh đàn ông

Sống

 

Nghĩa của nó đại loại, đối với đàn ông thì phải tự biết mình đang ở đâu. Và chỉ khi xác định được đúng vị trí của mình, thì hoặc cư xử hoặc lời nói mới trôi. Thật đúng là những lời bằng vàng. Bởi một trong vài dấu hiệu để nhận ra được đàn ông tử tế trong một xã hội hỗn loạn, đó là sự trôi chảy. Người đã lương thiện thì không làm tắc nghẽn ai cả. Nó hao hao như việc một “emxi” giỏi (danh chính), thông minh hoạt bát dẫn chương trình showbiz (ngôn thuận). Đám chân dài người mẫu khách mời đang ngọng nghịu ngô nghê, nương vào sự thông hoạt của anh ta bỗng lên đồng thành mềm mại duyên dáng. Dưới sự dẫn dắt từ lưỡi của “emxi” có danh, mọi chuyện cứ ồ ồ thông như mây trôi nước chảy. (Chữ nguyên văn trong truyện chưởng là “hành vân lưu thủy”, một tiêu chí tối thượng của các cao thủ hạng nhất khi luyện kiếm). Để đạt tới cảnh giới ngôn từ liền lạc như thế, tất yếu anh ta phải chính danh.

Danh nôm na là “tên”, cốt phân biệt người này với người kia khi chung sống bầy đàn giao tiếp. Còn “chính danh” nôm na là “đúng tên”, khi mà một ai đó bắt buộc phải thể hiện ra những cái mà mình thực có. Ví như đã mang danh giáo sư thì người ta nghĩ ngay đến một ông đạo mạo mang vẻ uyên bác quen đăng đàn nghiêm trọng diễn thuyết. Ông này tuyệt đối không đái đường cho dù xung quanh vắng vẻ, còn mình thì đang mót cứng bụng. Hoặc ví như đã mang danh nam ca sĩ thì da mặt phải mịn như da mông, ngữ điệu phải du dương ỏn thót kể cả lúc đang hung hăng khoe của. Nói chung, khi đã “xứng tên” thì cái danh ấy sẽ thăng hoa thành biểu tượng cho người bình thường tiện mồm ví von. Kẻ viết bài này không ít lần thấy những bà mẹ sồn sồn nghiện tivi, thường mắng mấy đứa con gái đang lanh cha lanh chanh. “Mày chỉ được cái hấp tấp nói lắm như Lại Văn Sâm”. Ở ngữ cảnh này, Lại tiên sinh quả là một điển hình chính danh. Có thể nói, chính nhờ cái danh nên người đời mới xác định được thực chất của vật hay của việc. Vì thế, bất cứ một loại đàn ông nào dù thượng lưu hay hạ lưu, đều cố gắng định hình một danh chính.

Tất nhiên, muốn chính danh thì đầu tiên phải tạo danh. Cách đơn giản nhất là do bố mẹ đặt. Học giả Phan Kế Bính vất vả khảo cứu. “Ở nhà quê, con mới sinh ra thì gọi là thằng cu con đĩ. Ở vùng Thanh Nghệ thường gọi là thằng cò con hĩm, chứ không mấy người sinh ra đã đặt tên. Đặt tên thì nhà thường dân hay bạ tên gì đặt tên nấy, hay lấy vần hoặc lấy nghĩa gần nhau mà đặt. Ví như cha mẹ là Lần thì đặt con là Thần. Cha mẹ là Nhăng thì đặt con là Nhố”. (Việt Nam phong tục – NXB Văn Hóa TT, trang 14). Người Việt gọi những tên sơ khai đấy là tên “sữa” hay tên “cúng cơm”. Rồi khi trưởng thành, tự thấy mình mùi sữa đã bớt hoi thì sẽ chuyển tên, nhất là những đàn bà đang bon bon thành đạt. Trường hợp của người đẹp Lý Nhã Kỳ có tên sữa là Trần Thị Thanh Nhàn chẳng hạn. Theo giải thích của chính cô trên Wikipedia, khi sửa tên, cô lấy là “Kỳ” vì đời cô gặp lắm chuyện bất ngờ. Nhưng cô vẫn giữ một nghĩa của chữ “nhàn” nên lấy lót là “nhã”. Thật đúng như nhận xét của cụ Phan “bạ gì đặt lấy, hay lấy vần hoặc lấy nghĩa gần nhau mà đặt”. Không phải ngẫu nhiên mà cô Lý trở thành đại sứ du lịch đầu tiên của người Việt đương đại.

Đàn ông tạo thêm tên không đơn giản như đàn bà, trường hợp của Tào Tháo bên Tàu chẳng hạn. Ông này tên sữa là “A man” nghĩa nôm na là thằng Cò. Khi đứng đầu trăm vạn người, ông chuyển tên theo nghĩa khác hẳn, thậm chí còn đặt thêm “tự” (biệt danh) là “Mạnh Đức”. Nôm na là đức rất dày. Thế nhưng thiên hạ đều coi ông là gian hùng. Ở “ca” này, đám nhà nho theo thuyết Chính Danh cho rằng danh không xứng với thực (Danh bất phó thực). Có điều, từ lúc thêm tên mới ông Tháo cẩn thận đến mức đa nghi, khác hẳn cô Kỳ. Đại loại, nếu phải đi phi cơ ông ta sẽ không bao giờ chui vào buồng lái gạ phi công cùng chụp ảnh.

Tuy nhiên, đừng quá khăng khăng chính danh theo kiểu mấy tay nho sĩ cổ hủ. Bọn họ câu nệ quan niệm, đã làm nghề gì thì nên thể hiện mình theo đúng nghề ấy. Vua ra vua, tôi ra tôi, trường ra trường, lớp ra lớp. Bọn họ thậm ghét đám đạo diễn điện ảnh đi chấm thi múa, hay đã là Chủ tịch Hội Nhà văn lại còn đi làm giám khảo Cánh Diều vàng. Bọn họ sai rồi. Bởi việc chính danh tuy trọng nhưng vẫn không bằng sự xót xa chân thành chia sẻ. Sách “Bách trượng thanh quy” có chép, Liễu Trí đại sư được dân chúng khốn khổ vì khô hạn nhờ cầu mưa. Ông nói, lão tăng chỉ biết niệm Phật chứ không có phép thuật đảo vũ. Dân chúng nói, Chỉ cần đại sư đứng ra giữa ruộng niệm Phật. Đại sư niệm xong, mưa ào ào như trút. (Sách đã dẫn- NXB Phương Đông, trang92). Ngày nay, rất nhiều thằng vô đạo bảo đại sư ăn rùa. Những thằng này cho rằng, việc Chúa Giê Su giơ tay làm phép lành làm người câm biết nói, người liệt biết đi là vì Chúa đã tốt nghiệp trường Y. Hỡi ơi, với kiến văn thiển cận mang vẻ khoa học hẹp hòi chính danh như vậy, thảo nào suốt ngày bọn chúng cãi nhau với đài truyền hình.

Thế nhưng, xin lưu ý một điều nhỏ. Khác với các “diễn sĩ” lê la tivi chính danh showbiz, đại sư Liễu Trí khi vừa nhân hậu vừa thành công làm xong cái việc trái chuyên môn của mình, ngài không bao giờ nhận phong bì.

Nguyễn Việt Hà

Thực hiện: depweb

04/07/2013, 11:40