Thế nhưng chuyện mua bán xe máy ở ta thủ tục quá rườm rà. Dân ngại thủ tục, thế là họ nhờ “cò mồi” hoặc mua bán trao tay. Mua bán xe ở nước ta rất nhiều trường hợp chỉ làm một miếng giấy bằng cái danh thiếp, ép nilông. Viết bằng bút bi: “Tôi, Nguyễn Văn X, địa chỉ, số CMND… đồng ý bán cho bà Nguyễn Thị Y, địa chỉ, số CMND…, chiếc xe máy có số đăng ký XXX.
Bà Y có toàn quyền sử dụng chiếc xe trên”. Đưa cái đăng ký xe cho bên mua, coi như vụ sang tên đổi chủ đã xong mà không cần pháp luật thừa nhận. Bà Y thấy chán cái xe lại bán tiếp cho cụ S. Cứ thế qua hàng chục lần đổi chủ mà không hề sang tên. Muốn tìm lại chủ đầu tiên để đăng ký cho đàng hoàng thì anh ấy đã sang bên kia thế giới.
Bây giờ cả nước có mấy chục triệu cái xe máy. Tình trạng mua bán xe không cần sang tên đổi chủ không được quản lý chặt chẽ như thời xe đạp nên mới sinh ra chuyện “chính chủ”.
Ngày xưa ít xe còn quản lý dễ, bây giờ lên đến hàng chục triệu xe, nước đến chân mới nhảy thì chắc chắn là muộn rồi.
Mỹ cũng buôn bán… trao tay
Xin viết về cách quản lý sang tên đổi chủ xe hơi bên Mỹ để liệu ta có tham khảo được gì không.
Năm 2004, tôi sang Mỹ mua chiếc Toyota cổ lỗ đã đi được 130.000km, giá 4.500 USD. Khi nhất trí giá cả, tay chủ xe lôi giấy đăng ký xe ra, có đủ thông tin về cái xe, số VIN, địa chỉ của chủ, ghi lên đó vài dòng viết tay.
Nếu không biết, tưởng tay kia bán xe ăn cắp. Hóa ra, giấy đăng ký xe có một vài dòng để trống dành cho người mua. Chủ cũ điền tên người chủ mới, địa chỉ, giá tiền và số kilômet đã đi. Ký xoẹt một phát, thế là người mua lên xe phóng về nhà.
Sau đó, người chủ mới có thể bán tiếp cho người khác và làm tương tự. Tuy nhiên mỗi tờ đăng ký xe chỉ có chỗ cho hai chủ mới. Hết chỗ thì phải ra ban quản lý xe của quận (DMV) xin đăng ký lại.
Điều quan trọng là khi bán xe xong, chủ cũ tháo luôn cái biển số, mang về nộp cho DMV. Không có biển số thì làm sao mà cho xe lưu thông. Thế là chủ mới phải đăng ký xe lại. Vụ sang tên đổi chủ mới chính thức có giá trị. Chủ cũ đã trả biển số xe rồi thì bên DMV hiểu là người đó không còn trách nhiệm với cái xe.
Phí trước bạ, thuế xe sẽ được chính quyền quận gửi thông báo về tận nơi cho chủ mới. Giá trị cái xe được tính theo năm sử dụng, mỗi năm trừ đi một ít, đi nhiều, đi ít không quan trọng. Tùy từng bang mà có mức thuế khác nhau.
Bên Mỹ có chuyện đi xe “không chính chủ” không? Câu trả lời là “có”! Bạn bè cho nhau mượn xe là thường. Quan trọng nhất là cái xe đó phải có bảo hiểm. Trót gây tai nạn thì bên chủ xe phải đứng ra lo với bảo hiểm.
Cảnh sát chỉ cần nhìn biển đăng ký và kiểm tra với dữ liệu trên máy tính gắn trong xe hơi chuyên dụng sẽ tìm ra mấy chục đời chủ của chiếc xe, lịch sử của tài xế, gây tai nạn bao lần, vượt tốc độ mấy lượt. Thoát đằng trời.
Giải pháp là gì?
Đương nhiên, đã là xe thì phải có chủ, có đăng ký đàng hoàng. Người đứng đắn bao giờ cũng muốn sở hữu chiếc xe mang tên mình hẳn hoi. Không ai muốn đi xe mang tên người khác. Nhưng nhìn vào cung cách sang tên đổi chủ hiện nay với bao nhiêu chữ ký, giấy tờ chứng thực, các loại “cửa” thì liệu rằng có ai muốn làm việc đó nữa hay không?
Nên chăng, trước khi tăng khoản tiền phạt lên thật cao như trong nghị định 71 để “chế tài” dân thì nên chuẩn bị cho thật kỹ về cách làm thế nào giúp dân sang tên nhanh nhất, ít tốn kém nhất, thỏa đáng nhất.
Cần phải thay đổi từ giấy đăng ký xe, cách mua bán xe, hệ thống hành chính giúp dân sang tên đổi chủ một cách dễ dàng và thuận tiện thì mới mong chủ trương “xe chính chủ” đi vào cuộc sống.