“Chính chủ vân tay” và “chính chủ tên cúng”

Quyết thí điểm, nay lại có ý kiến nên dừng, vì trái luật ta và cả công ước quốc tế… cụ thể, trái Luật Dân sự 2005, điều 38, về quyền bí mật đời tư. Lại trái cả Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký tham gia từ năm 1989.

Ai sinh ra cũng phải nhờ có cha có mẹ, nhưng xã hội đa dạng, người mẹ có quyền giữ kín thông tin về người cha. Đời cũng còn người chả biết núi biết nguồn, không quê hương sương gió tơi bời, vẫn thành người mà chạnh lòng mỗi lần trình giấy tờ.

Lại nhiều chuyện cha mẹ đi bước nữa, con cái không được “hội nhập”, dù ra sức hữu nghị và hợp tác với gia đình mới, cứ phải hiện lên như một kẻ không “chính chủ”, bị dắt qua đò mà không được “sang tên đổi chủ”.

Cần thông cảm, hết sức thông cảm với các cơ quan quản lý. Trùng tên nhiều như thế làm sao tìm được kẻ cần tìm. Giang hồ cũng còn có nick gắn với cha mẹ (như Dung Hà, Tuấn Tú…) cho khỏi cá mè một lứa, sao người ngay lại không?

Điền thêm hai cái tên các cụ thân sinh, khó khăn gì mà ý kiến ý cò. Không biết hay khó quá thì để trống cũng được. Cái ô ấy chỉ bắt buộc, được phân biệt, với người chính gia suôn sẻ.

Khó khăn nếu có, dân nên khắc phục. Phải coi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ giúp các cơ quan quản lý thi hành công vụ nhanh chóng và chính xác, nâng cao hiệu quả công tác, không để lọt kẻ gian, oan người ngay…nhất là trong tình hình dân sinh đẻ chưa mấy kế hoạch.

Quản lý là chuyện vô cùng quan trọng, cực kỳ quan trọng. Ở ta còn lỏng lẻo lý lịch tư pháp, gây khó cho các cơ quan chức năng, nên cần thêm tên cha mẹ vào CMND.

Nhiều nước tiên tiến khác hay làm ngược, nắm lý lịch tư pháp chặt, chuyển chỗ ở, hoặc thay đổi nhiều thứ riêng tư cũng nắm. Nhưng CMND lại chẳng ghi gì nhiều.

Mỹ chả hạn, nghĩ ra lắm trò “độc hại”, làm dân chúng coi bằng lái xe “to” hơn cả CMND. Có ảnh, có số, cần gì cứ tra cũng đủ.

Từ lâu, họ lại nghĩ ra trò nổi tiếng: cấp cho công dân mỗi người một con số, đeo đẳng suốt đời, từ lúc sinh ra đến khi chết đi: SSN (Social Security Number).

Đó là một cái thẻ chỉ có 9 chữ số (dân đông thế cũng chỉ có 9 số), tên và chữ ký. Cả đời gắn với số này, mọi thông tin, lý lịch tư pháp cá nhân chi tiết đến cả nhóm máu, tình trạng gia đình, hưu trí… Khi cần, cơ quan chức năng chỉ cần tra theo số này là ra hết.

Lý lịch tư pháp đầy đủ chi tiết, là hồ sơ cá nhân, được lưu giữ, bảo mật cẩn thận, cập nhật thường xuyên. Xây dựng được hệ thống dữ liệu này, khỏi nhớ nhiều, chỉ cần nhớ số của mình, như chìa khoá để mở hồ sơ chi tiết.

Hệ thống này ở Mỹ giúp quản lý xã hội thuận tiện, đến mức ngành quốc phòng phải học theo. Họ cấp cho binh sĩ mỗi người một thẻ bài, bằng inok, khắc chìm một con số, cũng là số lính, đeo vào cổ. Đụng chuyện, chả cần hỏi han, cứ tra theo số này là ra hết thông tin chi tiết về một người…

Chuyện CMND ghi tên cha mẹ ở ta, xem ra vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa tên và thiếu hệ thống lý lịch tư pháp, hồ sơ cá nhân. Có thêm tên cha mẹ hẳn sẽ dễ hơn trong việc lọc thông tin, nhưng không có nghĩa hết rối với hàng chục triệu trường hợp.

“Chính chủ” mỗi người chỉ một, rõ nhất là mắt và vân tay. Không phải ngẫu nhiên vân tay được các nước áp dụng cả vài thế kỷ và là “mã vạch cá nhân” chưa thể làm giả hay thay thế được.

Những vạch loằng ngoằng này, như những con số khô khan, không làm lộ thông tin cá nhân với người trần mắt thịt, nhưng lại chính xác tuyệt đối khi cơ quan chức năng cần tra cứu.

Chưa áp dụng được rộng rãi thành tựu “khoa học kỹ thuật tiên tiến” vân tay, sáng kiến “đi tắt đón đầu” ghi tên cha mẹ vào CMND ồn bấy lâu và cứ bị đưa lên hạ xuống “đặt vấn đề”.

“Chính chủ vân tay” được loài người chứng minh từ lâu ưu việt hơn “chính chủ tên cha mẹ”. Thời @ còn thêm nhiều công cụ số hoá, mã vạch… Tên cha, mẹ thời nay chủ yếu chỉ được xướng lên, lòng thành vinh danh mỗi khi… cúng.

Quản lý chặt chẽ nên chứ, ủng hộ chứ. Nhưng biện pháp cần tính phù hợp với thời đại, khoa học, hiệu quả và đơn giản. Thí điểm cứ thí, nhưng triển khai rộng sao cho hợp lòng dân để thanh thản chuyển dạ “con vuông mẹ tròn”.

Trần Giang Phương

 


From the same category