Chim sợ cành cong - Tạp chí Đẹp

Chim sợ cành cong

Sống

Gánh nặng và sự tổn thương do ly hôn gây ra cho phụ nữ lớn hơn rất nhiều so với nam giới. Vì thế, họ nhìn đâu cũng thấy sự tổn thương, thậm chí là một cái "hàn thử biểu" quá nhạy cảm về sự đổ vỡ. Điều này là một cản trở rất lớn để chị em tìm đến với hạnh phúc mới.

Ám ảnh nỗi đau
Trải qua một cuộc hôn nhân đau đớn, mẹ chồng khắc nghiệt, hành hạ, chị Nguyệt (Tôn Đức Thắng – Đống Đa) không bao giờ nghĩ mình có thể kết hôn lần nữa.

Chồng chị Nguyệt chỉ là công nhân nghèo. Để kiếm tiền chăm lo gia đình, ngày ngày chị Nguyệt tần tảo gánh xôi, gánh cháo đi bán rong. Có chút vốn liếng, chị mở cửa hàng bán đồng nát rồi nguyên vật liệu xây dựng, lập công ty. Không muốn chồng chạnh lòng, chị động viên chồng đứng ra làm giám đốc. Giúp việc chồng một thời gian, chị lui về nhà lo chăm sóc hai con đang tuổi ăn học, cần dạy dỗ. Nhưng rồi chồng chị thừa tiền, đi chơi gái, cặp bồ.

Chị đau khổ khuyên bảo chồng thì anh ta ngang nhiên: "Cô nhìn vào gương xem có giống mẹ mướp không, ai mà động vào người cô được. Tôi yêu ai là quyền của tôi, ai cấm". Từ đó, anh ta gây gổ, lăng mạ chị suốt ngày. Chửi xong, anh ta đè chị ra giường, bắt chị phải thực hiện những động tác như "gái làm tiền" vì theo anh ta "nếu cô làm được thì tôi còn nghĩ lại". Nỗi nhục nhã khiến chị dứt lòng ly hôn.

Chị mất công ty, mất nhà, chỉ được ít tiền để thuê nhà, nuôi 2 con. Căm phẫn, uất ức, thương tiếc cho tuổi xuân và công sức, tình cảm của mình, chị không còn tin nổi vào ai, đặc biệt là đàn ông. Mới hơn 40 tuổi mà chị đã mệt mỏi, già nua và cay nghiệt…

Chị lại gây dựng việc buôn bán từ đầu, kiếm tiền nuôi con. Một bạn hàng tốt bụng thường xuyên lui tới giúp đỡ chị. Anh ấy cũng đã ly hôn 3 năm nay, nuôi 1 con trai. Anh ngỏ ý muốn cưới chị về làm vợ. Lúc đầu chị nằng nặc từ chối, anh vẫn cứ lăn xả vào. Mỗi lần chị cáu kỉnh, ăn nói văng mạng, thậm chí sỗ sàng, anh chỉ cười trừ, kiên nhẫn ngồi nghe. Từ sự tin tưởng đến cảm mến, chị gật đầu ưng thuận…

Anh chị dự định sang tháng sẽ làm bữa cơm thân mật mời họ hàng hai bên. Nhưng trước đám cưới một tuần, bất chợt, chị vô tình xem được một tin nhắn hơi tình cảm của một cô gái gửi cho anh. Bất chấp sự giải thích của anh, sự can ngăn của họ hàng, chị tuyên bố chấm dứt quan hệ. "Đàn ông đều cùng một giuộc. Bạc tình như nhau. Sớm muộn rồi cũng có mới nới cũ" – chị Nguyệt dứt khoát.

Tâm lý "phóng đại khuyết điểm"
Mỗi năm, Văn phòng Tâm Giao, Báo Phụ nữ Thủ đô tiếp nhận hơn 300 hội viên mới, trong đó có trên 70% là những người đã từng ly hôn (65% là nữ). Tiêu chí cơ bản của các chị là tìm được một người đàn ông công việc ổn định, khỏe mạnh và đặc biệt phải nghiêm túc trong tình cảm.

Tuy hy vọng, mong muốn gặp được người chân tình nhưng các chị vẫn không dám chắc có thể hạnh phúc một lần nữa. Các chị đều cho rằng: "Hôn nhân lần đầu, son rỗi, trẻ trung, xinh đẹp mà còn chẳng hạnh phúc. Chuyện rổ rá cạp lại càng là chuyện "đánh bạc với trời".

Chị Thủy (Hà Đông) đang vui mừng chộn rộn vì gặp được một người ưng ý bỗng nhiên chết sững khi nghe anh ta hỏi: "Nếu anh và con em cùng ốm thì em sẽ đi thăm ai đầu tiên?". Chị vội vã chia tay vì sợ con khổ. Chị Ngọc (Mai Động, Hoàng Mai) đến thăm nhà người yêu và sau đó ra đi trong im lặng.

"Gia đình anh ấy có tới 4 thế hệ, 6 – 7 người. Mình không đủ kiên nhẫn và sức lực để chăm lo cho đại gia đình ấy". Còn chị Hằng (Thanh Xuân), vừa nói đến chuyện lấy chồng, cô con gái 15 tuổi dứt khoát phản đối, khóc lóc, đòi bỏ nhà đi. Chị sợ con hư hỏng nên đành gạt nước mắt, chia tay. Có chị từng bị lừa về kinh tế nên vừa đến gặp người ta đã đòi xem "giấy tờ nhà" cho chắc ăn…

Chị Diệu Linh – phụ trách Văn phòng Tâm Giao cho biết: "Có người ám ảnh, cay đắng cả đời, không thể tìm lại hạnh phúc lần nữa. Ngoài những tổn thương, mất niềm tin, bị xúc phạm, khó khăn khi phải bươn chải nuôi con, các chị còn phải vượt qua rất nhiều những định kiến của xã hội đối với một người phụ nữ ly hôn.

Những định kiến, đôi khi khiến các chị dở khóc dở cười, khiến các chị đau đớn, không thể quên đi vết thương lòng và rất khó khăn để sống vui vẻ và hòa nhập. Thiếu tin tưởng vào đàn ông và chính mình, phụ nữ sau ly hôn rất nhạy cảm trước những lời nói hoặc cư xử thiếu chu đáo, thận trọng của cánh mày râu. Bản thân họ cũng trở nên cay nghiệt, săm soi "bới lông tìm vết" bằng lăng kính "phóng đại" khuyết điểm của đàn ông. Những cách phản ứng thẳng thừng khiến cho cơ hội tìm được người “bằng mặt bằng lòng" trở nên xa vời.

Trong khi đó, Văn phòng Tâm Giao thường xuyên gặp chuyện "tréo ngoe". Những phụ nữ 30 – 40 (đã ly hôn) muốn đi tìm một người trên dưới 40 để kết hôn nhưng ở độ tuổi đó, đàn ông lại chỉ muốn tìm bạn tình, nhanh nhanh chóng chóng đặt vấn đề để có quan hệ tình dục mà không muốn có ràng buộc về hôn nhân.

Đến độ tuổi ngoài 50, đàn ông (đã ly hôn) muốn tìm một phụ nữ trên 45 tuổi để kết hôn, có người tâm sự, chăm sóc thì các bà lại chỉ muốn làm bạn. Quan điểm của các bà là "Tội gì mang một ông già về hầu". Sự lạc nhịp này, cộng với những vết thương lòng khiến cho việc se duyên càng trở nên khó khăn.

Góc chuyên gia tư vấn
Đứng trước hôn nhân lần thứ 2, mỗi phụ nữ lại có những suy nghĩ, những trăn trở riêng tùy thuộc vào nguyên nhân ly hôn của cuộc hôn nhân trước đó. Tuy nhiên, đặc điểm chung là họ đắn đo suy nghĩ rất nhiều và để đi đến quyết định kết hôn với họ, không hề dễ dàng.

Đối với những người phụ nữ buộc phải ly hôn vì những lý do bất khả kháng, do không thể chấp nhận được đối phương trong một thời gian dài, họ đã có thời gian khá dài để chịu đựng hoặc tìm cách thay đổi chồng mà không được, họ có đủ thời gian để cân nhắc chín chắn trước khi tiến tới ly hôn.

Do đó, khi quyết định đi đến hôn nhân lần thứ 2, họ hết sức thận trọng. Họ đặt yêu cầu cao hơn, kỹ lưỡng hơn. Họ lo lắng nhất là không biết người chồng mới có trách nhiệm với gia đình không, có lặp lại những thói hư tật xấu của người chồng trước không và có quý con họ không. Khi kết hôn, vì đã một lần đổ vỡ nên những người phụ nữ này rất toàn tâm toàn ý cho gia đình và họ có hy vọng đạt được hạnh phúc bền vững.

Đối với những phụ nữ ly hôn do nguyên nhân tức thời, do bực dọc mang tính cá nhân như chồng ngoại tình hoặc do khó chịu vì một lý do nào đó mà ly hôn vội vã thì những người phụ nữ này có 2 khuynh hướng. Thứ nhất là yêu luôn một người khác để trả thù chồng, thứ 2 là lấy người khác nhằm mục đích tìm người bù đắp cho mình những thiệt thòi từ người chồng trước không mang lại cho mình.

Tuy nhiên, hôn nhân lần thứ 2 của những người phụ nữ này thường không êm đềm như trường hợp thứ nhất vì do vội vã ly hôn nên họ hay có cảm giác tiếc nuối gia đình cũ và so sánh người bạn đời mới với người chồng cũ. Tâm lý ấy khiến họ sống không tập trung, trong cuộc sống hàng ngày, người bạn đời mới có những nhược điểm sẽ khiến họ chán nản và nguy cơ đổ vỡ sẽ dễ xảy đến lần nữa.

Rất nhiều những phụ nữ trước khi nhận lời cầu hôn lần thứ 2 đã nhờ cậy đến nhà tư vấn tâm lý để tháo gỡ những cảm giác băn khoăn hoặc ngại ngần trước hôn nhân của họ. Đa phần, các nhà tư vấn tâm lý tình cảm tìm cách tham vấn cho họ về tâm lý của người đàn ông để giúp họ có cách ứng xử phù hợp và có quyết định đúng với mong muốn của mình.

Theo các chuyên gia tư vấn thì đa số, nam giới không chịu được sự cô đơn kéo dài, do đó, nếu người đàn ông ly hôn thì sẽ tìm người phụ nữ để thay thế. Với những đối tượng nam giới đã ly hôn, họ có khuynh hướng chọn người phụ nữ phù hợp để chống lại sự cô đơn chứ không đặt yêu cầu quá cao về tính nết hay sự tài giỏi của phụ nữ. Những đối tượng nam giới chưa lập gia đình thì ngược lại, họ thường chọn người phụ nữ thực tế, có kinh tế ổn định và có một đặc điểm là họ rất ngại những phụ nữ có con riêng là con trai.

Chuyên gia tư vấn Nguyễn An Chất, Công ty tư vấn An Việt Sơn

Anh Thư

Thực hiện: depweb

23/09/2008, 16:58