Trong vòng 6 tháng kể từ ngày luật này có hiệu lực, các cơ sở thương mại Chile vẫn được phép sử dụng tối đa 2 túi nylon cho mỗi khách mua hàng.
Sau thời hạn trên, việc sử dụng túi nylon sẽ bị cấm tuyệt đối tại tất cả các siêu thị, hiệu thuốc và các trung tâm thương mại lớn.
Trong khi đó, đối với các cơ sở buôn bán nhỏ ở các khu phố, việc cấm hoàn toàn túi nylon sẽ được áp dụng trong vòng 2 năm sau khi luật có hiệu lực.
Văn bản luật mới này cũng quy định, nếu cơ sở nào vi phạm sẽ phải nộp phạt 370 USD đối với mỗi túi nylon phát ra.
Phát biểu sau lễ ký ban hành luật, Tổng thống Piñera chia sẻ, để sản xuất một túi nylon chỉ mất vài giây và cũng chỉ được sử dụng trong khoảng thời gian nhất định để đựng đồ mua tại siêu thị nhưng phải mất tới 400 năm để có thể phân hủy.
Việc này khiến cho môi trường sống của con người phải chịu những tác động lâu dài. Chính vì vậy, theo ông Piñera, với quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, Chile đã trở thành quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh và một trong những nước đi đầu trên thế giới trong việc cấm sử dụng túi nylon, qua đó cũng thay đổi quan niệm và thói quen sử dụng túi nylon của người dân.
Theo cơ quan môi trường của Liên hợp quốc, Mỹ Latinh là một trong những khu vực tiên phong trong việc áp dụng các biện pháp hạn chế việc sử dụng túi nylon.
Ngoài Chile đã chính thức ban hành luật cấm sử dụng, các nước khác như Colombia, Antigua và Barbuda, Costa Rica, Panama, Bahamas và Belice cũng đã có những biện pháp thiết thực chống lại việc sử dụng túi nylon.
Thống kê của Liên hợp quốc cho biết, khoảng 5.000 tỷ túi nylon đã được sử dụng mỗi năm trên thế giới và có tới 13 triệu tấn nhựa được thải ra đại dương khiến cho môi trường bị tổn hại nghiêm trọng.